Phó chủ tịch Hội đồng Đội trung ương Lê Hải Long - Ảnh: HÀ QUÂN
Anh Lê Hải Long - phó chủ tịch Hội đồng Đội trung ương - cho biết Hội đồng Đội trung ương đã chỉ đạo Hội đồng Đội TP Hà Nội khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng của địa phương, đặc biệt UBND huyện Thạch Thất, để nắm bắt diễn biến vụ việc bé 3 tuổi nghi bị đóng đinh vào đầu.
"Chúng tôi đã trực tiếp đến gặp gỡ ông nội cháu bé để nắm thông tin, thăm hỏi, động viên gia đình. Về vấn đề bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết liệt chỉ đạo Hội đồng Đội các cấp vào cuộc tích cực, chủ động", anh Long cho biết.
Để phòng ngừa từ sớm, từ xa những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, anh Long cho rằng ngành lao động - thương binh và xã hội cùng tổ chức Đoàn với vai trò là cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tích cực, hiệu quả nắm bắt, xử lý thông tin các vụ việc.
"Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải khẩn trương xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em ở cấp xã để bảo vệ trẻ một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
Tuy vậy, việc chăm lo, lên tiếng bảo vệ trẻ em không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi người dân trong xã hội khi nhìn thấy những vụ việc xâm hại quyền trẻ em, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, kể cả trên môi trường mạng.
Đã có tổng đài trẻ em 111, có thiết chế, cơ chế bảo vệ trẻ em. Bản thân mỗi người phải chủ động lên tiếng để phản ánh sự việc đến các cơ quan chức năng", anh Lê Hải Long nói.
Từ sự việc trên, anh Lê Hải Long mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi xâm hại trẻ em, tính mạng, sức khỏe trẻ em để cảnh tỉnh toàn xã hội.
Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho hay: "Chúng ta đã có luật, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo thông qua các chỉ thị. Do đó, địa phương phải có trách nhiệm bố trí nhân lực để phòng ngừa bạo hành, xâm hại trẻ em. Muốn phòng ngừa được thì phải có dịch vụ, con người, kinh phí…".
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo cục trưởng, Luật trẻ em quy định cấp xã phải bố trí được người làm công tác bảo vệ trẻ em. Người đó phải có đầy đủ năng lực, thời gian và kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa bạo hành, xâm hại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, về lâu dài, cần phải hình thành dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp với nòng cốt là nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Ông Nam kêu gọi: "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em là của gia đình, người thân thích, hàng xóm, cộng đồng dân cư, vì có vụ việc trẻ em bị tổn hại ngay trong gia đình nên khó phát hiện để can thiệp kịp thời.
Khi có nghi ngờ xâm hại trẻ em, người dân cần gọi đến tổng đài 111 để cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, can thiệp. Tất cả thông tin của người dân, của trẻ em phản ánh đến cơ quan chức năng cũng như tổng đài 111 đều được bảo mật và xử lý ngay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận