02/10/2024 08:12 GMT+7

Vụ cô giáo 'xin hỗ trợ' mua laptop: Đừng để bé xé ra to

Vụ cô giáo tại Trường tiểu học Chương Dương (quận 1, TP.HCM) 'xin' phụ huynh hỗ trợ mua laptop để phục vụ mục đích giảng dạy nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận và dấy lên nhiều tranh luận.

Vụ cô giáo 'xin hỗ trợ' mua laptop: Đừng để bé xé ra to - Ảnh 1.

Trường tiểu học Chương Dương, nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: MỸ DUNG

Vụ việc không chỉ là vấn đề nội bộ của một trường học, mà còn phản ánh những thách thức lớn hơn về quản lý, nhận thức, và quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Hệ lụy khi hiểu sai xã hội hóa giáo dục

Việc lạm dụng hoặc hiểu sai chính sách xã hội hóa (XHH) giáo dục có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, tạo ra những phản cảm.

Trước hết, vụ việc đã làm nảy sinh câu hỏi về trách nhiệm của hệ thống giáo dục trong việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện giảng dạy cho giáo viên. Cô giáo trong câu chuyện đã phải "xin" hỗ trợ laptop vì thiết bị cá nhân bị mất và ban giám hiệu không có hành động gì để thay thế hoặc hỗ trợ.

Điều này cho thấy sự thiếu hụt trong việc quản lý và cung cấp cơ sở vật chất cho giáo viên, một yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Việc xin máy tính từ phụ huynh cũng cho thấy một vấn đề khác, đó là việc nhà trường không có cơ chế hoặc sự hỗ trợ kịp thời cho giáo viên khi họ gặp khó khăn trong công việc.

Trong bối cảnh XHH, việc kêu gọi sự hỗ trợ từ phụ huynh và cộng đồng cho công việc chung là điều bình thường và cần thiết. Tuy nhiên, hiểu sai hoặc lạm dụng chính sách XHH có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, coi tài sản có được do XHH là tài sản của riêng mình là điều khó chấp nhận.

XHH nhằm huy động nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng nó không có nghĩa là chuyển toàn bộ gánh nặng tài chính lên vai phụ huynh với chiêu bài XHH. Cô giáo tự kêu gọi phụ huynh hỗ trợ mà không thông qua ý kiến của nhà trường là sai. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh của nhà giáo do hành xử không đúng thẩm quyền của giáo viên trong mối quan hệ với phụ huynh, tạo ra bức xúc không cần thiết.

Mỗi gia đình đóng góp có thể xem là không lớn để có thêm dăm triệu mua máy tính nhưng gộp vào nhiều khoản đóng góp cộng với chi phí mua sách vở, đồ dùng học tập đầu năm học sẽ trở thành món tiền không hề nhỏ với nhiều gia đình.

Cho dù cô giáo cho rằng sự đóng góp là tự nguyện nhưng trong môi trường giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc họp phụ huynh, sự "tự nguyện" không hoàn toàn đúng nghĩa mà là "tự nguyện" bất đắc dĩ. Nhiều phụ huynh có thể cảm thấy bị ép buộc phải đóng góp để tránh ảnh hưởng đến con cái hoặc ảnh hưởng mối quan hệ với giáo viên.

Điều này tạo ra một môi trường không công bằng và có thể gây chia rẽ, so bì, tị nạnh ở giữa các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Ngay học sinh có thể các em có cái nhìn thiếu thiện cảm về cô giáo mình và giảm lòng tin vào nhà trường.

Cần quy định chặt chẽ

Vụ việc cô giáo "xin" hỗ trợ máy tính dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng có thể làm tổn hại đến hình ảnh đạo đức của nghề dạy học. Hành động này còn có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến các giáo viên khác có thể nghĩ rằng việc kêu gọi sự đóng góp từ phụ huynh là điều hiển nhiên rất đỗi bình thường, từ đó làm mờ ranh giới giữa sự giúp đỡ tự nguyện và áp lực tài chính.

Nhà trường và ngành giáo dục cần quán triệt mạnh hơn, rõ ràng hơn và có quy định chặt chẽ về hiểu và thực hiện chính sách XHH. Theo đó, XHH không có nghĩa là chuyển trách nhiệm tài chính lên phụ huynh, mà là tìm kiếm sự phối hợp hợp lý giữa các bên liên quan để cải thiện điều kiện học tập và dạy học.

Nhà trường cần có quy định rõ ràng về việc tiếp nhận sự hỗ trợ từ phụ huynh, đảm bảo rằng mọi sự đóng góp đều là tự nguyện trong khuôn khổ luật pháp và không gây áp lực. Đồng thời nhà trường, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm đảm bảo điều kiện để thầy cô giáo dạy học tốt nhất.

Lỗi của cô giáo một phần nhưng phần khác cũng thuộc về nhà trường do không đảm bảo cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất cho giáo viên để họ có thể thực hiện công việc giảng dạy một cách hiệu quả. Khi giáo viên gặp khó khăn về thiết bị hoặc cơ sở vật chất không đồng bộ, nhà trường cần kiến nghị cơ quan quản lý có cơ chế hỗ trợ nhanh chóng.

Bài học cuối cùng đối với các giáo viên là luôn nhớ vai trò quan trọng của mình trong việc duy trì lòng tin, uy tín và tính chuyên nghiệp trong mối quan hệ luôn nhạy cảm với phụ huynh và học sinh. Thẩm quyền giáo viên đến đâu được thực hiện đến đó, không nên "dám nghĩ dám làm" khi chưa có ý kiến của lãnh đạo trường.

Cần rút ra bài học

Vụ cô giáo "xin hỗ trợ" mua laptop không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là biểu hiện của nhiều vấn đề sâu xa khá dai dẳng về lạm dụng XHH trong hệ thống giáo dục. Việc rút ra bài học từ sự kiện này là cần thiết để đảm bảo một môi trường giáo dục minh bạch, công bằng và bền vững trong tương lai, đồng thời tránh được nhiều hệ lụy và không để "chuyện bé xé ra to".

Vụ cô giáo 'xin hỗ trợ' mua laptop: Đừng để bé xé ra to - Ảnh 2.Quận 1 thông tin chính thức vụ cô giáo 'xin hỗ trợ mua laptop'

Sáng 1-10, ông Võ Cao Long - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP.HCM - chính thức cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến vụ việc cô giáo 'xin hỗ trợ mua laptop' xảy ra tại Trường tiểu học Chương Dương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp