Một căn biệt thự cổ trên phố Hàng Than, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng 19-4, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Cao Đức Đại - phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (là đơn vị phụ trách việc quản lý, vận hành và bán 600 căn biệt thự) - để tìm hiểu rõ về quy trình mua bán các căn biệt thự kể trên.
Bán theo quy trình nào?
Theo ông Đại, việc bán biệt thự cũ tại Hà Nội đã được thực hiện từ năm 1998, sau khi có quyết định 189 của Thủ tướng về việc cho phép bán nhà biệt thự cho người đang ở thuê.
Sau đó đến năm 2007, nghị quyết 48 của Chính phủ lập đề án quản lý, sử dụng biệt thự xây dựng trước năm 1954. Năm 2008, TP Hà Nội lập đề án rà soát các biệt thự thuộc danh mục kể trên, trong đó có 207 biệt thự không được bán; 600 biệt thự được bán... Đến năm 2009, Hà Nội tiếp tục triển khai việc bán các căn biệt thự này.
"Đối tượng được mua các căn biệt thự này là những người đang có hợp đồng thuê nhà tại đây hoặc người có quyết định văn bản phân phối bố trí sử dụng nhà của các cơ quan bộ ngành trung ương, chứ không phải ai cũng được mua.
Về quy trình bán cho người dân, những hộ dân đang thuê nhà nếu có nguyện vọng mua, thì sẽ nộp hồ sơ. Sau đó, chúng tôi làm thủ tục bán cho họ, riêng những trường hợp người ta không mua hoặc không đủ điều kiện kinh tế để mua thì vẫn áp dụng theo hình thức cho thuê", ông Đại thông tin.
Việc Hà Nội tiếp tục bán 600 căn biệt thự cũ trước năm 1954 được dư luận quan tâm - Ảnh: NAM TRẦN
Có hay không việc công ty bán với giá 500 triệu đồng/m2?
Về giá bán, ông cho biết đơn vị đang áp dụng theo khung giá của Nhà nước và việc tăng giá bán cũng phải theo quy định.
"Giá bán biệt thự hiện nay cao hơn mức giá theo nghị định 61/1994 của Chính phủ, trước đây giá bán biệt thự cao nhất chỉ hơn 4 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, kể từ năm 2013, giá bán biệt thự áp dụng theo nghị định 34/2013, bán theo khung giá ban hành hằng năm, nên giá sẽ cao hơn ngày xưa. Ngoài ra, giá cả của các căn biệt thự cũng tùy thuộc theo các tuyến phố, ví dụ nằm ở phố Trần Hưng Đạo giá bán sẽ khác, ở phố Tôn Đản giá bán sẽ khác, cái này được quy định rất rõ trong bảng giá theo khu vực của UBND TP Hà Nội", ông nói.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, giá của các căn biệt thự còn phụ thuộc vào các chế độ miễn giảm cho người mua, ví dụ như người có công, cán bộ tiền khởi nghĩa, huân - huy chương... Vì vậy, không có mức giá chung cho các căn biệt thự.
Khi được hỏi về việc một số thông tin cho rằng Hà Nội đang bán các căn biệt thự với mức giá "cao trên trời", có nơi bán gần 500 triệu đồng/m2. Vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội khẳng định "không có chuyện TP bán với mức giá cao như vậy".
"Đây là mức giá người dân chuyển nhượng lại cho người khác, khi họ mua theo giá nhà nước, họ được cấp giấy chứng nhận nhưng không có nhu cầu ở, thì pháp luật cho phép họ được chuyển nhượng, bán lại cho người khác với mức giá do hai bên thỏa thuận dân sự, chứ chúng tôi không bán ra với mức giá cao như thế", ông cho biết.
Ông thừa nhận, hiện nay có hiện tượng sau khi Nhà nước bán lẻ từng căn hộ trong khu biệt thự, nhưng sau đó có người lại đứng ra mua gom các căn hộ để quy về một chủ.
"Khi người mua muốn quy về một chủ thì phải xác định lại các diện tích nhà đất chưa bán để thu nghĩa vụ tài chính. Chúng tôi cũng khuyến khích gom về một chủ để đảm bảo thẩm mỹ, mỹ quan, đặc biệt để người ta có nghĩa vụ và kinh phí sửa chữa các căn biệt thự", ông nói.
Nói về những khó khăn trong việc bảo tồn, quản lý các biệt thự tại Hà Nội, ông Cao Đức Đại cho biết hiện nay các căn biệt thự đang nằm trong tình trạng đan xen giữa sở hữu tư nhân và Nhà nước, nên rất khó khăn trong việc đóng góp kinh phí chỉnh trang, bảo trì.
"Từ kỳ thời bao cấp, nhiều người dân được thuê biệt thự đã cơi nới làm phá nát cấu trúc, cảnh quan. Vì vậy khi Hà Nội tiếp nhận về quản lý, nhiều biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng", ông Đại thông tin về tình trạng các căn biệt thự tại Hà Nội xây trước năm 1954.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận