Huỳnh Thị Huyền Như (trái) đã chiếm đoạt và tiêu xài khoảng 5.000 tỉ đồng - Ảnh: T.L
Phiên xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM đang diễn ra tại TAND cấp cao tại TP.HCM ngày 29-5.
Năm công ty gửi 1.085 tỉ đồng vào VietinBank và bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt.
Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại tòa phúc thẩm, nhiều căn cứ chỉ ra thực chất đây không phải tiền của các công ty mà là tiền của các ngân hàng.
Luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho Huyền Như) đã thẳng thắn chỉ ra: thực chất đây là các công ty "sân sau" do các ngân hàng lâp nên để che đậy giao dịch gửi tiền bất hợp pháp nhằm kiếm lợi nhuận trái quy định.
Nhiệm vụ của các công ty là làm trung gian mở tài khoản thanh toán theo yêu cầu của các ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
Những nhận định của luật sư Ngoan không phải không có cơ sở. Trong ngày xét xử vừa qua, vị chủ tọa cho biết không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Lê Thị Thanh Phương (nguyên giám đốc Khối nguồn vốn Ngân hàng Tiên Phong - TPBank) vì quá hạn.
Cáo trạng cho thấy năm 2011, bà Phương có thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như về việc TPBank thông qua hai công ty là Phương Đông và An Lộc để gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Lãi suất thỏa thuận theo hợp đồng là 14%/năm. Lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 5% đến 5,5%/năm.
Sau đó, TPBank đã ký hàng chục hợp đồng với các công ty. Bản chất của các hợp đồng này là căn cứ để TPBank chuyền tiền cho các công ty đứng tên gửi tiền vào VietinBank.
Sau đó, công ty Phương Đông và An Lộc đã chuyển vào tài khoản mở tại VietinBank chi nhánh TP.HCM 1.860 tỉ đồng. Huỳnh Thị Huyền Như đã lập giả chữ ký, con dấu để chiếm đoạt hơn 550 tỉ đồng
Tại tòa phúc thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như giữ nguyên lời khai đã chi cho giám đốc Khối nguồn vốn TPBank khoảng 40 tỉ đồng tiền "hoa hồng môi giới". Tuy bà Phương bác bỏ việc đã nhận "hoa hồng" nhưng cấp sơ thẩm vẫn tuyên buộc bà phải giao nộp lại số tiền hơn 30,4 tỉ đồng.
Tương tự, năm 2011, Ngân hàng TMCP Hàng Hải đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư với công ty Hưng Yên và chuyển hơn 500 tỉ đồng để công ty này chuyển vào tài khoản mở tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè.
Mục đích của việc gửi tiền là để hưởng lãi suất vượt trần trái quy định. Số tiền này sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Luật sư Nguyễn Văn Ngoan cho rằng bản chất của các công ty "sân sau" là hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản trái quy định của pháp luật. Chính vì vậy, các công ty đã bỏ mặc lợi ích của chủ tài khoản và tạo điều kiện thuận lợi cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận