17/05/2022 10:37 GMT+7

Vụ 4 ôtô tại nhà riêng cựu chủ tịch TP Hạ Long: Xử lý tài sản ở nhà quan chức phạm tội ra sao?

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Trong số 4 ôtô tổng trị giá ước tính khoảng 20 tỉ đồng mà cơ quan Công an Quảng Ninh niêm phong, cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà chỉ đứng tên chính chủ chiếc VinFast Lux SA 2.0. Vậy 3 chiếc xe còn lại được xử lý ra sao?

Vụ 4 ôtô tại nhà riêng cựu chủ tịch TP Hạ Long: Xử lý tài sản ở nhà quan chức phạm tội ra sao? - Ảnh 1.

Bốn xe sang bị lực lượng chức năng niêm phong và đưa về trụ sở phục vụ công tác điều tra vào chiều 14-5 - Ảnh: CÔNG PHẠM

Ông Phạm Hồng Hà, cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đã bị bắt tạm giam chiều 14-5. Bốn ôtô trị giá khoảng 20 tỉ đồng ở nhà ông Hà cũng bị niêm phong, ông Hà được biết chỉ đứng tên chính chủ chiếc xe có trị giá gần 2 tỉ đồng trong số này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Văn Tạo, cựu phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết không chỉ ở vụ án liên quan ông Phạm Hồng Hà mà ở nhiều vụ án trước đó, cơ quan điều tra cũng đã niêm phong, tạm giữ các vật chứng có giá trị thậm chí là tiền, vàng, sổ đỏ... liên quan vụ án, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Với vụ án liên quan ông Hà, cơ quan điều tra có thể xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án có liên quan hành vi phạm tội nên niêm phong, tạm giữ để xem xét xử lý. 

Luật sư Tạo chỉ rõ: nếu kết quả điều tra cho thấy những chiếc xe này không liên quan tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có, cũng không sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can cần tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà là tài sản của người khác thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết thêm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, không có quy định cụ thể về thời gian tạm giữ vật chứng liên quan vụ án là bao lâu. Trong trường hợp tài sản này do phạm tội mà có hoặc là công cụ để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị phát mại, sung công.

Qua vụ án này và các tài sản mà báo chí phản ánh, trung tướng Trần Văn Độ, cựu phó chánh án TAND tối cao, chánh án tòa án quân sự trung ương, đề nghị cần làm rõ xem ông Hà có kê khai tài sản không và kê khai như thế nào, có trung thực không. 

Đồng thời, ông Độ cũng chỉ rõ nhiều nước trên thế giới đã có quy định về tội làm giàu bất chính khi anh giàu lên một cách đáng ngờ, các tài sản có nhưng không giải trình được và tội nhận quà biếu có giá trị lớn như một dạng nhận hối lộ trá hình. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa quy định các tội danh này nên với tình trạng nhiều quan chức giàu một cách bất thường, bất chính thì cần quy định thêm các tội danh này.

Còn ông Lê Như Tiến, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh rằng việc ông Hà có nhiều ôtô đắt tiền bị tạm giữ tại nhà và căn biệt thự ước tính cả trăm tỉ đồng nhìn thẳng ra vịnh Hạ Long là điều đáng xem xét. 

Theo ông Tiến, cần làm rõ xem nguồn gốc tài sản từ đâu trong khi mức lương của cán bộ, công chức khi đương chức không cao. Thực tế theo ông Tiến, thời gian qua ở một số địa phương, các cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng vì có "quyền gắn lợi".

Bên cạnh đó, qua một số vụ việc đã cho thấy không ít người, cán bộ có tài sản lớn nhưng lại chuyển dịch cho vợ con, người thân, thậm chí chuyển sang nước ngoài và có người có 10 nhưng chỉ kê khai 1 - 2 nên rất cần có cơ chế cùng với một cơ quan chuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc này. 

Đồng thời, cùng với kê khai tài sản cần gắn với công khai bằng cách niêm yết công khai tại cơ quan, nơi cư trú của cán bộ, lãnh đạo để đồng nghiệp, người dân nắm bắt, kiểm chứng.

Ông Hà phạm tội gì?

Ông Phạm Hồng Hà (62 tuổi, trú tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long) từng giữ chức phó chủ tịch UBND TP Hạ Long. Đến tháng 6-2014, ông Hà được bầu giữ chức chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long. Tháng 9-2020, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Ông Hà bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với ông Hà còn có Bùi Sĩ Giáp - nguyên trưởng phòng kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban quản lý vịnh Hạ Long và Phạm Thái Dương - nhân viên Ban quản lý vịnh Hạ Long, về hành vi nhận hối lộ.

Những người trên bị khởi tố sau quá trình Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan lãnh đạo, nhân viên Công ty CP quản lý đường sông số 3, tỉnh Quảng Ninh.

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 6 bị can làm việc tại Công ty CP quản lý đường sông số 3 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó bắt giam 3 người gồm: Phạm Văn Phả - chủ tịch hội đồng quản trị, Đỗ Công Hào - giám đốc và Phạm Văn Chinh - phó giám đốc. Áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 người gồm: Nguyễn Hải Anh - nguyên phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, Ngô Thị Thu Lư - nguyên trưởng phòng kế hoạch và Lê Kim Hoa - nhân viên của công ty.

TIẾN THẮNG

Khởi tố và bắt cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà Khởi tố và bắt cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà

TTO - Ông Phạm Hồng Hà - cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội 'lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' theo điều 356 Bộ luật hình sự.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp