Hình ảnh từ camera nhà dân ghi lại cảnh thanh niên đổ keo vào ổ khóa - Ảnh cắt từ clip
Theo phản ánh của người dân, vào sáng 16-8, khi mở cửa để đi làm thì nhiều hộ dân phát hiện ổ khóa cửa trước nhà bị đổ keo 502, không thể mở mà phải phá khóa. Anh L.Q.T. (trú tổ 59, phường Mỹ An) cho biết sau khi ổ khóa bị đổ keo, trên đó còn dán một mảnh giấy nhỏ ghi quảng cáo đăng ký một kênh YouTube. Không chỉ nhà anh T., mà nhiều nhà xung quanh cũng vậy. Việc này khiến nhiều gia đình bất an, lo lắng.
Bước đầu xác định, ngày 16-8, có 17 hộ dân ở kiệt 89, đường Lê Văn Hưu (phường Mỹ An) phát hiện ổ khóa cổng cửa nhà bị đổ keo 502. Kèm theo ổ khóa bị đổ keo trên đó đều có một mẩu giấy nhỏ ghi nội dung chỉ dẫn truy cập đến một kênh YouTube có tên hv...
Nhiều gia đình phải cho cắt khóa sau khi bị đổ keo - Ảnh người dân cung cấp
Sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã chỉ đạo công an phường khẩn trương vào cuộc, truy xét, làm rõ người liên quan cũng như động cơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công an phường Mỹ An đã làm rõ người gây ra vụ việc trên là N.N.K. (16 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Qua khai thác bước đầu, K. khai đã thực hiện hành vi nhỏ keo và dán tờ giấy như phản ánh của người dân đối với khoảng 45 hộ dân tại nhiều phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo tìm hiểu, thời gian qua trên mạng xã hội nhiều người dân ở Đà Nẵng cũng than phiền, bức xúc về việc trên tường nhà bị viết vẽ bậy cùng hướng dẫn đăng ký cũng vào kênh YouTube có tên hv… như trên.
Nhiều người dân than phiền vì tường nhà bị viết vẽ bậy - Ảnh: F.B.
Chế tài xử lý như thế nào?
Luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết liên quan đến hành vi đổ keo 502 vào ổ khóa cửa của nhiều hộ dân, hiện cần điều tra làm rõ giá trị tài sản mà các hộ dân bị hư hỏng là bao nhiêu, nếu trị giá từ trên 2 triệu đồng trở lên hoặc dù dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, hoặc hành vi đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu cá nhân thực hiện hành vi có đầy đủ điều kiện về độ tuổi (từ đủ 16 tuổi trở lên), có năng lực thực hiện hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Nếu không bị xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định số 144.
Trường hợp nếu người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi, thì chỉ bị xem xét trách nhiệm hình sự khi tài sản làm hư hỏng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Trong trường hợp người có hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng bị mắc bệnh tâm thần dẫn đến làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự, nhưng có thể sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo điều 49 Bộ luật hình sự.
"Như vậy, đối với việc xác định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này, cần làm rõ các vấn đề về giá trị tài sản bị hư hỏng, tình trạng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, độ tuổi của cá nhân vi phạm, hiện trạng bệnh tình của người này để xem xét trách nhiệm pháp lý phù hợp theo quy định của pháp luật" - luật sư Hậu cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận