07/06/2020 11:28 GMT+7

Vụ bị cáo tự tử sau khi tòa tuyên án: Kháng nghị và 'thức tỉnh'

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Đúng một tuần sau khi ông Lương Hữu Phước lấy cái chết của mình để phản đối bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước, chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Vụ bị cáo tự tử sau khi tòa tuyên án: Kháng nghị và thức tỉnh - Ảnh 1.

Ông Phước trước phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: D.V.T.

Như vậy, những sai đúng của bản án cũng như những kiến nghị của luật sư bào chữa cho ông Lương Hữu Phước sẽ được điều tra lại..

Luật pháp thì công bằng, nhưng...

Việc ký quyết định kháng nghị trong một khoảng thời gian ngắn (bao gồm cả chờ bản án văn phúc thẩm, đọc và nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án) là sự nỗ lực của TAND cấp cao tại TP.HCM.

Tuy nhiên, không phải vụ án nào cũng được xem xét nhanh như vậy, dù Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời gian kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự là bất kể khi nào (kể cả bị cáo đã chết) nếu kháng nghị có lợi cho họ. Nhưng thông thường thời gian để nhận đơn xin kháng nghị, xem xét hồ sơ và ra quyết định cũng phải vài tháng, thậm chí vài năm.

Rõ ràng không phải vụ án nào, sai sót nào của tòa cấp dưới cũng được nhanh chóng xem xét như vụ án tai nạn giao thông ở Bình Phước. Bởi có quá nhiều nguyên nhân để việc xem xét kéo dài.

Thực tế chỉ những vụ án nào gây nên nỗi bức xúc của dư luận mới được các cơ quan tố tụng cấp trên xem xét nhanh, còn lại thì cứ "theo quy trình".

Năm 2018, bản án phúc thẩm vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô với trẻ em ở Vũng Tàu gây bức xúc dư luận nhưng bị cáo được hưởng án treo cũng bị TAND cấp cao sửa bằng quyết định giám đốc thẩm trong thời gian rất nhanh: ngày 11-5-2018 xử phúc thẩm, ngày 17-5-2018 có quyết định kháng nghị và ngày 1-6-2018 có quyết định giám đốc thẩm.

Mong "thức tỉnh" nền tư pháp

Trước khi ông Lương Hữu Phước tự tử, vụ án của ông không được dư luận quan tâm như vụ án dâm ô của ông Nguyễn Khắc Thủy.

Vụ án của ông Phước xảy ra từ năm 2017, đến khi xử phúc thẩm lần hai ông thường xuyên lên Facebook để viết về vụ án của mình và luôn luôn khẳng định mình bị oan, cơ quan tố tụng bỏ lọt tội phạm.

Những dòng viết của ông chỉ có vài lời động viên, những dòng viết của ông trên Facebook cũng như những trình bày của ông tại phiên tòa lúc đó chưa được dư luận cũng như HĐXX quan tâm như bây giờ. Ông Phước chọn cái chết để mong "thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước".

Và sau khi ông Phước viết dòng cuối cùng trên Facebook rồi nhảy từ lầu 2 của TAND tỉnh Bình Phước xuống sân tự tử, lúc đó người ta mới giật mình rằng "có một vụ kêu oan như thế".

Lúc đó, các chuyên gia pháp lý, các luật sư mới lật lại hồ sơ vụ án để xem ông Phước có bị tuyên án oan hay không.

Ông Phước đã chọn cách rất tiêu cực là tự tử để đánh động dư luận và các cơ quan tố tụng cấp cao hơn về vụ án của mình. Cho đến khi chết, ông Phước vẫn tin rằng mình đã bị xử oan, có lẽ thế nên ông không tiếc thân mình nữa.

Mong muốn của ông Phước là lấy cái chết của mình để "thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước", hay rộng hơn là nền tư pháp cho những phận người bé mọn, ít hiểu biết, sống ở vùng sâu vùng xa...

Cái chết của ông ít nhất đã khiến các cấp tòa cao hơn có những hành động thật nhanh và thiết thực, khi ra quyết định kháng nghị chỉ ra 6 điểm cần phải làm rõ.

Nhưng tiếc thay, quyết định giám đốc thẩm có sửa, hủy các bản án trước đó và rằng niềm tin của ông Phước đúng thì ông Phước cũng không thấy được sự thay đổi đó nữa rồi.

Chỉ mong từ nay về sau không còn ai phải mất niềm tin và bế tắc như ông Phước.

2 bản án chưa xem xét đầy đủ

Đó là nội dung mà quyết định kháng nghị vụ án tai nạn giao thông của ông Lương Hữu Phước đưa ra.

Cụ thể, quyết định kháng nghị nêu: Khoảng 14h ngày 15-1-2017, sau khi đã uống rượu, Lương Hữu Phước điều khiển môtô chở ông Trần Hữu Quý lưu thông trên đường Nguyễn Huệ theo hướng từ ngã tư Sóc Miên đi trạm điện 110kv, khi đang lưu thông trên đường do không tuân thủ quy tắc giao thông, chuyển hướng xe không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều vi phạm khoản 2 điều 15 Luật giao thông đường bộ, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông với môtô do ông Lâm Tươi điều khiển.

Tòa án cấp sơ thẩm cũng nhận định tương tự, xác định việc tai nạn xảy ra là do ông Phước điều khiển chuyển hướng xe không nhường đường với xe đi ngược chiều gây ra vụ tai nạn giao thông.

Trong khi đó, tại bản án hình sự phúc thẩm số 66 ngày 9-10-2018, TAND tỉnh Bình Phước đã đặt ra rất nhiều nội dung cần điều tra lại để làm rõ nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ và kết luận những vấn đề được nêu trong bản án trên.

Như vậy, nhận định của tòa án cấp phúc thẩm và tòa án cấp sơ thẩm sau khi vụ án được điều tra lại vẫn chưa xem xét đầy đủ đến tất cả các nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn làm ông và người bị hại Trần Hữu Quý tử vong.

Vụ tự tử sau khi tòa tuyên án: Những khả năng xảy ra khi bị cáo đã chết Vụ tự tử sau khi tòa tuyên án: Những khả năng xảy ra khi bị cáo đã chết

TTO - Sự việc ông Lương Hữu Phước (55 tuổi) tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước sau khi tòa tuyên án khiến dư luận quan tâm. TAND tối cao đã yêu cầu TAND tỉnh Bình Phước báo cáo và rút hồ sơ để xem xét.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp