Nhiều công trình du lịch xây dựng trên đất nông nghiệp bên hồ Tà Đùng (xã Đắk Som, Đắk Glong, Đắk Nông) đã bị phát hiện và được yêu cầu khắc phục nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng - Ảnh: TRUNG TÂN
Cũng liên quan đến việc vi phạm quản lý đất đai tại khu vực hồ Tà Đùng, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết đã yêu cầu ngành chức năng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ và điều tra, xử lý vụ chuyển đổi 77ha đất rừng (trong số diện tích đất rừng đã giao cho Viện Khoa học nông lâm nghiệp Nam Trung Bộ - Tây Nguyên quản lý, sử dụng) thành đất ở, đất nông thôn.
Đất rừng thành khu du lịch
Ghi nhận của chúng tôi tại khu vực hồ Tà Đùng cho thấy có nhiều trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất rừng đã giao cho Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng quản lý.
Chẳng hạn, tại khoảnh 1 tiểu khu 1089, ông Đỗ Văn Bình từ Lâm Đồng sang lấn chiếm xây dựng trái phép tám căn nhà khung sắt, mái tôn và đặt năm xe buýt nhằm mục đích kinh doanh trên hơn 4.300m2 đất rừng.
Vào ngày 9-3-2020, ông Bình bị UBND huyện Đắk Glong xử phạt hành chính 27,5 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả, ông Bình đã nộp phạt. Tuy nhiên, đến sáng 7-9 khu vực này vẫn giữ nguyên hiện trạng và ông Bình cho một người khác tên Quang thuê để kinh doanh ăn uống, lưu trú kiểu homestay.
Cũng tại khu vực này, ông Nguyễn Vũ Trọng Trung (TP. HCM) lấn chiếm, xây dựng nhà sàn bê tông, làm sân, đường đi... trên diện tích hơn 1.000m2.
Ông Vũ Đức Thành (Đồng Nai) lấn chiếm gần 5.300m2 đất rừng để làm vườn hoa Cô Ngọc. Đáng nói, tất cả các vụ sai phạm đã bị phát hiện, lập biên bản từ đầu năm 2020, nhưng mãi đến khi có kết luận thanh tra mới bị cưỡng chế, phá bỏ.
Không chỉ đất rừng bị xâm hại, tại khu vực hồ Tà Đùng còn hàng loại khu nghỉ dưỡng gồm: nhà hàng, nhà lưu trú, công trình hồ bơi... xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm nay vẫn chưa bị xử lý và quy mô ngày càng lớn.
Lớn nhất là công trình trái phép "nhà chú Đông" của ông Nguyễn Văn Đông cũng từ Lâm Đồng sang mua đất nông nghiệp rồi xây dựng khu nghỉ dưỡng "săn view" hồ.
Theo đó, ông Đông đã lập Công ty TNHH Tà Đùng Topview và tổ chức quảng bá, thu hút khách công khai như một khu nghỉ dưỡng, có vườn hoa, khách sạn, homestay, nhà hàng, hồ bơi... để kinh doanh nhưng không có bất cứ giấy phép gì liên quan.
Từ tháng 9-2017, UBND xã Đắk Som đã phát hiện, lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm hành chính về xây dựng và buộc ông Đông ngưng xây dựng, khôi phục hiện trạng. Tuy nhiên, công trình vi phạm của ông Đông vẫn hoàn thiện về quy mô, diện tích và đến nay trở thành một khu du lịch quy mô.
Cạnh đó là Công ty TNHH MTV du lịch Tà Đùng do ông Dương Quốc Văn làm đại diện cũng xây dựng trái phép nhiều công trình như nhà hàng, nhà lưu trú. Ngày 24-6, ông Văn bị UBND huyện Đắk Glong xử phạt 15 triệu đồng vì tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ để xây dựng, kinh doanh du lịch...
Khu vực Tà Đùng bị xâu xé, xây dựng công trình trái phép chưa thể xử lý dứt điểm - Ảnh: TRUNG TÂN
Chánh văn phòng tỉnh ủy đứng đầu "danh sách"
Kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng cho biết trong hai năm 2020 và 2021, UBND huyện Đắk Glong đã cho tách thửa tràn lan dẫn đến việc phân lô bán nền đất nông nghiệp với giá ảo. Kiểm tra hồ sơ cấp đất trong giai đoạn 2015 - 2021, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 701/788 hồ sơ cấp mới không thực hiện đúng quy định vẫn được cấp sổ đỏ.
Trong 701 sổ đó, UBND huyện Đắk Glong đã cấp 300 sổ trên đất quy hoạch ba loại rừng, trong đó 65 sổ nằm trên diện tích đất rừng đã được giao cho Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho biết đã giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét, xử lý theo quy định của Đảng các nội dung khuyết điểm, vi phạm liên quan đến công tác cán bộ do Tỉnh ủy quản lý.
Theo đó, tập thể UBND huyện Đắk Glong các nhiệm kỳ trong giai đoạn 2013 - 2021 phải chịu trách nhiệm vì để đất khu vực hồ Tà Đùng bị xé nát, phá vỡ quy hoạch.
Trong đó, ông Vũ Tá Long - hiện là chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông, nguyên chủ tịch UBND huyện Đắk Glong giai đoạn 2015 - 2020 và ông Trần Nam Thuần - chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, có trách nhiệm vì để xảy ra nhiều vi phạm, gây ra những hệ lụy lâu dài trong quản lý đất đai tại xã Đắk Som và quanh hồ Tà Đùng.
Đối với các ông Vũ Tá Long, Lê Quang Dần - phó giám đốc Sở NN&PTNT, nguyên phó chủ tịch huyện thời kỳ 2016, Nguyễn Văn Hợp - phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glong - chịu trách nhiệm tập thể và cá nhân vì chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới thực địa quy hoạch các loại đất.
Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp sổ đỏ không đúng quy hoạch, mục đích sử dụng đất, lấy đất rừng cấp đất làm cây xăng, trồng cây lâu năm.
Trước đó, vụ việc ông Phạm Đặng Quang - nguyên phó chủ tịch UBND Đắk Glong - cấp sổ đỏ trên đất rừng cho vợ làm cây xăng cũng đã được chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
"Cơ quan chức năng đã yêu cầu các cá nhân, tập thể liên quan kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người liên quan theo thẩm quyền, quy định. Việc sai phạm về đất đai quanh hồ Tà Đùng là rất nghiêm trọng, Tỉnh ủy kiên quyết xử nghiêm, không có vùng cấm", ông Danh nói.
Có dấu hiệu hình sự, đề nghị công an điều tra, xử lý
Cũng theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, ông Đàm Quang Trung - nguyên giám đốc Sở TN-MT, nguyên chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, ông Phạm Đặng Quang - nguyên phó chủ tịch UBND Đắk Glong - và các ông Long, Thuần, Hợp cũng đã cấp 225 sổ đỏ với tổng diện tích hơn 222ha trên diện tích đất quy hoạch ba loại rừng thành đất ở, trồng cây lâu năm...
Do vậy, các vị này cũng phải chịu trách nhiệm vì cấp 65 sổ đỏ, diện tích hơn 77ha đất rừng thành đất ở, đất nông thôn trên diện tích đất rừng đã giao cho Viện Khoa học nông lâm nghiệp Nam Trung Bộ - Tây Nguyên quản lý, sử dụng.
Theo Thanh tra tỉnh, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về đất đai theo khoản 3, điều 299, Bộ luật hình sự nên đã đề nghị Công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ và điều tra, xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận