10/08/2021 15:10 GMT+7

Vụ ‘bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Ngay sau khi Sở Y tế TP.HCM và các cơ quan chuyên môn rà soát và kết luận không có sự việc bác sĩ rút máy thở của mẹ để cứu sản phụ mang thai đôi, tài khoản "Trần Khoa", đăng đầu tiên câu chuyện trên, đã đóng tài khoản Facebook.

Vụ ‘bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật - Ảnh 1.

Tạo dựng câu chuyện đăng trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật

Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM). Luật sư Chánh cho rằng, đến nay, cơ quan chức năng kết luận vụ việc bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ là giả mạo nhưng tài khoản "Trần Khoa" là thật, ai là người sử dụng tài khoản này để đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng chính là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vụ ‘bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật - Ảnh 2.

Đoạn chat trong group thể hiện việc "BS Trần Khoa" đi mổ cứu sản phụ sau khi mẹ qua đời - Ảnh: TL

Cụ thể, luật sư Chánh cho rằng việc tạo dựng và chia sẻ một câu chuyện, một nhân vật giả mạo lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại điểm a, khoản 1, điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

"Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3, điều 4 nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Bà Nguyễn Thị Kim Vinh - nguyên thẩm phán TAND tối cao - bổ sung thêm: "Những người đăng tải thông tin sai sự thật bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đó theo khoản 3, điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Những cá nhân tạo dựng câu chuyện, nhân vật giả mạo để đưa lên không gian mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải" - bà Vinh nói.

Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng câu chuyện, nhân vật giả mạo để đưa lên không gian mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải.

Quyên góp từ thiện: có dấu hiệu lừa đảo

Thực ra, nếu câu chuyện hư cấu của tài khoản bác sĩ "Trần Khoa" không bị lật tẩy thì có thể vẫn còn nhiều người đóng góp vật chất.

Chị H.G., sau khi đọc thông tin trên Facebook "Trần Khoa" và chat với nick này thì đã bàn bạc với nhóm hoạt động thiện nguyện để tặng máy thở cho bệnh viện nơi bác sĩ Khoa công tác. Vừa ngỏ ý xong, tài khoản "Trần Khoa" đã giới thiệu ngay người nhận máy.

Vụ ‘bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình đại diện tài khoản Facebook Trần Khoa - Ảnh: Hoàng Điệp

"Tuy nhiên, trước khi đưa máy đi tặng chúng tôi cũng cần xác minh với bệnh viện về việc đó, chúng tôi không chuyển quà cho cá nhân", chị G. cho biết.

Vụ ‘bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật - Ảnh 4.

Ảnh chụp tin nhắn tài khoản Facebook Trần Khoa nhận quà của nhà hảo tâm sau câu chuyện giả mạo - Ảnh: Hoàng Điệp

Ngoài việc tạo dựng tài khoản trên mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật và sẵn sàng nhận quà tặng, đến nay còn thấy tài khoản Facebook "Trần Khoa" còn tham gia một group trên mạng gọi là "nhà 82".

Chị A.Đ., một người có liên hệ (qua mạng xã hội) với tài khoản "Trần Khoa" cho rằng nhóm "nhà 82" này có kêu gọi góp tiền từ thiện và bản thân A.Đ. cũng chuyển tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đến nay chị A.Đ. chưa hề gặp bất kể ai trong nhóm này mà chỉ thông qua một người khác.

Hiện nay, vẫn chưa rõ về mục đích của những cá nhân đã tạo dựng câu chuyện giả mạo về "bác sĩ Khoa". Nhưng việc có ý định nhận quà là thật.

Đối với hành vi này, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng, "nếu việc tung tin đồn giả mạo này nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt và chiếm đoạt tiền quyên góp của những nhà hảo tâm thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Nếu người dựng lên câu chuyện biết rõ việc cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào đó lợi dụng để chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có thể bị xem xét là đồng phạm giúp sức trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nguyên thẩm phán Nguyễn Thị Kim Vinh bổ sung thêm: "Tại điều 8, Luật an ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Người có những hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1, điều 288 Bộ luật hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 quy định điểm 1.4 "…người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về "tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông" theo quy định tại điều 288 Bộ luật hình sự.

232444526_303078748239138_5179686976314186351_n

Ảnh chân dung "bác sĩ Trần Khoa" đăng tải trên Facebook được cho là rất giống một nhà nghiên cứu người Singapore qua Facebook tên T. W. S.

Trang hồ sơ của ông T. W. S. tại địa chỉ dentistry.nus.edu.sg thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết ông tốt nghiệp tại Đại học Melbourne (Úc) và hoàn thành thạc sĩ, tiến sĩ tại NUS.

Cũng theo trang này, ông đang là phó giáo sư giảng dạy tại khoa nha của NUS và khoa phẫu thuật chỉnh hình thuộc Trường y Yong Loo Lin cũng của NUS.

Lĩnh vực nghiên cứu của ông là tập trung vào việc tìm hiểu các cơ chế thoái hóa và phát triển các chiến lược tái tạo các mô của hệ thống cơ xương.

"Nghiên cứu của phó giáo sư T. W. S. tập trung vào việc phát triển phương pháp trị liệu mới để điều trị rối loạn thái dương hàm, các vấn đề về khớp hàm và các cơ ở mặt kiểm soát cử động của hàm", một bài đăng có từ năm 2017 trên trang Facebook National University Health System của NUS giới thiệu.

Trang dentistry.nus.edu.sg cho biết phó giáo sư T. W. S. đã đạt được các giải thưởng quốc tế như giải thưởng Học giả AUA (Liên minh các trường đại học châu Á) năm 2019; giải thưởng Nhà khoa học trẻ (Đại hội vật liệu sinh học thế giới lần thứ 9, Trung Quốc) năm 2012, các học bổng nghiên cứu ở Úc và Singapore trong nhiều năm liền.

Ông T. còn là thành viên của một số hiệp hội y khoa quốc tế như Hiệp hội Nghiên cứu nha khoa quốc tế, Hiệp hội Bảo tồn và tái tạo sụn quốc tế, Hiệp hội Trị liệu tế bào và gene quốc tế,…

Tuổi Trẻ Online đang tích cực liên lạc với phó giáo sư T. ở Singapore để xác minh thêm về vụ việc.

DUY LINH

Nhóm liên quan Nhóm liên quan 'bác sĩ Khoa': Tài khoản giả nhưng sống thực trên mạng

TTO - Ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết như vậy trong họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, sáng 10-8.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp