Hiện thuốc có chứa hoạt chất Paraquat và 2,4D vẫn còn bán và sử dụng tại một số địa phương Ảnh: T.T.D.
Ông Hoàng Hải, chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Nông, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-7 liên quan đến vụ "nới tay" cho bán chất cấm.
Ông Hải nói: "Dù công văn của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) là gửi cho An Nông nhưng không đồng nghĩa với việc An Nông được ưu ái bán Paraquat, mà thực chất chúng tôi chỉ làm đầu mối giúp tiêu thụ hàng tồn kho của các doanh nghiệp".
* Vì sao An Nông được giao làm đầu mối xử lý lượng hàng tồn kho này, thưa ông?
- Trong hai năm vừa qua, giá cả nhiều loại nông sản xuống thấp nên nông dân giảm đầu tư chăm sóc, lượng tiêu thụ thuốc trừ cỏ cũng giảm theo. Và đến tháng 2-2019 - thời điểm hết hiệu lực lưu hành chất Paraquat, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn khá lớn, chưa có cách xử lý, ngay cả tiêu hủy cũng không ổn.
Do đó, các doanh nghiệp mới có công văn đề nghị Cục BVTV và Bộ NN&PTNT có biện pháp hỗ trợ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau một số cuộc họp với Cục BVTV, các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn đã thống nhất sẽ giao cho các đầu mối gom hàng tồn kho của một số chất cấm, trong đó có Paraquat, để giải quyết dứt điểm đến trước ngày 30-9-2019.
Trong đó, An Nông được giao nhiệm vụ đầu mối tập hợp chất Paraquat, một số doanh nghiệp khác được giao làm đầu mối tập trung các chất hết hạn khác như 2,4D, Carbendazim, Benomyl, Thiophanate-methyl... Như vậy, công văn của Cục BVTV gia hạn cho An Nông xử lý chất Paraquat không có nghĩa là "ưu ái" cho doanh nghiệp này, mà thực chất nhằm thống nhất một đầu mối xử lý để cơ quan chức năng quản lý, giám sát.
Trong thực tế, đến nay phần lớn lượng hàng tồn kho không chỉ riêng của An Nông mà của một số doanh nghiệp khác đã được chúng tôi tái xuất sang các thị trường khác, chỉ còn lại một phần rất nhỏ đưa ra thị trường nội địa.
* Phải chăng các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu số lượng lớn khi được gia hạn nhập khẩu 1 năm và gia hạn kinh doanh 2 năm, khiến số lượng hàng tồn kho nhiều?
- Tôi chưa có số liệu chung tất cả các doanh nghiệp, nhưng với riêng An Nông luôn tính toán lượng nhập khẩu cho năm tiếp theo dựa trên số liệu kinh doanh hiện tại và khả năng phát triển của thị trường. Theo đó, đến năm 2017, An Nông chỉ nhập khẩu lượng hàng để tiêu thụ cho năm 2018 và đầu năm 2019 theo kế hoạch tăng khoảng 10% so với trước, chứ không có gì đột biến.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, do hai năm qua nông dân giảm đầu tư cho nông nghiệp vì giá nông sản giảm mạnh nên tình hình tiêu thụ của An Nông giảm mạnh so với trước, dẫn đến lượng tồn kho của chúng tôi tăng đột biến.
Trong khi đó, từ năm 2017, Cục BVTV đã chỉ đạo các chi cục BVTV địa phương khuyến cáo các đại lý không mua trữ các chất cấm, trong đó có Paraquat nữa nên các đại lý hạn chế mua các loại chất này, dẫn đến tiêu thụ giảm và tồn kho tăng cao chứ không phải do nhập khẩu nhiều.
* An Nông đã làm gì với lượng Paraquat được các công ty khác chuyển giao để xử lý?
- Toàn bộ lượng hàng nhập sỉ chúng tôi đều tìm cách tái xuất sang các thị trường khác. Trong thực tế, ngay khi thấy thị trường trong nước tiêu thụ chậm, chúng tôi đã tìm cách xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Thậm chí có những lô hàng phải xuất khẩu lỗ khi nhập 2,9 USD/lít mà xuất khẩu chỉ có 2,2 USD/lít, chưa kể chúng tôi mất các loại thuế, phí.
Chỉ còn một lượng nhỏ mà doanh nghiệp đã tách rót từ thùng lớn sang các chai nhỏ có tên, nhãn hiệu kinh doanh trong nước, không thể xuất khẩu được mới đưa ra thị trường. Trước đây, mỗi năm VN tiêu thụ khoảng 30 triệu lít Paraquat, lượng tồn kho đưa ra thị trường sau ngày 8-2-2019 chỉ trên dưới 100.000 lít là rất nhỏ. Đến nay, An Nông đã bán hết cho các đại lý chứ không còn hàng tồn kho, trừ sản phẩm do các đại lý gửi trả lại vì không tiêu thụ được.
Hiện thuốc có chứa hoạt chất Paraquat và 2,4D vẫn còn bán và sử dụng tại một số địa phương Ảnh: T.T.D.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận