21/01/2015 15:39 GMT+7

Nữ sinh "bỏ biểu diễn văn nghệ” đã đi học trở lại

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Cô Nguyệt nói: “Tôi nói với phụ huynh là gia đình em đã quá vội vàng khi đưa lên mạng sự việc này. Đây chỉ là một biện pháp giáo dục của nhà trường mà thôi”.

Cô Lê Thị Thanh Nguyệt, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão đưa ra các bản cam kết của học sinh để nói về biện pháp giáo dục của nhà trường - Ảnh: H.HG

Sáng 21-1, cô Lê Thị Thanh Nguyệt - hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (TP.HCM) đã có buổi làm việc với phụ huynh học sinh N.T.T.L, lớp 11A1 về quyết định đình chỉ học tập vì “tự ý bỏ biểu diễn ngày sơ kết học kỳ 1” (Tuổi Trẻ 21-1). 

Cô Nguyệt thông tin: “Tôi đã nói với phụ huynh em L là gia đình em đã quá vội vàng khi đưa lên mạng sự việc này. Đây chỉ là một biện pháp giáo dục học sinh của nhà trường mà thôi”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Nguyệt cho biết: “T.L là một học sinh ngoan và có năng khiếu về nghệ thuật".

Để chuẩn bị cho lễ sơ kết học kỳ 1 năm học 2014-2015, nhà trường đã cắt bớt một số tiết mục văn nghệ khác và chỉ giữ lại 2 tiết mục đặc sắc nhất. T.L tham gia cả hai tiết mục ấy.

Thế nhưng, trước khi sự việc diễn ra 1 ngày, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 báo là T.L không tham gia biểu diễn nữa.

"Tôi đã gặp trực tiếp em để phân tích và thuyết phục em. Sau đó, em đã hứa với tôi là sẽ có mặt nhưng cuối cùng em vẫn vắng mặt" - cô Nguyệt cho biết.

Theo cô Nguyệt, tình trạng này không phải diễn ra lần đầu tiên mà trước đó T.L cũng đã vi phạm một lần.

"Em cũng tham gia tập văn nghệ cùng với các bạn rất vui vẻ nhưng gần đến ngày biểu diễn thì em thông báo là không đi khiến cô giáo chủ nhiệm phải năn nỉ hết lời rồi mới đi" - cô Nguyệt kể.

Cô Nguyệt cho rằng việc tham gia hoạt động phong trào là quyền tự do của học sinh, nếu em nào không thích thì không tham gia, nhà trường không ép.

"T.L cũng vậy, nếu em không thích thì không tham gia ngay từ đầu. Đằng này em đã tập cùng với các bạn suốt 2 tháng trời thì phải có trách nhiệm với tập thể và tôn trọng các bạn của mình" - cô  Nguyệt chia sẻ.

Đó là chưa kể theo nội quy của trường thì 100% học sinh phải dự lễ sơ kết. T.L không có mặt khiến cho các bạn phải thay đổi đội hình và hủy bỏ 1 tiết mục biểu diễn.

"Sau khi sự việc diễn ra, sáng 20-1 tôi ký quyết định đình chỉ học tập nhưng bỏ ngỏ số ngày bị đình chỉ bởi mục đích của tôi là dùng để giáo dục học sinh chứ không phải buộc thôi học thật. Tôi cũng yêu cầu giáo viên phải gọi phụ huynh vào trường, giao T.L để phụ huynh đưa về nhà, tránh trường hợp em bị sốc rồi có những hành động đáng tiếc" - cô Nguyệt cho biết.

Đồng thời, cô Nguyệt cũng nói với giáo viên là hẹn phụ huynh vào làm việc với hiệu trưởng vào sáng hôm sau (tức 21-1). Sáng nay, sau khi làm việc với phụ huynh xong, T.L đã nhận lỗi và phụ huynh cũng đã hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà trường để giáo dục học sinh nên nhà trường đã cho T.L vô lớp học bình thường.

* Thưa cô, nếu gia đình T.L không đưa quyết định đình chỉ học tập  lên mạng, nếu báo chí không vào cuộc và nếu T.L không nhận lỗi của mình thì…?

- Đây là một trong những biện pháp giáo dục học sinh của nhà trường nên không có gì lạ lẫm cả.

Hôm qua, khi triển khai quyết định đình chỉ học tập của T.L cho giáo viên chủ nhiệm, tôi cũng đã giải thích với cô giáo: cho T.L nghỉ ở nhà 1 ngày để em suy nghĩ về hành động của mình, giáo viên chủ nhiệm phải “bật đèn xanh” để em ăn năn, hối cải, hôm sau lên gặp hiệu trưởng thì tôi sẽ giải quyết.

Nếu hôm sau em chưa nhận lỗi và hứa sẽ sửa đổi thì quyết định sẽ kéo dài thêm 1 ngày nữa và trong 1 ngày đó giáo viên phải làm chiếc cầu nối phân tích, giải thích cho em hiểu về lỗi của mình.

Cô Nguyệt lấy ra một xấp hồ sơ và nói tiếp:

Đây là quyết định buộc thôi học 1 năm dành cho hai học sinh đã vi phạm lỗi là chửi một phụ huynh của học sinh khác cùng trường. Các em chửi một cách có tổ chức, tức là đường hoàng đến nhà người ta gõ cửa rồi chửi.

Đây là 2 học sinh cá biệt trong trường, bản thân và gia đình em học sinh bị chửi không hề có thù oán gì với hai em này. Nhưng, các em chửi người ta được một lần, thấy người ta sợ, không dám nói gì cả thế là chửi tiếp vì vui quá. Tôi lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định buộc thôi học 1 năm nhưng cho 15 ngày để phụ huynh có ý kiến. Trong 15 ngày đó, các em vẫn được ngồi bên ngoài viết bài (cho kịp tiến độ bài vở).

Sau đó, tôi trực tiếp dẫn đầu một đoàn giáo viên, học sinh của trường đến nhà phụ huynh (bị chửi) để xin lỗi. Anh phụ huynh này đã làm đơn xin tha cho 2 học sinh vi phạm, giáo viên chủ nhiệm cũng đồng ý bảo lãnh, hai học sinh thì có làm bản cam kết sẽ sửa đổi, cố gắng học tập.

Tôi cho đi học lại nhưng “treo” hạnh kiểm yếu (tức là nếu các em có tiến bộ thì cuối năm sẽ được xóa hạnh kiểm yếu, nếu không tiến bộ thì sẽ bị ghi hạnh kiểm yếu vào học bạ).

Và còn rất nhiều trường hợp tương tự nữa mà chúng tôi phải dùng đến những biện pháp giáo dục như một nghệ thuật.

Như em H này đây, ba em ấy đã gửi tặng hoa cho trường (cô Nguyệt chỉ lẵng hoa tươi rất đẹp để trên bàn, trong đó có thiệp chúc mừng của một phụ huynh) đây. Cách đây 3 năm, H là học sinh cá biệt, rất ghét đi học nên khi vào trường nội trú , em tìm mọi cách để quậy phá, kể cả việc trét phân lên giường chiếu của giáo viên.

Tôi họp Hội đồng kỷ luật, ra quyết định buộc thôi học. Khi triển khai quyết định, tôi đã nói chuyện với em rất lâu, phân tích đủ điều và cho em 5 ngày suy nghĩ. Nếu em suy nghĩ lại, tự em phải đến gặp tôi chứ không để ba mẹ đưa đến, khi đó trường sẽ xét lại.

Sau đó, em đã làm cam kết và phấn đấu rất tốt. Tôi xin khẳng định nghệ thuật giáo dục để tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện, phấn đấu chứ không phải hù dọa hay đẩy học sinh ra khỏi trường.

* Cách giáo dục mà cô áp dụng đã thành công trong bao nhiêu trường hợp?

- Đa số trường hợp là thành công nhưng cũng có trường hợp không thành công mặc dù rất ít.

Minh chứng là cuối năm chúng tôi vẫn phải báo cáo lên Sở GD-ĐT TPHCM về những học sinh có hạnh kiểm yếu. Tức là nhà trường cho em “treo” hạnh kiểm, có nhắc nhở, có động viên nhưng đến cuối năm vẫn không tiến bộ thì đành ghi vào học bạ thôi. Những trường hợp này đều có nguyên nhân là phụ huynh qúa nuông chiều con em mình.

* Thưa cô, thường thì các trường tư thục sẽ đuổi khỏi trường những học sinh quậy phá, khó dạy, còn Trường Phạm Ngũ Lão?

- (Lắc đầu) Tôi không đuổi và tôi đã từng bị giáo viên phê bình vì việc này. Một mặt tôi sẽ ra quyết định đuổi học hay đình chỉ học tập nhưng mặt khác giáo viên chủ nhiệm cũng phải điện thoại "dỗ dành" rồi bảo lãnh cho học sinh vào học lại.

Nhưng nói như thế không có nghĩa em nào cũng có thể dùng biện pháp này. Như hiện tại khối 12 có một em, cứ 3 ngày học 4 ngày nghỉ mà chúng tôi không thể dùng biện pháp kể trên mà phải dịu dàng khuyên nhủ em. Tôi biết, riêng với em này mà ra quyết định buộc thôi học thì em sẽ rất sung sướng bởi em thuộc dạng "bất cần đời".

Trao đổi với chúng tôi sáng 21-1, T.L nói rằng : nguyên nhân em vắng mặt trong lễ sơ kết học kỳ là vì em theo chị mình đi làm từ thiện ở Tiền Giang (do chị em tự vận động và quyên góp tiền, đoàn đi gần 20 người). Chị gái T.L rủ em tham gia từ tối thứ 6 (ngày 16-1) nên em đồng ý đi theo.

Cô Nguyệt nói: "Phụ huynh cũng nói với tôi việc này. Tôi cho rằng không thể đặt việc làm từ thiện cao hơn học tập và ngược lại. Cả học tập và làm từ thiện đều quan trọng như nhau. Vấn đề là phụ huynh và học sinh phải sắp xếp sao cho hài hòa cả hai việc. Lễ sơ kết học kỳ nhà trường đã lên lịch trước đó từ rất lâu chứ không phải công việc đột xuất. Việc đi làm từ thiện cũng không thể xem là đột xuất được".

"Khi nhận quyết định đình chỉ học tập của nhà trường, em rất bất ngờ.  Về nhà, em đã suy nghĩ và nhận ra lỗi sai của mình. Từ nay em sẽ có ý thức trách nhiệm hơn với tập thể” - T.L cho biết.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp