15/05/2018 18:29 GMT+7

Vụ 8 người chạy thận tử vong: Không ai giám sát sửa máy

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Lời khai của bác sĩ Hoàng Công Lương và các bị cáo khác cho thấy quá trình sửa chữa thiết bị lọc máu gần như không có sự giám sát của cả cán bộ vật tư lẫn người làm chuyên môn.

Vụ 8 người chạy thận tử vong: Không ai giám sát sửa máy - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương trả lời xét hỏi của toà - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 15-5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoà Bình tiếp tục với phần xét hỏi.

Quá trình bàn giao cơ bản thực hiện bằng… miệng

Trả lời thẩm vấn trước TAND TP Hoà Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết trước khi xảy ra sự cố, bị cáo và tất cả mọi người trong khoa đều biết có việc sửa chữa hệ thống lọc nước. Đơn đề xuất sửa chữa do phòng vật tư viết, bác sĩ Lương và một điều dưỡng khác ký vào đơn này, nhưng bác sĩ này khai rằng "không được ai giao phụ trách máy móc".

Bác sĩ Lương cũng khẳng định bản thân không được giao quản lý đơn nguyên thận nhân tạo.

"Ngày 29-5-2017 bị cáo có được thực hiện phân công công việc tại đơn nguyên thận", tòa đặt vấn đề. "Bị cáo không có tư cách quản lý, phân công đó", bác sĩ Lương trình bày.

Theo bác sĩ Lương, quy trình chạy thận có nhiều bước, bị cáo và 2 bác sĩ khác thực hiện rất nhiều công việc, cùng hội ý để đưa ra phác đồ điều trị, trong đó có y lệnh lọc máu, cho bệnh nhân. "Về mặt pháp lý bị cáo không được là người phân công, nhưng bị cáo là người nhiều tuổi nhất, có chuyên môn sâu hơn nên các bác sĩ nhờ bị cáo là người phân công", bác sĩ Lương phân trần.

Bác sĩ Hoàng Công Lương trả lời thẩm vấn ngày 15-5 - Video: DANH TRỌNG

Theo bác sĩ Lương, việc nhận bàn giao thiết bị y tế hoặc thuốc thường là điều dưỡng hành chính hoặc điều dưỡng trực ngày hôm đó. Ngày 28-5-1017, chị Đỗ Thị Điệp là điều dưỡng trực được phân công là người nhận bàn giao hệ thống lọc nước.

"Điều dưỡng Điệp có thống kê về việc nhận bàn giao máy sau khi sửa chữa không?", chủ tọa hỏi. "Chị Điệp thông báo với tất cả mọi người tại đơn nguyên thận là hệ thống lọc nước đã sửa chữa bảo dưỡng xong và đã nhận bàn giao", bác sĩ Lương khẳng định.

"Bị cáo có kiểm tra thông tin chị Điệp thông báo không?", chủ tọa truy vấn. "Việc bàn giao giữa bệnh viện với công ty sửa chữa là nhiệm vụ của họ không phải của đơn nguyên thận. Đơn nguyên chỉ được bên vật tư bàn giao lại để sử dụng", bác sĩ Lương trình bày.

"Bị cáo có biết sau khi sửa chữa xong phải lấy mẫu nguồn nước đi xét nghiệm để đảm bảo tiêu chuẩn không?", chủ tọa truy vấn. "Bị cáo không được biết", bác sĩ Lương trả lời.

Vụ 8 người chạy thận tử vong: Không ai giám sát sửa máy - Ảnh 3.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc trả lời thẩm vấn tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Chưa xong việc đã thấy máy chạy

Khai tại tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh, bị đưa ra xét xử về tội vô ý làm chết người) cho biết ngày 28-5-2017 có nhận được yêu cầu lên Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình sửa chữa hệ thống lọc nước theo yêu cầu của Công ty Thiên Sơn.

Bị cáo Quốc khẳng định đã đến bệnh viện nhiều lần từ năm 2013, ít nhất 2 lần/năm. Khi đến chỉ gặp bị cáo Trần Văn Sơn là cán bộ phòng vật tư để được hướng dẫn vị trí máy móc cần thay thế hoặc bảo dưỡng.

Bị cáo này nhiều lần khẳng định khi xảy ra sự cố 8 bệnh nhân chết ngày 29-5 thì giữa Công ty Trâm Anh và Thiên Sơn chưa hề ký hợp đồng về việc sửa chữa máy móc, thiết bị của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

"Ngày xảy ra sự cố bị cáo chưa thực hiện xong công việc của mình, chưa bàn giao trên giấy tờ. Trước khi nghỉ bị cáo có gọi điện cho Sơn đến khóa cửa và nhắc đã sửa và thay thế các vật tư xong, sáng hôm sau mới vào lấy mẫu nước. Sáng 29-5 khi quay lại bệnh viện lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì thấy hệ thống máy đã chạy", bị cáo Quốc khai.

"Vậy bị cáo phải ngăn cản việc ra y lệnh chứ", chủ tọa truy vấn. "Vâng, đó là lỗi của bị cáo", ông Quốc cúi đầu nói lí nhí.

Bị cáo này cũng khai tự mua hóa chất dùng để súc rửa hệ thống lọc nước của một công ty, thừa nhận không biết hai hóa chất bị cấm sử dụng trong y tế mà "chỉ thực hiện theo chỉ dẫn của người khác cũng như kinh nghiệm của bản thân".

"Chưa bao giờ xảy ra sự cố tương tự hoặc có dấu hiệu bất thường gì", bị cáo Quốc nói.

Vụ 8 người chạy thận tử vong: Không ai giám sát sửa máy - Ảnh 4.

Bị cáo Trần Văn Sơn trả lời thẩm vấn chiều 15-5 - Ảnh: DANH TRỌNG

Trước giờ cứ sửa xong là dùng được ngay

Dù là người được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình sửa chữa máy móc nhưng bị cáo Trần Văn Sơn khai trước toà rằng ngày 28-5 khi bị cáo Quốc đến sửa chữa thì bản thân không có mặt mà gọi điện cho điều dưỡng mở cửa phòng thiết bị".

"Khi bị cáo đến thì Quốc đã thực hiện việc sửa chữa. Bị cáo không biết ai bàn giao cho Quốc sửa chữa", bị cáo Sơn thừa nhận chưa thực hiện đúng quy trình.

Và khi bị cáo Quốc tiến hành sửa chữa thì bị cáo Sơn lại về nhà và trong ngày hôm đó không trở lại khoa. Đến tối bị cáo Quốc gọi điện cho bị cáo Sơn thông báo đã sửa chữa xong.

"Một số lần trước khi Quốc thông báo như thế bị cáo có mặt ở khoa thì có thể nhận bàn giao. Từ trước đến nay sau khi sửa chữa xong đều đưa vào sử dụng được ngay", bị cáo Trần Văn Sơn khai.

Bị cáo này nói mình cảm thấy "rất có lỗi" vì sự vắng mặt đó. "Nhưng để xảy ra hậu quả có phải trách nhiệm của bị cáo hay không thì nhờ HĐXX làm rõ", bị cáo Sơn nói.

Ngày mai 16-5, phiên toà tiếp tục phần thẩm vấn.

Vụ 8 người chạy thận tử vong: Không ai giám sát sửa máy - Ảnh 5.

Thân nhân của một trong 8 bệnh nhân tử vong mang di ảnh của người nhà đến phiên toà - Ảnh: DANH TRỌNG

Bác sĩ Lương:

TTO - "Nếu bệnh nhân tử vong do tôi làm sai y lệnh thì tôi sẽ chịu trách nhiệm, còn do người ở vị trí khác làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm”, bác sĩ Hoàng Công Lương phản ứng với cáo trạng buộc tội mình.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp