Ông Đinh Văn Kéo (phải) và ông Đinh Văn Điều (xã Sơn Dung) có nghĩa vụ quyền lợi liên quan mệt mỏi bên vỉa hè sau ngày xét xử đầu tiên - Ảnh: TRẦN MAI
Sáng 12-12, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án thủy điện Đăk Drinh (huyện Sơn Tây).
Thời gian dự kiến phiên xét xử kéo dài 3 ngày (từ ngày 12 đến 14-12).
Theo cáo trạng trong quá trình lập, triển khai bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho người dân 3 xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long (huyện Sơn Tây) có tài sản, đất sản xuất... trong diện giải tỏa của dự án thủy điện Đăk Drinh, một số cán bộ, lãnh đạo huyện Sơn Tây đã làm sai quy định gây thiệt hại trên 26 tỉ đồng.
Đây là vụ việc từng gây xôn xao dư luận gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của cán bộ nhà nước khi hàng loạt cán bộ đã cấu kết, thông đồng với người khác gây thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình đền bù cho các hộ dân.
Dù đây là vụ án có người và nghĩa vụ liên quan đông nhất tỉnh Quảng Ngãi từ trước đến nay nhưng số lượng người vắng mặt quá nhiều - Ảnh: TRẦN MAI
5 bị cáo liên liên quan đến vụ án gồm: Hà Văn Tiên - nguyên Trưởng phòng TNMT; Nguyễn Anh Dũng - nguyên Trưởng phòng NNPTNT; Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt lần lượt là nguyên cán bộ địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường 3 xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long.
Cả 5 cùng bị xét xử tội cố ý làm trái.
Theo đó, trong quá trình lập phương án bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân vùng dự án, ông Tô Cước (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăk Drinh - đã chết) và bị cáo Hà Văn Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định.
Tuy nhiên, Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù, đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi. Chủ tịch Hội đồng bồi thường là ông Tô Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên.
Các bị cáo Cường, Anh và Việt là cán bộ địa chính ba xã nói trên biết rõ là sai quy định nhà nước nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của cấp trên, hậu quả là thiệt hại cho nhà nước khoảng 26 tỉ đồng.
Liên quan vụ án này, HĐXX đã triệu tập 241 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, nhưng chỉ có 58 người có mặt tại phiên tòa, 183 người vắng mặt không có lý do.
Vụ án có số lượng người lớn nên việc đọc cáo trạng, tên người đến dự viên tòa đã "ngốn" gần như toàn bộ thời gian của buổi xét xử đầu tiên.
Vào tháng 5-2017, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra xét xử vụ án trên, song do vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, nên HĐXX xử quyết định trả hồ sơ, điều tra lại vụ án.
Khuôn mặt mệt mỏi của những người đồng bào Ca Dong có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến dự phiên tòa - Ảnh: TRẦN MAI
Trước đó vào năm 2013, dư luận xôn xao trước tình trạng hỗn loạn tại nơi nhận tiền đền bù dự án thủy điện Đăk Drinh khi nhiều người dân là đồng bào Cadong sau khi nhận tiền đã bị chặn cướp, siết nợ. Ngay sau đó, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu công an chấn chỉnh trật tự.
Sau đó, cơ quan công an điều tra vào cuộc, bắt khẩn cấp nhiều cán bộ từ huyện đến xã để điều tra việc gây thất thoát tiền tỉ của nhà nước trên.
Thủy điện Đăk Drinh có công suất 125MW với tổng mức đầu tư 3.423 tỉ đồng được khởi công tháng 1-2011.
Dự án nằm ở các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Dung của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kong Plong (KonTum). Từ cuối 2012 Ban đền bù dự án thủy điện Đăk Drinh bắt đầu đã chi trả tiền đất đai, hoa màu, nhà cửa cho dân với tổng số tiền 142 tỉ đồng.
Cảnh xô xác tranh giành tiền đền bù thủy điện Đăk Drinh - Ảnh: TRẦN MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận