Trong chuyến về làm việc với các tỉnh ĐBSCL, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (áo xanh trái) đã yêu cầu các tỉnh dừng cấp phép mới khai thác cát và nạo vét thông luồng, nhưng An Giang cho rằng dự án này đã có từ trước - Ảnh: Bửu Đấu |
Nạo vét có lợi cả hai ?
Ông Lâm Quang Thi cho biết đã chỉ đạo UBND huyện Chợ Mới cùng các Sở Giao thông vận tải, Tài nguyên môi trường trực tiếp họp dân để thông tin cụ thể vấn đề.
Theo ông Thi, dự án nạo vét khơi thông luồng lạch rạch Cù lao Giêng đã có từ năm 2016, với tổng chiều dài gần 9km, chủ yếu là nạo vét chỉnh trị dòng chảy tránh tình trạng sạt lở.
Nguồn cát này đồng thời được tận dụng để làm khu dân cư ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, bố trí cho 107 hộ vào sinh sống theo tinh thần của Thủ tướng là khẩn cấp khắc phục hậu quả của tình trạng sạt lở vừa qua.
Toàn tỉnh hiện có 10 điểm cần nạo vét thông luồng, bởi nếu không được chỉnh trị, dòng nước sẽ chảy xiết vào gần bờ gây ra sạt lở. Khu vực Cồn Cũ có cát dư nếu nạo vét nên ngày 5-5, UBND tỉnh đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét trên rạch Cù lao Giêng thuộc xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, thị trấn Mỹ Luông, Mỹ An và xã Hội An.
Doanh nghiệp thực hiện nạo vét và tận thu khoáng sản cát sông là công ty TNHH MTV Dương Khang.
“Do lượng cát dư hơn lượng nạo vét thông luồng nên tỉnh mới cấp phép khai thác khoáng sản và đánh thuế nộp vào ngân sách. Sở GTVT đã bố trí cấm phao rõ ràng để doanh nghiệp khai thác và sẽ giám sát thực hiện đúng theo các cột mốc phao đã cấm" - ông Lâm Quang Thi nói.
"Tuy nhiên, khi huyện chưa họp dân thông tin rõ ràng thì doanh nghiệp đã đưa xáng cạp vào múc thăm dò lượng bùn, cát nên đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Nếu không có chuyện làm khu dân cư này thì tỉnh làm gì phải cấp phép cho doanh nghiệp này làm như thế”.
Theo ông Thi, từ lúc xảy ra sạt lở kinh hoàng ở xã Mỹ Hội Đông đến nay, tỉnh đã đóng cửa hết 3 mỏ khai thác cát không đúng quy định và sai vị trí. Gần đây tỉnh cũng ban hành quyết định tịch thu 3 phương tiện khai thác cát không đúng quy định và xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với các doanh nghiệp có giấy phép nhưng khai thác ngoài phạm vi cấp phép.
“Tuần sau, UBND huyện Chợ Mới và các sở ngành sẽ xuống họp dân lần nữa để thông tin đầy đủ. Nếu dân lo sợ, sẽ để dân giám sát cùng chính quyền. Nếu bà con không đồng tình, sẽ dừng dự án này" - ông Thi nói.
"Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn cát nào để phục vụ cho việc làm khu dân cư nơi sạt lở nặng mà tìm dự án mới rất khó trong bối cảnh hiện nay”.
Xáng cạp của Công ty Dương Khang nằm bất động vì dân phản ứng - Ảnh: Bửu Đấu |
Dương Khang có phải "sân sau"?
Ông Lâm Quang Thi cũng trả lời một số ý kiến của dư luận như công ty Dương Khang là sân sau của lãnh đạo tỉnh nên được cấp phép nạo vét, khai thác cát; An Giang còn 3 mỏ cát đang hoạt động ở sông Tiền nhưng tỉnh không mua nguồn cát này để làm khu dân cư.
Ông Thi cho biết hiện giá cát đang ở mức cao và nếu đi mua cát về làm khu dân cư thì sẽ tốn rất nhiều tiền và tiến độ sẽ chậm hơn.
Còn công ty Dương Khang đã được Sở GTVT và TN-MT lập dự án, khảo sát đánh giá tác động môi trường đầu năm 2016 đến nay. Việc này không phải mới đây nên không thể nói An Giang phớt lờ lệnh Thủ tướng.
“Công ty này chẳng liên quan gì đến tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng không phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ trong việc cấp phép khai thác cát và nạo vét thông luồng. Tại mình làm quản lý phải cân bằng lợi tích với người dân" - ông Lâm Quang Thi trao đổi.
"Chẳng lẽ một bên không có nhà ở lại không quan tâm, trong khi mua cát nơi khác về làm khu dân cư sẽ tốn tiền và chậm tiến độ. Vì tối đa một ngày lấy chừng 1 chiếc sà lan hoặc cả tháng trời chưa có cát nữa. Mình cấp phép cho doanh nghiệp họ khai thác mỏ cát thì họ có quyền bán cho ai thì bán chứ không thể ép buộc họ phục vụ cho nhà nước được”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Cẩm Giang - Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ, cho biết tại buổi họp dân ngày 26-5, bà con đã không đồng ý cho nạo vét hay khai thác cát, vì cồn này vài năm nay đã có hiện tượng sạt lở nặng.
“Sau khi địa phương báo cáo ý kiến bà con về UBND huyện, ngày 27-5, ba xáng cạp của công ty Dương Khang đã tạm thời rút lui khỏi khu vực Cồn Cũ để chờ các cơ quan chức năng có hướng xử lý tiếp theo” - ông Giang nói.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 20-5 trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip dài trên 8 phút ghi lại hình ảnh hàng chục hộ dân thuê đò ra phản ứng quyết liệt với công ty Dương Khang đang dùng xáng cạp múc cát từ nhánh sông Tiền chảy qua địa phận Cồn Cũ, ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ.
Đoạn clip đã thu hút hàng ngàn lượt share và bình luận gây xôn xao dư luận ở An Giang.
Ông Đoàn Văn Đống cho rằng lúc trước cồn dài ra tận nơi ông đang bơi xuồng nhưng vài năm nay đã sạt lở nặng, nếu nạo vét lấy cát thì cồn này sẽ từ từ bị nhấn chìm - Ảnh: Bửu Đấu |
Ông Lâm Quang Thi (phải) đi cùng Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến khảo sát tình trạng sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông vừa qua - Ảnh: Bửu Đấu |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận