23/04/2016 08:41 GMT+7

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại Formosa

X.LONG - V.ĐỊNH - H.VĂN - C.V.KÌNH
X.LONG - V.ĐỊNH - H.VĂN - C.V.KÌNH

TTO - Cho tới ngày 22-4, Formosa vẫn khẳng định chưa hề xả thải ra biển qua đường ống chìm dài tới 1,5km. Trong khi đó có ngư dân cho biết họ chứng kiến đường ống này có xả thải vào ngày 4-4.

Hệ thống kênh mương xử lý nước thải của Formosa - Ảnh: Văn Định
Hệ thống kênh mương xử lý nước thải của Formosa - Ảnh: Văn Định

Hôm qua, sau khi hoàn tất việc khảo sát, lấy mẫu nước, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường do tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài dẫn đầu đã đến kiểm tra trực tiếp tại Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và tại Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh).

Formosa xác nhận có ống xả thải ra biển

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tại Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đoàn kiểm tra việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tiến độ dự án và tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của công ty.

Tương tự, quá trình kiểm tra tại Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh, đoàn kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường của dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, khảo sát hiện trạng môi trường ven bờ biển khu vực Vũng Áng. Trong quá trình kiểm tra, Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN cũng tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường.

“Việc kiểm tra là thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Quá trình kiểm tra có thời hạn, đến khi có kết quả kết luận các nội dung kiểm tra sẽ thông báo công khai” - một thành viên đoàn kiểm tra cho hay.

Liên quan đến thông tin Formosa thừa nhận có hệ thống cống ngầm nối từ dự án của Formosa ra biển, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Dương Tùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết đường ống này là hệ thống cuối cùng của công đoạn xả nước thải.

“Trước đường ống này có các hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ đã được thẩm định, đánh giá. Nguồn nước thải qua hệ thống xử lý phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định mới được xả ra biển” - ông Tùng giải thích.

Theo ông Tùng, Formosa báo cáo họ chưa hoạt động.

“Đến tháng 6-2016 họ mới khánh thành, khi đó họ mới hoạt động, nhưng tất cả mọi vấn đề về môi trường phải đạt tiêu chuẩn thì mới được phép hoạt động” - ông Tùng cho hay.

Trả lời câu hỏi làm sao giám sát được nguồn nước xả thải đạt chuẩn khi đường ống nước thải chôn ngầm đưa ra biển, ông Đặng Văn Lợi - cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) - nói: “Đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường đang kiểm tra, mẫu nước thải đạt hay không đạt sau phân tích sẽ biết ngay, nhưng yêu cầu qua hệ thống xử lý thì nước thải phải đạt quy chuẩn VN”.

Còn theo ông Hoàng Dương Tùng, quy trình xả thải được thẩm định bắt buộc nguồn nước thải phải đưa qua hệ thống xử lý. “Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm kiểm tra trực tiếp về mẫu nước sau xử lý, ngoài ra còn có hệ thống quan trắc tự động ngay tại khu xử lý. Formosa cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động rồi. Vấn đề phải nói rõ là đường ống ngầm đưa nước thải ra biển là đường ống nước đã qua xử lý chứ không phải đưa nước thải trực tiếp ra môi trường” - ông Tùng nói thêm.

Về việc lấy mẫu nước phân tích xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt, ông Tùng cho biết việc cá chết lan rộng là vấn đề rất nghiêm trọng, vì vậy mẫu nước phải được lấy ở nhiều nơi.

“Việc phân tích mẫu nước ở biển cũng phức tạp hơn mẫu nước lấy ở sông vì ngoài biển có nhiều nguồn hải lưu, hải văn. Kết quả phân tích mẫu nước chắc phải đợi thêm một vài ngày nữa chứ không thể nhanh được” - ông Tùng nói.

Nghi vấn...

Như Tuổi Trẻ thông tin, trong quá trình đoàn công tác Bộ NN&PTNT tiếp xúc với các hộ dân bị thiệt hại do cá nuôi lồng bè bị chết trắng hôm 21-4, người dân phản ảnh có một đường ống xả thải ngầm từ dự án Formosa ra đáy biển Vũng Áng.

Người chứng kiến đường ống ngầm này đang xả thải ra biển là ông Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ở thôn Ba Đồng, P.Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Gặp chúng tôi, ông Thành xác nhận cách đây hai năm, ông cùng một số ngư dân thường lặn ở vùng biển Vũng Áng phát hiện một đường ống lớn dài khoảng 1,5km với đường kính khoảng 1m nằm dưới lòng biển nối với dự án Formosa. Cho đến gần đây, tối 4-4, ông cùng với ba ngư dân đến vùng biển nói trên lặn bắt cá.

“Lúc tôi lặn xuống phát hiện đường ống đang xả nước màu vàng. Tôi nghi đây là nước độc nên bơi lên, không lặn nữa. Hai ngày sau đó thì thấy cá nuôi lồng bè và cá tự nhiên chết hàng loạt. Đến ngày 15-4, tôi đến đồn biên phòng đèo Ngang báo cáo sự việc về đường ống của dự án Formosa đang xả nước thải” - ông Thành kể.

Trung tá Nguyễn Khắc Minh, đồn phó đồn biên phòng đèo Ngang thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, cho biết chính ông là người tiếp nhận thông tin của ông Nguyễn Xuân Thành về một đường xả thải của dự án Formosa. Sau đó đồn báo cáo lên các cơ quan chức năng về thông tin này.

Chiều qua, PV Tuổi Trẻ có mặt ở khu xử lý nước thải của dự án Formosa. Khu này rất lớn nằm ở phía tây nam của dự án, giáp với địa bàn P.Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Toàn bộ khu xử lý được bao bọc bởi hàng rào rất kiên cố.

Theo một số công nhân làm việc tại dự án, khu xử lý nước thải nằm cách bờ biển khoảng 2km...

Theo tìm hiểu của phóng viên tại Chi cục Hải quan Vũng Áng, từ đầu năm đến nay phía Formosa đã thông quan, nhập về gần 297 tấn hóa chất, trong số này có những hóa chất chống gỉ CYC-VPrefilm900, chất loại bỏ gỉ CYC-Vprefilm400, chất chống ăn mòn CYC-Vclosetrol360, chất chống ăn mòn CYC-VMA 796...

Một lãnh đạo Hải quan Hà Tĩnh cho rằng việc quản lý Formosa sử dụng hóa chất như thế nào là do các cơ quan chức năng khác. Còn ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Tĩnh, nói Formosa nhập về 297 tấn hóa chất nhưng chưa báo cáo sở này.

Bộ Công thương quyết định kiểm tra Formosa

Ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc cá chết hàng loạt và dư luận nghi vấn về khả năng xả thải từ khu Formosa, ngày 22-4, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản gửi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa về việc cử đoàn công tác vào làm việc với công ty này.

Trong văn bản, mặc dù không nói ra nghi vấn và lý do thanh tra, nhưng Bộ Công thương nêu rõ mục tiêu là “làm việc về tình hình sản xuất, bảo vệ môi trường”.

Trong văn bản, Bộ Công thương ấn định luôn thời gian: từ 8g30 ngày 26-4 sẽ “kiểm tra thực tế tại khu vực sản xuất, xử lý chất thải”. Từ 10g30 đến 12g làm việc tại văn phòng công ty. Bộ Công thương đề nghị Formosa chuẩn bị tài liệu và làm việc với đoàn.

Việc kiểm tra này, theo văn bản của Bộ Công thương, là thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, thành phần đoàn công tác cũng chủ yếu từ các đơn vị thuộc Bộ Công thương có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý sản xuất cũng như kiểm soát ô nhiễm, như Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Tổng cục Năng lượng, Vụ Công nghiệp nặng và đại diện Sở Công thương Hà Tĩnh.

Hai phó thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan (công an, biên phòng...) kiểm tra, làm rõ các thông tin liên quan đến thông tin trên báo chí đặt nghi vấn về ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng có liên quan tới vụ cá chết.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo nếu thông tin trên báo chí đúng, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, liên quan đến tình hình hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng.V

.V.THÀNH - N.V.H. - L.C.

Cục Cảnh sát môi trường vào cuộc

Ngày 22-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) cho biết đơn vị này đã cử cán bộ vào các tỉnh miền Trung để điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trong hơn chục ngày qua. Đại diện của C49 phối hợp với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã vào tận nơi làm việc với cơ quan chức năng của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... để tìm hiểu thực tế, thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra.

Trước thực trạng cá chết hàng loạt vẫn liên tiếp xảy ra, trong ngày 21 và 22-4, lãnh đạo C49 tăng cường thêm cán bộ vào các tỉnh miền Trung. “Để phát ngôn vì sao cá chết thì phải chờ kết luận, kết quả phân tích mẫu nước biển ở khu vực này cũng như kết quả kiểm tra, phân tích môi trường tự nhiên xung quanh. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, khi nào có kết quả sẽ thông tin sau” - vị lãnh đạo này nói.

THÂN HOÀNG

X.LONG - V.ĐỊNH - H.VĂN - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp