Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12-1, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về hỗ trợ cho gia đình 39 người Việt tử nạn trong xe tải tại Anh tháng 10-2019.
Trước đó, hôm 6-1, Tòa hình sự tối cao Vương quốc Anh đã ra phán quyết về ông Ronan Hughes, người đứng đầu đường dây vận chuyển người bất hợp pháp liên quan tới vụ 39 người Việt tử nạn trong xe tải ở Anh.
Theo đó, ông Hughes đang thụ án tù 20 năm và sẽ bị tịch thu tài sản trị giá hơn 180.000 bảng Anh để bồi thường cho gia đình các nạn nhân người Việt Nam trong vụ việc trên.
"Chúng tôi được biết phán quyết này chỉ là cái quyết định pháp lý ban đầu. Việc thực thi phán quyết có thể có nhiều phức tạp và đòi hỏi thời gian xử lý tương đối dài theo trình tự của pháp luật Anh.
Trong trường hợp Ronan Hughes không thực hiện phán quyết về việc bồi thường cho các nạn nhân, hình phạt sẽ tăng thêm 2 năm tù giam", bà Thu Hằng nói.
Trước đó, truyền thông Anh đưa tin tòa án đã ra lệnh tịch thu khoảng 180.000 bảng Anh (hơn 217.000 USD) từ chủ công ty vận tải liên quan đến cái chết của 39 người Việt trên.
Số tiền này sẽ được dùng để bồi thường cho các gia đình nạn nhân, theo mong muốn của các gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ đang gặp khó khăn tài chính, nuôi con nhỏ, trả lãi vay ngân hàng…
Chủ công ty vận tải được xác định là ông Hughes, 43 tuổi, sống ở Armagh, Bắc Ireland, đang thụ án 20 năm tù vì tội ngộ sát 39 người Việt.
Các tài sản bị tịch thu của Hughes gồm tiền mặt, tiền trong tài khoản ngân hàng, giá trị quy ra tiền của dàn xe tải, gồm cả chiếc xe dùng để chở các nạn nhân và phần tài sản của Hughes trong một bất động sản ở Ireland.
Cũng tại họp báo thường kỳ chiều 12-1, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trả lời về quan điểm của Việt Nam trước phán quyết của Tòa án tối cao ở Philippines hôm 10-1 về thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Quốc và Việt Nam là vi hiến.
Theo tòa án này, Hiến pháp Philippines không cho phép các thực thể nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên và thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào năm 2008.
Cụ thể, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam có quyền, chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
"Việt Nam là quốc gia ven biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Việt Nam cho rằng mọi hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của các nước được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước luật, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982", bà Hằng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận