26/07/2017 08:42 GMT+7

39 gia đình có con sùi mào gà kêu cứu, vụ việc có chìm xuồng?

L.ANH - Q.LIÊN
L.ANH - Q.LIÊN

TTO - 39 gia đình có con nhỏ tự dưng mắc sùi mào gà đến từ 12 xã của tỉnh Hưng Yên vừa ký vào đơn kêu cứu tập thể.

Phụ huynh có con bị sùi mào gà điều trị tại Bệnh viện Da liễu trung ương - Ảnh: QUỲNH LIÊN
Phụ huynh có con bị sùi mào gà điều trị tại Bệnh viện Da liễu trung ương - Ảnh: QUỲNH LIÊN

Họ mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của y sĩ Hoàng Thị Hiền trong việc làm lây lan bệnh sùi mào gà cho con cái họ khi bà Hiền xử lý nong chít hẹp bao quy đầu cho các cháu.

Các gia đình này khẳng định họ đã cho con làm thủ thuật nong tách bao quy đầu ở nhà y sĩ Hoàng Thị Hiền (ở thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), sau đó các con đều bị sùi mào gà. Trong khi đó, cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng khi xác định nguồn lây, bất hợp tác với báo chí và chậm trễ khi điều tra nguyên nhân vụ việc.

Làm sai phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số gia đình bệnh nhi cho rằng bà Hiền đã có dấu hiệu lừa đảo gia đình bệnh nhi. Bà Hiền chỉ là y sĩ nhưng lấy danh nghĩa bác sĩ chuyên khoa nhi của một bệnh viện uy tín trên Hà Nội để khám, chữa bệnh cho các cháu. Đặc biệt, bà Hiền còn có hành vi dọa dẫm nếu không thực hiện nong tách bao quy đầu trẻ sẽ bị ung thư, vô sinh sau này.

Khi có cháu đến khám viêm họng, ho, bà Hiền cũng tự ý xem bộ phận sinh dục, dọa nếu không nong tách bao quy đầu, các cháu sẽ bị ung thư và sau này vô sinh.

Trong quá trình nong tách bao quy đầu, cha mẹ bệnh nhi cho hay bà Hiền chỉ dùng một đôi găng tay, một chiếc panh, kéo để làm thủ thuật cho nhiều bệnh nhi cùng đến khám trong ngày, thậm chí có lần bà Hiền chỉ dùng một tay đeo găng, một tay không đeo găng, panh và kéo được lấy ra từ khay đựng đồ.

Trong đơn kêu cứu, cha mẹ các cháu cũng bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe, tương lai của các cháu. Đồng thời họ rất bức xúc khi chứng kiến con cái phải chịu đau đớn cả mặt thể xác và tổn thương tâm lý, chưa kể những tổn thương về tinh thần khi các cháu bị hàng xóm, bạn bè kỳ thị. Do đó, họ đề nghị cơ quan chức năng xem xét để bà Hiền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải đền bù tổn thất về sức khỏe, tinh thần cho các cháu.

“Khi biết cháu bị sùi mào gà, cả gia đình tôi rất bất ngờ vì cả gia đình, dòng họ tôi không có ai bị sùi mào gà để có thể lây cho cháu. Mà cháu mới hai tuổi, đi đâu để bị lây sùi mào gà ngoài việc có thể bị lây từ lần nong bao quy đầu ở chỗ bà Hiền”- anh Minh nói.

Mầm mống lây dễ thấy?

Chị Nguyễn Thị Hiền (28 tuổi, ở Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên) nhiều lần rớt nước mắt vì xót con và lo lắng cho tương lai của bé, khi còn nhỏ đã mắc bệnh sùi mào gà. Trước đó, chị Hiền cho con nong bao quy đầu ở chỗ bà Hiền.

Sau đó, khi phát hiện con trai bỗng dưng có những nốt sần ở dương vật, chị đưa con quay lại nhà bà Hiền lần thứ hai hồi tháng 6. Chị thấy bà Hiền dùng cây kéo cắt nốt sần ở dương vật của con mình, sau đó dùng chính đôi tay (đeo găng) không qua khử trùng tiếp tục lộn bao quy đầu cho một cháu khác.

Nhiều gia đình có con đang điều trị sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết sau khi khám, chữa, làm thủ thuật..., bà Hiền có bán thuốc về cho trẻ uống nhưng lại không kê đơn, không ghi sổ nên khi có đối chất thì bà Hiền “chối” không biết các cháu, không từng nhớ chữa cho cháu nào... Bên cạnh đó, các gia đình cho biết mỗi lần nong bao quy đầu, bà Hiền đều thu đến 1,5 triệu đồng/cháu, nhưng khi đối chất lại nói chỉ thu từ 300.000 - 500.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Hiền chăm sóc cho con bị bệnh sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu trung ương - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Chị Nguyễn Thị Hiền chăm sóc cho con bị bệnh sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu trung ương - Ảnh: DƯƠNG LIỄU


Sở Y tế Hưng Yên có để “chìm xuồng”?

Qua theo dõi vụ việc trong gần 2 tuần qua, chúng tôi thấy Sở Y tế Hưng Yên chậm trễ trong điều tra nguyên nhân: Ngày 13-7, Bệnh viện Da liễu T.Ư có văn bản gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vì thấy nhiều bất thường. Trong vòng 2 tháng rưỡi thấy nhiều trẻ từ Khoái Châu, Hưng Yên đến khám và được xác định bị sùi mào gà, các bệnh nhi có tiền sử khám, chữa hẹp bao quy đầu tại cơ sở chui của bà Hoàng Thị Hiền, thì đến ngày 19-7 Sở Y tế Hưng Yên mới đi kiểm tra.

Và kết quả của việc chậm trễ này là thanh tra Sở Y tế Hưng Yên thu được rất ít dụng cụ y tế từng sử dụng điều trị cho trẻ, gồm một panh, kéo, một bộ đo huyết áp, một bộ nghe tim phổi.

Ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, lo ngại không biết bà Hiền đã tiệt trùng số dụng cụ này trước khi bị thu giữ hay chưa.

Chưa phát hiện cha mẹ bệnh nhi nào bị sùi mào gà, dụng cụ y tế (nguồn lây bị nghi ngờ) thì thu được rất ít và không biết đã được “phi tang” trước khi bị thu giữ chưa, nên việc xác định nguồn lây là rất khó. Sở Y tế Hưng Yên cũng chậm trễ trong việc tạm đình chỉ công tác bà Hiền để điều tra vụ việc (chỉ đình chỉ sau khi Bộ Y tế yêu cầu).

Đến 25-7, vụ việc đã đi vào bế tắc sau khi nhiều chuyên gia dự họp để xác định nguyên nhân gây bệnh và nguồn lây đều cho rằng rất khó tìm nguyên nhân, và Bệnh viện Da liễu T.Ư có thông báo cho báo chí là ngưng cập nhật về số ca trẻ mắc bệnh.

Giám đốc và các phó giám đốc Sở Y tế Hưng Yên, chánh thanh tra sở này luôn không trả lời hay chịu trách nhiệm gì về việc để một phòng khám chui tồn tại nhiều năm.

Trong khi đó trẻ mắc sùi mào gà từ Hưng Yên tiếp tục đến Bệnh viện Da liễu T.Ư và số mắc tính từ 1-5 đã vượt xa 50 trẻ.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về nỗi đau đớn của các cháu, hay vụ việc này rồi cũng chìm xuồng?

Cuộc họp hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Hưng Yên tổ chức ngày 24-7 đã làm những người theo dõi vụ việc này chưng hửng. Một thành viên hội đồng nói với Tuổi Trẻ: “Không nên nói thêm về số ca mắc bệnh nữa, vì nói nhiều thì người dân hoang mang, tưởng là có dịch. Chúng tôi sẽ điều tra dịch tễ toàn huyện Khoái Châu, khi nào có kết quả sẽ thông báo”.

Khi được hỏi về nguồn lây và đường lây, và cơ sở bà Hiền có phải là một trong những nghi vấn hay không, ông này cho biết cơ sở bà Hiền chỉ là một trong số… hàng trăm nghi vấn làm hàng loạt trẻ bị sùi mào gà!

Đa số trẻ sơ sinh hẹp quy đầu sẽ khỏi khi lớn

TS.BS Lê Thanh Hùng - phó khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết 97% trẻ sơ sinh nam bị hẹp bao quy đầu nhưng càng lớn bao quy đầu sẽ bong, giãn ra và đến tuổi dậy thì chỉ còn 1%.

Việc điều trị bao quy đầu chủ yếu là bảo tồn, chăm sóc nội khoa (chiếm 70-90% thành công), những trường hợp không điều trị được bằng nội khoa mới phẫu thuật.

Trẻ bị hẹp bao quy đầu, phẫu thuật khi còn nhỏ quá có thể bị biến chứng như bị vùi dương vật thứ phát, cắt không đúng gây thẩm mỹ xấu cho trẻ. Ngay cả trẻ bị hẹp bao quy đầu cần được phẫu thuật cũng nên cân nhắc làm sau 3 tuổi. 

THÙY DƯƠNG

 

L.ANH - Q.LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp