Chiều 21-7, tại UBND xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam, UBND huyện Nghi Lộc đã tổ chức buổi đối thoại với người dân liên quan đến vụ chặn xe tải vào cảng biển Vissai trong ba ngày qua.
Lo lắng ô nhiễm môi trường
Tại buổi đối thoại, người dân bày tỏ lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh dự án cảng biển Vissai, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, khu neo đậu tàu thuyền…
Theo người dân, các nội dung này kéo dài trong nhiều năm, chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc, dẫn đến việc họ kéo nhau ra đường chặn xe tải vào cảng biển.
Ông Nguyễn Văn Cải - 76 tuổi, ngụ xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết - phản ánh kể từ khi dự án cảng biển đi vào hoạt động, một số người dân ở địa phương qua đời hoặc nhập viện với các bệnh như ung thư, lao phổi… chưa rõ nguyên nhân. Ngoài ra khi đánh bắt cá ven bờ, người dân thấy hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường.
"Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng của dự án đến khu dân cư thế nào để người dân nắm rõ", ông Cải nói.
"Mời dân vào công ty giám sát môi trường"
Ông Bùi Văn Thành - chủ tịch UBND xã Nghi Thiết - nhìn nhận xã chưa giải quyết kịp thời những kiến nghị của người dân. Việc để người dân ra chặn xe làm "xã mất uy tín". Ông Thành kêu gọi người dân phải chấp hành pháp luật, "không thể chặn xe mãi được vì thiệt hại rất nhiều".
Làm rõ về vấn đề đầu tư xây dựng cảng biển, ông Lê Tiến Trị - trưởng Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam - cho biết địa bàn xã Nghi Thiết có hai dự án trạm nghiền xi măng (hơn 67ha) và cảng biển Vissai đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016.
Dẫn lại một số sự cố trong quá trình sản xuất có phát tán bụi ra môi trường của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam, ông Trị cho biết những phản ánh của người dân là có cơ sở. Phía ban đã vào cuộc kiểm tra, đề nghị công ty báo cáo, rà soát và xử lý.
"Về gỗ dăm, bộ đá, quặng là hàng rời được cấp phép ở cảng. Chúng tôi đề nghị công ty có quan trắc tự động cần chuyển về xã, về xóm các thông số để người dân hiểu, giám sát các chỉ số trong phạm vi cho phép về đánh giá tác động môi trường", ông Trị nói.
Ông Nguyễn Ngọc Oánh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần xi măng Sông Lam - gửi lời xin lỗi tới người dân vì để những ảnh hưởng của dự án đến đời sống trong thời gian qua.
Ông Oánh khẳng định công ty luôn tuân thủ các thủ tục pháp lý, chưa vi phạm ra ngoài diện tích được cấp phép, thông tin quan trắc môi trường tự động được truyền lên Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An 24/24h và kiểm soát quan trắc môi trường xung quanh theo định kỳ.
Ông Oánh nói đơn vị sẵn sàng mời người dân vào công ty trực tiếp tham quan để thấy việc tuân thủ về môi trường của công ty "để có thông tin chính xác, khách quan".
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho hay những kiến nghị của người dân sẽ được tỉnh, huyện tiếp thu, cam kết giải quyết theo lộ trình.
"Mong muốn của người dân là chính đáng nhưng hành động chặn xe là vi phạm pháp luật", ông Dũng nói và đề nghị người dân quay về nhà, để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bình thường trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận