Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) nêu ý kiến trong buổi đối thoại với ban giám hiệu - Ảnh: Phương Nguyễn
Câu chuyện đặt ra vấn đề làm sao để tiếng nói, phản ảnh của học sinh được giáo viên, nhà trường lắng nghe.
Cô Đặng Thị Yến (hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM):
Tạo thói quen đối thoại
Tôi hơi ngạc nhiên với cán bộ quản lý nhà trường. Sự việc diễn ra hàng tháng trong trường mà hiệu trưởng không biết. Chịu trách nhiệm đầu tiên đương nhiên là người quản lý.
Trong trường hợp này, hiệu trưởng đã thiếu kênh thông tin để nắm được tình hình trong trường, trong từng lớp. Giáo viên chủ nhiệm đâu phải kênh duy nhất.
Đồng thời, hiệu trưởng cũng không tạo được môi trường cởi mở, thoải mái cũng như thói quen đối thoại giữa học sinh với thầy cô và ban giám hiệu.
Chịu trách nhiệm tiếp theo là giáo viên chủ nhiệm đã tiếp nhận ý kiến của học sinh, không giải quyết được thì phải báo ngay với ban giám hiệu để tìm hướng giải quyết khác. Sao có thể để học sinh của mình bức xúc đến bật khóc như vậy.
Để tiếng nói học sinh được lắng nghe thì trước tiên phải tạo được môi trường và thói quen để các em nói. Sau đó giải quyết những vấn đề đã lắng nghe từ học sinh.
Nhà trường không chỉ là nơi dạy kiến thức. Đây còn là nơi bồi dưỡng kỹ năng, tính cách, đạo đức và cách sống cho các em. Để tạo môi trường cởi mở và thói quen "nói" cho các em, mỗi tháng trường tôi tổ chức đối thoại với học sinh hai lần.
Ban giám hiệu sẽ trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em. Trường sẽ giải quyết ngay để các em thấy được tiếng nói của mình luôn được lắng nghe và có trọng lượng.
Đồng thời, hiệu trưởng phải tạo cho mình nhiều kênh thông tin để nắm rõ và kiểm chứng mọi sự việc trong trường.
Các câu lạc bộ, đội nhóm cũng là kênh để các em nói lên tiếng nói của mình. Trong quá trình sinh hoạt, sẽ có lúc các em nói ra tâm tư của mình với thầy cô, bạn bè.
Có tâm tư trong lòng, các em chắc chắn có nhu cầu nói ra. Và những ai thân thiện sẽ là đối tượng để các em tâm sự. Các thầy cô này có nhiệm vụ báo lại với ban giám hiệu những vấn đề cần giải quyết.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM):
Giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi
Muốn học sinh nói lên tâm tư, nguyện vọng, phản ảnh thì nguyên tắc đầu tiên là hiệu trưởng phải thực hiện đối thoại với học sinh. Những tâm tư hay những vấn đề nan giải không được giải quyết sẽ như ung nhọt, khiến học trò lẫn giáo viên đều âm ỉ đau và có ngày sẽ vỡ tung, gây thương tổn to lớn.
Nhà trường cần có phòng tư vấn tâm lý. Ở trường tôi, phụ trách trực chính của phòng này là ban giám hiệu. Ngoài ra, hiệu trưởng cũng phải thường xuyên đi xung quanh trường, ghé thăm các lớp và trò chuyện với học sinh.
Có thấy được sự cởi mở, quan tâm của hiệu trưởng thì học sinh mới dễ dàng mở lòng chia sẻ hơn và kịp thời giải quyết các vấn đề khúc mắc.
Trường tôi, học sinh lên nói chuyện trực tiếp với hiệu trưởng là chuyện bình thường, bản thân các em cũng coi đó là chuyện bình thường.
Gần gũi với học sinh là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mọi giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Thầy cô chủ nhiệm phải là "thủ lĩnh, đại ca" trong lớp, đồng thời là cầu nối giữa học sinh và giáo viên bộ môn; giữa học sinh, phụ huynh với nhà trường.
Chủ nhiệm gần gũi nhưng cũng phải kiên quyết và bản lĩnh để lắng nghe tâm tư của các em, nắm bắt được những xung đột trong lớp, ngoài lớp và giải quyết được các vấn đề ấy.
Thầy Huỳnh Công Phúc (giáo viên môn hóa Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM):
Luôn làm tròn trách nhiệm người thầy
Con người ai cũng có hỉ nộ ái ố. Nhưng là giáo viên, đứng trước học trò phải kìm nén cảm xúc. Cô nhường một bước, trò nhường một bước tâm lý thoải mái mới giải quyết được vấn đề.
Là người thầy, người lớn, giáo viên nên nhường một bước trước, tha thứ lỗi lầm của học trò, không giữ trong lòng thì mới trò chuyện được với học trò.
Lúc tôi còn trẻ, tôi cũng từng lâm vào tình trạng khúc mắc với học trò. Tôi cũng từng giận học trò, nhưng vẫn giảng bài bình thường. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của một người thầy đối với học sinh và nhà trường.
Mình là người thầy, mình phải hướng những điều tốt đẹp cho học sinh, phải biết tìm cách cho bản thân nguôi giận, trò chuyện với học trò để gỡ nút chứ không để vậy hoài được.
Giọt nước làm tràn ly
Việc lắng nghe học sinh nói và nói để các em hiểu trong mỗi học kỳ, hiệu trưởng có thực hiện không?
Giá mà có sự đối thoại ấy học sinh được giải tỏa những bức xúc, được đề đạt nguyện vọng, nhà trường tích cực giải quyết thì không thể có câu chuyện suốt một học kỳ cô chỉ ghi mà không giảng gì.
Vụ cô giáo không nói gì trên lớp suốt một học kỳ chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Sâu xa, hoạt động trong mỗi nhà trường chạy theo hình thức, thành tích, nội bộ mất đoàn kết, giáo viên thiếu rèn luyện chuyên môn..., tất cả là lực cản của công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận