12/07/2024 17:37 GMT+7

Vụ AIC: Vì sao xét xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và thuộc cấp?

Chiều 12-7, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 14 bị cáo trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu, đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Công ty AIC. Theo đó, tòa cho rằng việc xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là có căn cứ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: T.L

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: T.L

Theo hội đồng xét xử, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của các cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát, điều tra viên và kiểm sát viên nên hội đồng xét xử xét các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Các hành vi, quyết định tố tụng đều hợp pháp 

Đối với đề nghị xem xét lại tố tụng đối với các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tuấn, Đỗ Văn Trường của người bào chữa, hội đồng xét xử cho rằng trong vụ án này, tại thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cả bốn bị cáo đều không có mặt tại nơi cư trú, nơi làm việc và không thực hiện yêu cầu triệu tập, thư kêu gọi của các cơ quan tiến hành tố tụng để nhận các quyết định, lệnh tố tụng.

Mặc dù đã thông báo cho thân nhân và đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành xác minh nhưng không xác định được nơi cư trú của các bị cáo. Cơ quan cảnh sát điều tra đã ban hành các quyết định truy nã đối với các bị cáo.

Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, ngoài việc tống đạt các quyết định tố tụng cho các bị cáo theo quy định thì cũng đã thông báo và yêu cầu các bị cáo ra trình diện hoặc đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật nhưng các bị cáo vẫn không trình diện hay đầu thú trước cơ quan chức năng. Đặc biệt là bị cáo Nhàn và bị cáo Hà, không chỉ trong vụ án này mà xuyên suốt hai vụ án đã xét xử.

Xác định bà Thanh Nhàn và 3 đồng phạm bỏ trốn là có căn cứ

Qua bốn phiên tòa, mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đều có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hai bị cáo vẫn vắng mặt trong vụ án này. 

Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án đã thực hiện tống đạt quyết định theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời niêm yết công khai tại nơi cư trú và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng. Tuy nhiên các bị cáo vẫn vắng mặt tại phiên tòa.

Từ những cơ sở trên, hội đồng xét xử nhận thấy việc các cơ quan tiến hành tố tụng xác định các bị cáo bỏ trốn hoàn toàn có căn cứ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 điều 229, khoản 2 điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tạm đình chỉ chỉ có thể trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà lý do tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo khác thì có thể tạm đình chỉ đối với từng bị can.

Trong vụ án này có nhiều bị can, bị cáo và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người có vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện tội phạm. Các bị cáo Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn, Đỗ Văn Trường thực hiện hành vi phạm tội có liên quan đến tất cả các bị cáo khác nên các cơ quan tiến hành tố tụng không tạm đình chỉ mà truy tố, xét xử đối với các bị cáo bị truy nã là hoàn toàn đúng quy định, phù hợp với tính chất, đặc điểm của vụ án. 

Đồng thời cũng để giải quyết toàn diện, triệt để vụ án, đến thời điểm xét xử các bị cáo vắng mặt là từ bỏ quyền của các bị can, bị cáo được quy định tại điều 60 và điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vẫn đảm bảo quyền bào chữa cho các bị cáo

Mặc dù vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đảm bảo quyền bào chữa cho các bị cáo bằng cách chỉ định và tạo điều kiện để người bào chữa cho các bị cáo nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp tham gia một số hoạt động tố tụng như nhận dạng, giám định chữ ký.

Xét thấy sự vắng mặt của các bị cáo không gây trở ngại trong việc xét xử, hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt các bị cáo.

Cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM nhận 14,4 tỉ của AIC và phân chia ra sao?Cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM nhận 14,4 tỉ của AIC và phân chia ra sao?

Chiều 10-7, TAND TP.HCM bắt đầu xét hỏi đối với 14 bị cáo trong vụ vi phạm quy định đấu thầu, đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp