27/11/2019 10:00 GMT+7

Vụ án 'đại gia thủy sản' Bạc Liêu: Có hình sự hóa quan hệ dân sự?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Một doanh nghiệp ở Bạc Liêu phát sinh tranh chấp với ngân hàng trong quá trình vay mượn. Sợ doanh nghiệp tẩu tán tài sản, ngân hàng có đơn đề nghị công an giám sát. Bất ngờ công an khởi tố chủ doanh nghiệp tội lừa đảo.

Vụ án đại gia thủy sản Bạc Liêu: Có hình sự hóa quan hệ dân sự? - Ảnh 1.

Ông Ngô Chí Dũng và bà Nguyễn Thị Út liên tục kêu oan, cho rằng vụ việc của mình đã bị cơ quan điều tra hình sự hóa - Ảnh: H.Đ.

Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH MTV Minh Đại (tiền thân của Công ty cổ phần thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu - gọi tắt là Công ty Minh Hiếu, chuyên kinh doanh, chế biến thủy, hải sản), do vợ chồng ông Ngô Chí Dũng thành lập.

Bất ngờ khởi tố hình sự

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty Minh Hiếu có quan hệ tín dụng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Bạc Liêu (BIDV Bạc Liêu). Từ ngày 21-7-2010 đến tháng 5-2013, Công ty Minh Hiếu đã được BIDV Bạc Liêu giải ngân, cho vay tổng cộng ở 116 hợp đồng tín dụng với số tiền 83 tỉ đồng và 7,5 triệu USD. 

Trong quá trình thực hiện các hợp đồng, Công ty Minh Hiếu đã trả nợ rất tốt cho ngân hàng, tất toán hết 92 hợp đồng với số tiền 66 tỉ và 6,3 triệu USD.

Tính đến ngày 21-3-2016 (thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án), công ty này còn dư nợ với BIDV Bạc Liêu là 43 tỉ đồng gốc và 16 tỉ đồng tiền lãi. Số dư nợ này nằm ở 24 hợp đồng và số tài sản bảo đảm lớn hơn số dư nợ của công ty.

Cuối năm 2012 đầu 2013, do khó khăn nên công ty đã tự ý đứng ra bán một số tài sản đảm bảo (được dùng để thế chấp bổ sung) mà chưa thông báo với phía ngân hàng. Vì vậy, BIDV Bạc Liêu có đơn gửi Công an tỉnh đề nghị hỗ trợ, giám sát. 

Ngược lại, phía Công ty Minh Hiếu cũng cho rằng ngân hàng chưa giải ngân đầy đủ theo thỏa thuận, dẫn đến hai bên tranh chấp. 

Sau đó, BIDV Bạc Liêu khởi kiện Công ty Minh Hiếu ra tòa, yêu cầu trả toàn bộ dư nợ tại ngân hàng. Tháng 10-2013, TAND thị xã Giá Rai thụ lý vụ kiện, sau đó tòa đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự.

Bất ngờ ngày 16-12-2013, Viện KSND tỉnh Bạc Liêu có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ba ngày sau, TAND tỉnh Bạc Liêu có quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận trên. 

Trong khi TAND thị xã Giá Rai đang thụ lý, giải quyết lại vụ án thì ngày 21-3-2016, Công an tỉnh Bạc Liêu có quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" (hành vi này đã được tách ra điều tra sau) xảy ra tại BIDV Bạc Liêu. 

Do đó, TAND thị xã Giá Rai đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại giữa BIDV Bạc Liêu và Công ty Minh Hiếu.

Như vậy từ lá đơn đề nghị hỗ trợ, Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án. Và từ 116 hợp đồng tín dụng, Công an Bạc Liêu đã tách 1 hồ sơ vay trung hạn và 8 hồ sơ vay theo món để điều tra và quy buộc các ông Ngô Chí Dũng (phó giám đốc), bà Nguyễn Thị Út (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc) và ông Huỳnh Thanh Đoàn (kế toán trưởng công ty) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vụ án đã được TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên các bị cáo trên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ba bị cáo trên bị phạt tổng cộng 48 năm tù. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan.

Cơ quan điều tra hình sự hóa quan hệ dân sự

Tuy nhiên, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM ngày 27-2-2019 khẳng định: các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bạc Liêu đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, bắt người tạm giam mà chưa có sự phê chuẩn của viện KSND cùng cấp. 

Cụ thể, quyết định khởi tố các bị can được ký vào ngày 30-8-2016, nhưng phải đến ngày 5-9-2016 viện kiểm sát mới phê chuẩn; các lệnh bắt giữ bị can được công an thực hiện khi chưa được viện kiểm sát phê chuẩn.

Tòa cũng nhận định cấp sơ thẩm không xác định được BIDV Bạc Liêu là nguyên đơn dân sự hay là bị hại trong vụ án. Mặt khác, TAND cấp cao cũng cho rằng BIDV Bạc Liêu không đủ tư cách tố tụng trong vụ án nhưng vẫn được tòa cấp sơ thẩm cho tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, trước khi vụ án được khởi tố, BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện vụ án dân sự để đòi tiền của Công ty Minh Hiếu và hai bên đã thỏa thuận được với nhau. Tuy nhiên, khi đang thỏa thuận thi hành án thì cơ quan điều tra lại khởi tố vụ án. 

Như vậy, trong cùng một thời điểm, cùng một vụ việc nhưng hai cơ quan tố tụng lại vừa xử lý mặt dân sự vừa khởi tố hình sự là trái pháp luật. 

Đặc biệt, TAND cấp cao còn nhận định: "Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa Công ty Minh Hiếu và BIDV Bạc Liêu. Đồng thời, việc khởi tố của cơ quan điều tra là vi phạm điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự vì ngân hàng không có đơn tố cáo Công ty Minh Hiếu".

Chưa kể quyết định trưng cầu giám định của Ngân hàng Nhà nước về việc BIDV cho Công ty Minh Hiếu vay nợ đã xác định: "Việc BIDV Bạc Liêu cho Công ty Minh Hiếu vay là đúng đối tượng cho phép được vay. Giá trị tài sản thế chấp của Công ty Minh Hiếu là 66 tỉ đồng, lớn hơn dư nợ ngân hàng nên không thể nói ngân hàng có thiệt hại".

Từ những căn cứ đã nêu, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm đã có nhiều vi phạm mà cấp phúc thẩm không thể sửa chữa được nên quyết định trả hồ sơ để điều tra lại.

Thế nhưng sau khi nhận hồ sơ điều tra lại, mới đây Công an tỉnh Bạc Liêu có kết luận điều tra và vẫn tiếp tục đề nghị truy tố các bị can tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Điều đáng nói là kết luận điều tra mới này không hề nhắc gì đến những vi phạm tố tụng mà bản án phúc thẩm đã chỉ ra.

Các bị cáo không gian dối, ngân hàng không thiệt hại

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu xử phạt ông Ngô Chí Dũng 20 năm tù, bà Nguyễn Thị Út và ông Huỳnh Thanh Đoàn cùng mức án 14 năm tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử, Viện KSND cấp cao cho rằng lời khai của các bị cáo chưa phù hợp với tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập, còn nhiều mâu thuẫn chưa được đối chất. Việc cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội là chưa đảm bảo tính khách quan, trung thực và chưa đúng quy định pháp luật.

Về việc các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 19 tỉ đồng, Viện KSND cấp cao cho rằng quy kết này chưa thỏa mãn dấu hiệu của tội lừa đảo vì "các bị cáo không có hành vi gian dối, không có thiệt hại xảy ra với ngân hàng, tài sản thế chấp lớn hơn dư nợ rất nhiều".

Đại diện viện kiểm sát cũng cho rằng quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm đã có nhiều vi phạm tố tụng, nhưng cấp phúc thẩm không thể sửa chữa được nên đề nghị chấp nhận kêu oan của bị cáo, trả hồ sơ để điều tra lại.

Ngày 16-11-2019, Viện KSND tỉnh Bạc Liêu đã có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với cả ba bị can từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Các bị can này tiếp tục có đơn kêu oan, cho rằng họ không phạm tội.

TP.HCM cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự TP.HCM cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết TP.HCM không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, công tác thanh tra kiểm tra lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra một lần trong năm.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp