22/08/2015 09:55 GMT+7

Tập đoàn đề nghị "mua ĐH An Giang" chưa có đề án cụ thể

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - UBND tỉnh An Giang chủ động cung cấp thêm thông tin cho Tuổi Trẻ về việc Tập đoàn Sao Mai xin tiếp nhận ĐH An Giang.

ĐH An Giang. Ảnh tư liệu

UBND tỉnh An Giang cũng khẳng định chỉ mới đồng tình về chủ trương xã hội hóa, chứ chưa thống nhất cổ phần hóa hay chuyển giao trường cho tập đoàn này. 

Theo tư liệu UBND tỉnh cung cấp, vào ngày 15-5-2015 Tập đoàn Sao Mai có văn bản xin Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh xem xét chấp thuận về chủ trương cho tiếp nhận ĐH An Giang để tập đoàn đầu tư nâng cấp toàn diện, đưa trường trở thành một ĐH hàng đầu khu vực, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL.

Văn bản này trình bày vừa qua tập đoàn có ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn AMVI (Mỹ), do GSTS Kenneth A. Gabriel (ĐH Maryland, Mỹ) làm tổng giám đốc.

Việc hợp tác có nhiều nội dung, trong đó có việc AMVI và GS.TS Gabriel sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư xây dựng trường ĐH quốc tế tại ĐBSCL có sự liên kết và hỗ trợ giảng dạy của một số ĐH hàng đầu của Mỹ.

Với những điều kiện thuận lợi để mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh mới, nhân có chủ trương xã hội hóa đối với giáo dục, y tế, văn hóa... tập đoàn đã đưa ra đề nghị trên.

Ông Võ Nguyên Nam, chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang, cho biết sau khi có đề nghị này UBND tỉnh hoan nghênh và chỉ mới đồng ý về chủ trương xã hội hóa, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để giúp ĐH An Giang phát triển theo mô hình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, chứ chưa thống nhất bán hay chuyển giao ĐH cho Tập đoàn Sao Mai.

Bởi việc này phải thông qua Thường vụ Tỉnh ủy, xin phép của Chính phủ, và quy trình thực hiện phải tuân thủ các quy định pháp luật. Trong trường hợp tiến hành xã hội hóa, cổ phần hóa thì UBND tỉnh sẽ thông báo mời gọi nhiều đơn vị khác cùng tham gia công khai để chọn, chứ không dành riêng cho Tập đoàn Sao Mai.

Tập đoàn này có thể lựa chọn một số khoa của ĐH An Giang để thực hiện liên kết đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó nếu thành công và hiệu quả thì từng bước mở rộng hình thức này đối với các khoa ngành đào tạo khác của trường, và có thể mua cổ phần nếu như ĐH An Giang tiến hành cổ phần hóa sau khi được phép của Chính phủ.

Trả lời Tuổi Trẻ về đề án tiếp nhận trường, ông Trương Vĩnh Thành, phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết hiện tập đoàn mới đề nghị, đang chờ sự cho phép của UBND tỉnh An Giang, của Chính phủ nên hiện nay chưa có phương án, đề án cụ thể, nếu được phép và có phương án khả thi thì tập đoàn mới lập đề án triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Hải, phó hiệu trưởng ĐH An Giang, cho rằng xã hội hóa giáo dục là chủ trương của Nhà nước.

Tuy nhiên việc chọn đơn vị nào tham gia, liên kết cần tính toán kỹ sao cho hiệu quả, đạt được thành công. Quan trọng nhất là phải chọn đơn vị có nguồn lực, có kinh nghiệm về đào tạo đại học.

Điều mà nhiều cán bộ, viên chức, giảng viên băn khoăn là việc “nâng” ĐH An Giang trở thành ĐH quốc tế sẽ khó khả thi. Bởi trường này đào tạo 80% là con em của nông dân, thành phần thu nhập thấp, ngay cả học phí 3,5-5 triệu đồng/năm mà nhiều gia đình không kham nổi nên nhà trường cho miễn phí, cấp thêm học bổng từ nhiều nguồn ủng hộ khác nhau.

Học tập ở gần nhà chi phí cũng thấp, tiện lợi, nếu ĐH An Giang trở thành trường quốc tế thì con em của họ sẽ không còn cơ hội học tập ở đây.

“ĐH quốc tế này liệu có đủ uy tín, đảm bảo chất lượng để thu hút sinh viên An Giang và một số tỉnh lân cận theo học? Mặt khác, người dân ĐBSCL phần lớn thu nhập thấp nên không đủ khả năng học trường quốc tế học phí cao”, ông Hải nói.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp