Nguyễn Văn Trình trao đổi với PV sau khi bản án phúc thẩm được tuyên - Ảnh: Hoàng Điệp |
Trước đó, vào tháng 1-2016, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bến Tre tuyên y án sơ thẩm (6 tháng cải tạo không giam giữ) đối với Nguyễn Văn Trình (38 tuổi, ngụ Chợ Lách, Bến Tre) về tội “giữ người trái pháp luật”.
Nhiều mâu thuẫn chưa làm rõ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư bào chữa cho Trình cho biết hồ sơ vụ án có sự mâu thuẫn về thời gian trong lời khai giữa các nhân chứng, bị cáo và bị hại nhưng cơ quan điều tra đã không cho đối chất để làm rõ.
Theo lập luận của luật sư thì thời gian từ lúc bị cáo bắt được trộm đến khi giao cho trưởng ấp chỉ trong thời gian ngắn.
Hiện luật chỉ quy định khi bắt được trộm thì phải giao ngay cho chính quyền, tuy nhiên không nêu rõ “ngay” là trong bao lâu.
Thực tế, nơi Trình ở là một hòn đảo giữa sông, việc đi lại phải qua phà, nhà Trình cách phà khoảng 1km.
“Khi bắt được trộm chỉ có hai cha con tôi, cha tôi thì già không thể nào một mình giữ trộm hay dẫn giải để giao nộp vì lúc ấy đêm khuya, chúng tôi còn phải giữ nhà.
Tôi cũng nghĩ đơn giản bắt được trộm đêm hôm thì phải giữ lại rồi sau đó mời công an đến làm việc, chứ tôi không nghĩ là phải giao nộp.
Mà muốn giữ được người thì phải trói chứ không thể bảo mày đứng đó thì nó đứng, nó cũng không ngồi yên để cho mà trói nên cũng có giằng co.
Trong khi đó trụ sở ấp cách hiện trường vụ bắt trộm khoảng vài trăm mét nhưng không có người trực nên việc “giao ngay” cho cơ quan có thẩm quyền là không khả thi” - Trình nói.
Tội danh không liên quan đến hành vi
Ông Trần Đông Chu - nguyên kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM - cho rằng tội danh mà TAND tỉnh Bến Tre tuyên không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo đó, bản án nhận định bị hại K. đã đến nhà bị cáo Trình để ăn trộm và hành vi bắt giữ K. của Trình là bắt giữ người phạm tội quả tang là đúng pháp luật. Bởi thực tế nơi ở và tài sản của bị cáo (được pháp luật bảo vệ) đã bị xâm phạm bất hợp pháp.
Ông Chu cho rằng nếu coi hành vi bắt người này là bắt người phạm tội quả tang thì không thể có tội giữ người trái pháp luật.
Bản án phúc thẩm chỉ xoáy vào hành vi trói và đánh người của bị cáo Trình. Nhưng hành vi trói và đánh không cấu thành tội giữ người trái pháp luật.
Việc đánh, nếu có thì cấu thành tội cố ý gây thương tích, ở đây người bị hại K. từ chối giám định thương tích. Còn việc giữ K. là bởi K. phạm tội quả tang thì mới giữ.
Và cần phải hiểu rằng việc giữ người này phải xem xét các yếu tố thời gian, không gian, địa điểm... và xem khi nào đủ điều kiện thì mới giao chứ không thể đêm hôm mang đi giao cho cơ quan chức năng.
“Vụ án này còn nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên tòa án và viện KSND cấp trên cần xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm” - ông Chu nói.
Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 2h30 ngày 21-1-2014 Nguyễn Văn Trình và cha là ông Nguyễn Văn Tập phát hiện người bị hại là K. trốn trong tiệm tạp hóa của bị cáo Trình. Bởi nhiều lần đã bị mất trộm nên sau khi tra hỏi K. là con nhà ai, nhà ở đâu, vào ăn trộm mấy lần rồi nhưng K. không trả lời về việc ăn trộm cũng như nhân thân của mình nên nên Trình đã dùng dây trói K. lại rồi dùng tay đánh. Đến khoảng 3h30 thì Trình treo K. lên một cái cây trước cửa nhà, khoảng 4h sáng cùng ngày những người đi tập thể dục nhìn thấy nên khuyên bị cáo không nên làm thế mà cần báo cho cơ quan chức năng. Đến khoảng 4h40 bị cáo gọi điện cho trưởng ấp và công an viên ở Phú Bình đến tiếp nhận và đưa K. đến bệnh viện. Sau đó Trình và cha mình cùng bị khởi tố về tội bắt, giữ người trái pháp luật. Trong quá trình điều tra, cha của Trình đã treo cổ tự vẫn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận