18/06/2011 03:29 GMT+7

Vụ "Đổi trường học lấy trung tâm thương mại": Có lợi cho cả hai phía

PHÚC HUY thực hiện
PHÚC HUY thực hiện

TT - Đó là ý kiến của ông Trần Vĩnh Tuyến, chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), giải thích với Tuổi Trẻ về một số vấn đề liên quan bài viết “Đổi trường học lấy trung tâm thương mại” (Tuổi Trẻ ngày 17-6). Ông Tuyến nói:

yVtB66S9.jpgPhóng to
Ông Trần Vĩnh Tuyến.

Trường mới ra sao?

Theo đề xuất của Phòng giáo dục Q.1 với nhà đầu tư, dự kiến kế hoạch phát triển đến năm 2020 của Trường Nguyễn Thái Học như sau: số học sinh 1.200 em (hiện nay 1.240 em), tổng số phòng học là 35 phòng (hiện có 30 phòng), tổng số lớp là 35 (hiện 30 lớp). Ngoài ra kế hoạch phát triển còn xây mới thêm phòng giáo dục thể chất hoặc nhà đa năng, phòng học ngoại ngữ, hội trường, nhà ăn, hầm để xe...

Riêng Trường THCS Minh Đức dự kiến phát triển đến năm 2020: 2.160 học sinh (hiện nay 2.179 học sinh), tổng số phòng học là 48 (hiện có 39 phòng học), tổng số lớp là 48, bằng với hiện nay. Bên cạnh đó xây mới nhà tập đa năng, hồ bơi, phòng thí nghiệm, phòng âm nhạc...

- Mục đích của việc di dời Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (viết tắt là Trường Nguyễn Thái Học) là do Q.1 muốn đầu tư mở rộng trường và phát triển giáo dục trên địa bàn quận. Để có trường học khang trang hơn, có điều kiện cho học sinh học tốt hơn thì phải đầu tư trường lớp mới và kế hoạch này phải tính cho nhiều năm tới. Trường học hiện nay khó có thể đáp ứng điều kiện học tập cho học sinh trong vòng 5-10 năm nữa.

Phương án thiết kế trường mới sẽ được đưa ra lấy ý kiến lãnh đạo trường, Phòng giáo dục quận và cả Sở Giáo dục - đào tạo TP. Tôi xin khẳng định trường học mới sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một trường hiện đại. Chủ đầu tư khu đất trên rất tâm huyết với ngành giáo dục và cam kết thực hiện đúng các yêu cầu của quận đưa ra. Nếu không chấp thuận hoặc không làm đúng các yêu cầu, quận sẽ đề xuất chọn chủ đầu tư khác thay thế.

* Nếu vì mục đích giáo dục, Q.1 có thể xây trường học mới trên khu đất hiện nay của Trường Nguyễn Thái Học thay vì đổi khu đất này cho trung tâm thương mại?

- Sử dụng ngân sách nhà nước xây dựng trường học với các điều kiện như tôi vừa nói thì quận chưa có khả năng hoặc phải chờ trong nhiều năm nữa. Vì vậy cần kêu gọi xã hội hóa, có sự tham gia của các nhà đầu tư. Chủ đầu tư tự liên hệ UBND Q.1 và đặt ra các điều kiện theo tôi là phù hợp. Hơn nữa, theo quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền thông qua, khu đất Trường Nguyễn Thái Học được quy hoạch là trung tâm thương mại - dịch vụ, còn khu đất dự kiến di dời trường mới phù hợp với quy hoạch giáo dục.

* Nhưng thưa ông, việc thay đổi từ trường học sang trung tâm thương mại chủ yếu phụ thuộc UBND quận khi làm quy hoạch?

- Đúng là quy hoạch do quận đề xuất nhưng phải phù hợp thực tế. Khu đất Trường Nguyễn Thái Học nằm xen giữa các trung tâm thương mại, khách sạn, như vậy không phù hợp và trường học cũng khó phát triển. Ngược lại, nếu dời trường học về đúng vị trí quy hoạch cho ngành giáo dục sẽ có điều kiện đầu tư, phát triển tốt hơn. Về mặt khách quan có lợi cho cả hai phía: quận có được khu trường hiện đại, còn “đất vàng” được khai thác đúng với giá trị của nó.

* Nhưng thực tế rõ ràng Trường Nguyễn Thái Học phải chịu thiệt khi giao 4.000m2 trường cũ và chỉ được đổi lại khoảng 2.500m2 tại nơi mới?

- Vị trí dự kiến xây Trường Nguyễn Thái Học mới đang tạm giao cho Trường THCS Minh Đức quản lý, làm bãi giữ xe, sân chơi cho học sinh của trường có diện tích 2.706m2. Theo kế hoạch, sẽ giải tỏa thêm các hộ dân xung quanh để mở rộng diện tích khu này lên hơn 5.400m2, cộng với diện tích Trường THCS Minh Đức hiện hữu là 2.950m2. Như vậy, toàn bộ khu đất này có tổng diện tích trên 8.350m2. Một phần khu đất (phải lớn hơn 4.000m2 của Trường Nguyễn Thái Học hiện hữu) dùng để xây dựng Trường Nguyễn Thái Học mới, phần còn lại mở rộng, xây mới Trường THCS Minh Đức.

* Vậy Trường THCS Minh Đức cũng phải di dời để học tạm trong thời gian chờ xây trường mới. Phía UBND Q.1 đưa ra các điều kiện như thế nào đối với nhà đầu tư khi muốn sở hữu “khu đất vàng” của Trường Nguyễn Thái Học?

- UBND quận đặt ra bốn điều kiện: Thứ nhất, chủ đầu tư phải bỏ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng các hộ dân xung quanh để mở rộng khuôn viên, xây Trường Nguyễn Thái Học mới. Thứ hai, nhà đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí xây dựng cả hai trường là Nguyễn Thái Học và Minh Đức. Phần trang thiết bị học tập phải tốt hơn, số phòng học tại Trường Nguyễn Thái Học mới cũng lớn hơn trường cũ. Điều kiện thứ ba là phải đảm bảo cho các em học sinh Trường THCS Minh Đức học xuyên suốt trong thời gian xây trường mới (có thể thuê, bố trí trường học tạm), thời hạn tối đa là một năm rưỡi. Riêng Trường Nguyễn Thái Học xây dựng xong trường mới thì mới dời trường cũ.

Điều kiện thứ tư là nghĩa vụ tài chính. Sau khi tính toán chi phí đền bù giải tỏa các hộ dân (ước khoảng 500 tỉ đồng), chi phí xây dựng hai trường mới và so sánh với quy định nghĩa vụ tài chính của khu đất Trường Nguyễn Thái Học, nếu có chênh lệch thì chủ đầu tư phải nộp vào ngân sách. Hiện cơ quan chức năng đang tính toán giá trị khu đất 4.000m2 của Trường Nguyễn Thái Học để xác định nghĩa vụ tài chính.

* Với những thông tin mà ông đề cập thì việc hoán đổi trường học để làm trung tâm thương mại đã rõ ràng. Vì sao đến nay quận vẫn chưa công bố thông tin này cho các phụ huynh biết để họ an tâm?

- Từ cuối năm 2010, nhà đầu tư là Công ty TNHH đầu tư A&B (P.Bến Thành, Q.1) có đề xuất với quận, xin đầu tư vào khu đất trên. Tuy nhiên quá trình thực hiện cần có thời gian và đây mới chỉ là ý tưởng tổ chức thực hiện quy hoạch, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo khả thi với UBND TP. Công việc này bình thường nên UBND quận chưa công bố đến phụ huynh học sinh. Chỉ khi nào được cấp thẩm quyền thông qua, quận sẽ công bố chính thức.

* Nhưng thông tin chúng tôi được biết trong cuộc họp vừa qua UBND TP đã chấp thuận chủ trương di dời Trường Nguyễn Thái Học?

- UBND TP đã có cuộc họp về vụ việc này, gần nhất vào ngày 3-6-2011 và chấp thuận về chủ trương thực hiện. Theo quy định, sau khi thông qua UBND TP phải xin ý kiến của Chính phủ. Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu UBND quận làm rõ với chủ đầu tư một số vấn đề như phương án di dời, quy mô trường mới, chỉ tiêu quy hoạch cao ốc trung tâm thương mại... để dự án đảm bảo khả thi.

* Thưa ông, nhiều phụ huynh có con em học trên địa bàn Q.1 vẫn băn khoăn liệu có những trường học khác thuộc những “khu đất vàng” trên địa bàn quận phải tiếp tục di dời để hoán đổi cho các trung tâm thương mại?

- Quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch cho giáo dục trên địa bàn quận đã làm xong. Nhưng không hẳn trường học nào ở vị trí “đất vàng” cũng phải hoán đổi để làm trung tâm thương mại. Ngược lại, có những trường như Trường THCS Nguyễn Du (đường Nguyễn Du) quận đang có kế hoạch thương lượng với các hộ dân xung quanh để mua hoặc hoán đổi đất, mở rộng trường học này nhằm tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt hơn. Trường mầm non Bến Thành đang có phương án tương tự.

Trường học mới phải rộng rãi, khang trang hơn

Ngày 17-6, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc “đổi trường học lấy trung tâm thương mại”, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định: quan điểm của lãnh đạo TP là đất cho trường học, giáo dục phải ưu tiên số 1.

Trường hợp nơi học cũ không đảm bảo, cần phải xây dựng lại trường học thì trường mới phải rộng rãi, khang trang hơn. Lãnh đạo quận huyện nào làm sai nguyên tắc này phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP.

PHÚC HUY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp