19/05/2020 06:42 GMT+7

Vụ án Hồ Duy Hải: Viện KSND tối cao báo cáo Chủ tịch nước nội dung gì?

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Ngày 18-5, nguồn tin riêng của báo Tuổi Trẻ cho biết viện trưởng Viện KSND tối cao đã gửi báo cáo đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.

Vụ án Hồ Duy Hải: Viện KSND tối cao báo cáo Chủ tịch nước nội dung gì? - Ảnh 1.

Đại diện Viện KSND tối cao phát biểu quan điểm tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải - Ảnh: TTXVN

Báo cáo khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm do Viện KSND tối cao ban hành là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, có căn cứ và cần thiết.

Trước đó, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao ngày 8-5 đã bác toàn bộ kháng nghị của Viện KSND tối cao và cho rằng kháng nghị này không đúng luật và trái thẩm quyền.

Kháng nghị có căn cứ và cần thiết

Theo đó, báo cáo này khẳng định kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao về vụ án là đúng luật, đúng thẩm quyền và cần thiết. Báo cáo phân tích: Đây là vụ án giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo và không có chứng cứ vật chất trực tiếp. 

Trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán và mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ khác, nhiều tình tiết chưa được làm rõ và nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.

Báo cáo nêu những vấn đề chưa được làm rõ như: 

+Việc mâu thuẫn về việc sử dụng thời gian của Hồ Duy Hải thể hiện Hải không thể có mặt ở bưu điện trước thời điểm nhân chứng Thường đến gọi điện thoại, nội dung này rất quan trọng nên phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại; 

+ Chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải là hung thủ không, nên cần phải hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm (thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi); 

+ Chưa làm rõ cơ chế gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân, về con dao mà bị cáo mô tả có khả năng gây ra vết thương đó không; 

+Chưa làm rõ được động cơ gây án của đối tượng vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; 

+ Bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay... 

Viện KSND tối cao cho rằng cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.

Báo cáo của Viện KSND tối cao cho rằng những vi phạm trên là vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ và vi phạm về tố tụng, vì vậy đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những thiếu sót, vi phạm nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Đồng thời báo cáo của Viện KSND tối cao cũng nêu thêm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, HĐTP TAND tối cao đã kết luận những vi phạm đó chỉ là sai sót về tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án là trái nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như: nguyên tắc "suy đoán vô tội", nguyên tắc "xác định sự thật trong vụ án", nguyên tắc "tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra", nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung".

Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Báo cáo của Viện KSND tối cao

Quyết định ân giảm cho tử tù mang tính chất nhân đạo

Ngoài việc khẳng định kháng nghị của Viện KSND tối cao là cần thiết, báo cáo cũng khẳng định kháng nghị này là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền. Về quyết định bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước, Viện KSND tối cao cho rằng: "Quyết định ân giảm mang tính chất nhân đạo bởi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất kết thúc cuộc đời họ". 

Theo viện, quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị tử hình có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án. 

Khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm không có nghĩa là bản án tử hình sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt, cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương. Không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này.

Báo cáo của viện trưởng Viện KSND tối cao cũng khẳng định quy định của pháp luật hiện hành không có bất kỳ một điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng Viện KSND tối cao. 

Kháng nghị của Viện KSND tối cao ngày 22-11-2019 căn cứ vào khoản 2 điều 371, điều 173 của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả khi người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Cho nên, kể cả trường hợp bác đơn ân xá, giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải có thể được thực hiện bất cứ lúc nào.

Sẽ kiến nghị xem xét lại theo thủ tục đặc biệt

Về việc HĐTP cho rằng sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân xá rồi có công văn yêu cầu hoãn thi hành án tử hình của Hồ Duy Hải thì công văn này là công văn hành chính. Báo cáo của Viện KSND tối cao nêu rõ trước khi kháng nghị, viện trưởng Viện KSND tối cao đã có báo cáo xin ý kiến Chủ tịch nước, đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị. 

Viện cũng đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết "Quyết định bác đơn ân giảm của Hồ Duy Hải", để bảo đảm hiệu lực pháp luật khi viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm. 

Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước nêu: "Đề nghị viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải".

Do đó, viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp này là đúng thẩm quyền theo luật định, thể hiện trách nhiệm của viện trưởng Viện KSND tối cao theo chỉ đạo của Chủ tịch nước là xem xét, làm rõ trường hợp của Hồ Duy Hải có bị kết án oan sai không, bảo đảm thận trọng, chắc chắn trước khi kết tội và áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo.

Với quan điểm như trên, báo cáo khẳng định viện trưởng Viện KSND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị HĐTP TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm ngày 8-5, theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tòa đúng hay viện đúng, để cấp có thẩm quyền kết luận!

120-0360 1(read-only)

Ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện KSND tối cao - cho biết như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri Q.5, Q.11 (TP.HCM) của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4, ngày 18-5.

Trong buổi làm việc, nhiều cử tri nêu ý kiến về một số vụ việc được dư luận quan tâm, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải. Cử tri Nguyễn Lâm Sanh (Q.5) cho rằng đối với vụ Hồ Duy Hải, Viện KSND tối cao kháng nghị đúng đắn. Việc xét xử của HĐTP TAND tối cao là chưa thỏa đáng. Ông Sanh đề nghị Quốc hội cần phải lên tiếng, bộ phận giám sát của Quốc hội cần phải vào cuộc.

Tương tự, cử tri Mai Thanh Hà (Q.5) cho rằng việc HĐTP đánh giá rằng "có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm".

Thay mặt tổ đại biểu trả lời cử tri, ông Lê Minh Trí cho biết trong quá trình xem xét vụ việc, nhận thấy có nhiều chứng cứ còn mâu thuẫn hoặc chưa được làm rõ. Đây là căn cứ để Viện KSND tối cao kháng nghị xem xét lại.

"Viện trưởng không nói Hồ Duy Hải có tội hay không có tội nhưng thấy vụ án còn nhiều sai sót, chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa hiện trường, mâu thuẫn giữa lời khai, giữa thực nghiệm điều tra. Viện trưởng thấy cần thiết phải kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại xem có tội hay không có tội một cách thận trọng, khách quan, đảm bảo bảo vệ tính mạng con người, khi chúng ta chưa có chứng cứ trực tiếp khẳng định việc có giết người hay không" - ông Trí nêu.

Ông Trí cũng khẳng định kháng nghị không sai luật, có căn cứ và đúng thẩm quyền. Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết đã có báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về vụ việc này. Việc cử tri thắc mắc tòa án hay viện kiểm sát đúng, để cấp có thẩm quyền kết luận.

Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải

TTO - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vậy khi phóng viên đặt câu hỏi về vụ án này.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp