08/08/2013 08:11 GMT+7

Vụ chìm canô trên biển Cần Giờ: Xuất hiện một quyết định khó hiểu

VIỄN SỰ - ĐÔNG HÀ
VIỄN SỰ - ĐÔNG HÀ

TT - Có thể nói trong vụ chìm canô ở Cần Giờ thì ông Vũ Văn Đảo, giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc (gọi tắt là Việt - Séc), là một mấu chốt rất quan trọng. Thế nhưng vẫn còn không ít dấu hỏi xung quanh thông tin từ con người nắm giữ nhiều “bí mật” này.

Ox7uaJvI.jpgPhóng to
Vợ ông Phạm Duy Phúc (tài công bị nạn) với chiếc bóp của chồng - nơi bà phát hiện tờ quyết định điều động sử dụng canô bị chìm trên biển Cần Giờ - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trong ngày 7-8 xuất hiện tình tiết liên quan đến việc ông Vũ Văn Đảo cho rằng tài công Phạm Duy Phúc (chết trong vụ tai nạn) nhầm lẫn khi lấy canô H29BP (canô bị nạn), thay vì tài công này chỉ được phép sử dụng một canô khác có số hiệu KH0606. Đây là một tình tiết quan trọng, nếu đúng như lời ông Đảo thì mọi chuyện đều do tài công Phúc lấy nhầm canô, ông Đảo không tự ý đem canô của biên phòng đang sửa chữa cho Vũng Tàu Marina mượn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mọi chuyện không hẳn như vậy.

Tài công Phạm Duy Phúc được cho phép sử dụng canô H29BP

Người nhà của tài công Phạm Duy Phúc có cung cấp cho PV Tuổi Trẻ một quyết định ký ngày 2-8 của Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina (gọi tắt là Vũng Tàu Marina), quyết định này bổ nhiệm ông Vũ Duy Phúc (đúng ra là Phạm Duy Phúc) làm đội trưởng đoàn chạy thử tàu, trong đó có quyền sử dụng canô H29BP và một tàu khác là H790. Trao đổi về việc này, ông Đảo nói không hề biết gì về quyết định của Vũng Tàu Marina. “Vũng Tàu Marina ký giấy điều động thì chỉ có Vũng Tàu Marina mới nói được lý do, chúng tôi không hề có thỏa thuận nào về việc này” - ông Đảo khẳng định.

Trước khẳng định này của ông Đảo, chúng tôi có liên lạc với ông Đinh Văn Quyết - giám đốc Vũng Tàu Marina, người ký quyết định - nhưng ông Quyết chỉ bắt máy vài giây rồi cúp máy. Chúng tôi có nhắn tin về việc ông Đảo nói không biết quyết định của Vũng Tàu Marina và đề nghị ông Quyết giải thích, nhưng ông Quyết không trả lời.

Tối 7-8, khi chúng tôi điện thoại lại để hỏi thêm về quyết định của Vũng Tàu Marina, ông Đảo nói: “Tôi khẳng định là tôi không biết gì về quyết định bổ nhiệm chức danh này cho anh Phúc của Vũng Tàu Marina”. Ông Đảo còn cho rằng Vũng Tàu Marina không biết gì về cung cách làm việc, nên mới “nhầm lẫn” ra quyết định bổ nhiệm nói trên. “Tàu này Việt - Séc đóng cho hải quân thì làm sao Vũng Tàu Marina có quyền tùy tiện điều động được” - ông Đảo nhấn mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các vấn đề liên quan đến tài công Phạm Duy Phúc, bà Trần Thị Phương Nở (vợ ông Phúc) cho biết sáng 7-8 bà có gọi điện để nói với ông Đảo về tờ quyết định của Vũng Tàu Marina nhưng ông này không nghe máy. Bà bèn nhắn tin cho ông Đảo với nội dung “sao lại đổ lỗi cho chồng tôi”. Ông Đảo nhắn lại là thành thật xin lỗi.

YyqlLOag.jpgPhóng to
Bà Trần Thị Phương Nở, vợ tài công canô bị chìm Phạm Duy Phúc, và quyết định của Vũng Tàu Marina về việc điều động ông Phúc sử dụng tàu H29BP đang sửa chữa tại Việt - Séc - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Những mâu thuẫn cần làm sáng tỏ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-8, thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết khi gọi điện xin tàu cứu nạn của biên phòng, ông Đảo chỉ nói có canô đưa nhân viên đi chơi bị hết nhiên liệu và nhờ ra “tiếp” nhiên liệu. Nhưng ông Đảo lại khẳng định là báo cho thượng tá Quỳnh để xin tàu đi tìm canô bị nạn.

Còn theo báo cáo của biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu gửi cấp trên, thượng tá Quỳnh cho biết trong cuộc điện thoại lúc 19g30 ngày 2-8, ông Đảo nói với ông Quỳnh có một canô của Việt - Séc đi Cần Giờ trên đường về bị hết nhiên liệu, nhờ tàu của đơn vị chở xăng dầu ra tiếp tế. Thượng tá Quỳnh đồng ý và điều tàu BP 13-04-02 của đơn vị đi tiếp nhiên liệu...

Đến khoảng 20g30, ông Đảo mới điện lại cho thượng tá Quỳnh báo canô bị chìm và đó là canô của biên phòng. Lúc biết tin này, thượng tá Quỳnh hỏi ông Đảo vì sao canô của đơn vị đang bảo dưỡng lại lấy đi chở người. Ông Đảo nói: “Em sai rồi, anh cố gắng giúp em”. Lúc này, thượng tá Quỳnh có yêu cầu ông Đảo phải báo với cơ quan chức năng, đồng thời điện cho tàu của đơn vị chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

Về thời gian biết tin tàu bị nạn, khi trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Đảo cho rằng đến khoảng 20g20 ông mới nhận được tin canô H29BP chìm từ ông Hà Ngọc Phước, giám đốc Nhà máy sản xuất ống thép của PV Pipe, đi cùng canô chạy sau.

Tuy nhiên, theo chứng cứ Tuổi Trẻ có được, trong máy điện thoại của ông Tạ Thanh Sơn (giám đốc kinh doanh Việt - Séc) vào 19g46 đã có tin nhắn được ông Đảo xác nhận là tin do ông gửi cho Sơn, với nội dung: “H29 sao rồi em”. Trước tin nhắn này (nghĩa là trước thời điểm 19g46), ông Đảo có gửi cho Sơn tin nhắn: “Em liên lạc với H29 số 09762...”, đây là số điện thoại của anh Nguyễn Văn Cương đi trên canô bị nạn. Như vậy, phải chăng ở thời điểm trước 19g46, ông Đảo đã nhận được thông tin về sự cố của canô H29BP từ anh Cương qua điện thoại? Trao đổi với Tuổi Trẻ khi vừa được cứu nạn vào sáng 3-8, anh Nguyễn Văn Cương nói anh đã gọi điện cho ông Phước vào khoảng 19g (hoặc sau đó một chút) để báo tin canô bị nạn.

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ, TP.HCM.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chấn chỉnh sai sót, khiếm khuyết trong quản lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

____________

Tin bài liên quan:

VIỄN SỰ - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp