05/05/2023 10:41 GMT+7

Vụ cô giáo chiếm đoạt 45 triệu đồng bị tuyên 5 năm tù: Tùy thuộc nhận định của thẩm phán

Liên quan việc bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị tuyên án 5 năm tù vì gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong sáu năm, các chuyên gia pháp nhận định như thế nào?

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: D.HÒA

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: D.HÒA

Ngoài ra, những ngày qua dư luận cũng đặt câu hỏi: mức án trên liệu có quá nghiêm khắc với bà Dung? Tuổi Trẻ trao đổi với một số thẩm phán, cựu thẩm phán từng có kinh nghiệm xét xử án hình sự, án tham nhũng chức vụ.

Còn nhiều băn khoăn...

Ông Vũ Phi Long - nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM - cho rằng việc bà Lê Thị Dung bị truy tố và tòa án sơ thẩm xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn theo điều 356 Bộ luật Hình sự là đúng.

Riêng khung hình phạt, tòa án đã áp dụng khoản 2 điều 356 là áp dụng đúng pháp luật, bởi lẽ đây là tội phạm liên tục kéo dài với tổng tài sản bị chiếm đoạt (thiệt hại) là 45 triệu đồng, gấp bốn lần mức khởi điểm của khoản 1 điều 356 Bộ luật Hình sự (khởi điểm 10 triệu đồng).

Đối với mức án mà tòa sơ thẩm tuyên, theo ông Long, là có phần nghiêm khắc, còn về tính nhân văn của bản án thì tùy vị trí từng người nhìn nhận sự việc.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM - cho rằng bà Dung có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 hoàn toàn có thể xử mức dưới khung truy tố.

"Việc đánh giá bị cáo có thành khẩn hay không thì trong cáo trạng cũng nêu rõ việc bà Dung thừa nhận những lần nhận tiền đó, nhưng bị cáo cho rằng mình nhận không sai vì đó là quy chế chi tiêu nội bộ.

Việc thừa nhận mình có nhận tiền có thể coi đó là tình tiết giảm nhẹ, đồng thời xét về nhân thân của bị cáo cũng có thêm một tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được hưởng mức án dưới khung quy định", bà Thủy nói.

Một thẩm phán khác đang công tác tại TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng việc tuyên mức án mang tính chất răn đe nghiêm khắc hay nhân văn hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của từng thẩm phán.

Có quan điểm cho rằng số tiền thiệt hại 45 triệu đồng là lớn, nhưng cũng có quan điểm cho rằng những vụ án khác tiền tham nhũng, sai phạm cả trăm tỉ mới là lớn thì cũng tùy thuộc nhận thức và mức độ đánh giá của thẩm phán.

Do đó rất khó để nói mức án đó là cao hay thấp, có đảm bảo tính nhân văn của pháp luật hay không.

"Đối với pháp luật, căn cứ vào định lượng, quy định của pháp luật để đánh giá. Trong vụ án này, chúng ta không được tiếp xúc hồ sơ đầy đủ nên chỉ có thể bàn những nội dung chung chung. Do đó cần chờ cấp phúc thẩm xem xét toàn diện vụ án", vị thẩm phán này nói.

Bà Lê Thị Dung - Ảnh: CTV

Bà Lê Thị Dung - Ảnh: CTV

Quy chế chi tiêu nội bộ ban hành hợp pháp?

Theo luật sư Hoàng Thị Phương (người bào chữa cho bà Dung), điều quan trọng nhất của vụ án là việc xác định bà Dung có vi phạm pháp luật về tài chính kế toán không, vi phạm như thế nào thì không được làm rõ, không được viện dẫn.

Cáo trạng cho rằng bà Dung vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng là chủ quan trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh bằng chứng cứ.

Công an huyện Hưng Nguyên đã ba lần trưng cầu giám định tư pháp về tài chính kế toán, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã có ba bản kết luận giám định đều không chỉ ra bà Dung vi phạm quy định pháp luật nào về tài chính kế toán. Do đó kết luận "thanh toán sai quy định" là thiếu căn cứ pháp lý.

Bà Phương cho rằng bốn nội dung chi thanh toán cho bà Dung trong thời gian từ năm 2012 - 2017 đều đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong các bản quy chế chi tiêu nội bộ có giá trị pháp lý.

Toàn bộ số tiền hơn 45 triệu đồng đang bị quy kết là chiếm đoạt đều được duyệt chi bởi Kho bạc Nhà nước đúng nguyên tắc và không vượt mức dự toán được giao hằng năm của UBND huyện.

Cấp phúc thẩm nên hủy án điều tra lại

Ông Trần Công Chu, nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao, nói: "Qua cáo trạng mà viện kiểm sát truy tố bà Lê Thị Dung, tôi cho rằng việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên như trên là đúng thủ tục vì đã thông qua hội nghị công chức, viên chức; đã gửi cho Phòng tài chính, Kho bạc Nhà nước huyện để theo dõi, kiểm soát chi".

Quy chế chi tiêu nội bộ được thông qua, ban hành hợp pháp, có đầy đủ hiệu lực để thi hành, quy chế này không bắt buộc phải báo cáo Sở Giáo dục.

Tuy nhiên có thể khi thực hiện quy chế chi tiêu có sự nhầm lẫn hoặc hạch toán chi sai, chi trùng lắp nhưng cũng chỉ chi sai trong phạm vi quy chế, ý thức chiếm đoạt là không có vì bị can thực tế có đi học, công tác...

Do đó để đánh giá kỹ chứng cứ cũng như mục đích của hành vi phạm tội thì cấp phúc thẩm nên hủy án sơ thẩm để điều tra lại và trưng cầu giám định các cơ quan chuyên môn cấp trên, độc lập với những cơ quan đã được trưng cầu trước đó để đánh giá lại tính chất, mức độ, hành vi vi phạm của bà Dung.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo TAND tối cao cho biết đã nắm vụ việc qua báo chí. TAND tối cao cũng đã có trao đổi với TAND Nghệ An và được biết bị cáo đã có đơn kháng cáo.

Vụ án đang thuộc thẩm quyền xem xét của cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Nghệ An, nên cần phải chờ cấp phúc thẩm đánh giá toàn diện và đưa ra quyết định phù hợp.

Tạm giam bà Dung thêm 45 ngày

Chánh văn phòng TAND tỉnh Nghệ An Trần Quốc Cường thông tin TAND tỉnh Nghệ An đã nhận được đơn kháng cáo của bà Dung kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện Hưng Nguyên và kêu oan.

Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã quyết định gia hạn tạm giam bị cáo thêm 45 ngày và hoàn chỉnh hồ sơ chuyển lên cấp phúc thẩm.

Ông Đinh Công Thành (viện trưởng Viện KSND huyện Hưng Nguyên):

Cáo trạng đã áp dụng luật mới có lợi cho bị can

Ông Đinh Công Thành cho rằng hành vi của bà Dung và bà Nguyễn Thị Hương (nguyên kế toán trung tâm) xảy ra trong giai đoạn 2012-2017 là thời điểm điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực.

Tuy nhiên, cấu thành tội phạm cơ bản của điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhẹ hơn điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999. Và cơ quan tố tụng đã áp dụng điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý, như vậy là có lợi cho các bị can rồi.

"Hành vi của bà Dung đã hai lần gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Hưng Nguyên, trên 10 triệu đồng, được quy định tại điểm b khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt này quy định từ mức 5 đến 10 năm tù", ông Thành nói.

Lãnh 5 năm tù vì thanh toán trái quy định gần 45 triệu đồng ở trung tâm giáo dục thường xuyênLãnh 5 năm tù vì thanh toán trái quy định gần 45 triệu đồng ở trung tâm giáo dục thường xuyên

Nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên, Nghệ An bị kết án 5 năm tù với cáo buộc nhiều lần thanh toán trái quy định, chiếm đoạt gần 45 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp