22/02/2020 10:13 GMT+7

Vụ 38 căn nhà trái phép ở P.Hiệp Bình Chánh: Có thể xử lý hình sự nếu...

KHÁNH YÊN
KHÁNH YÊN

TTO - Một cá nhân đã từng bị xử lý vì xây dựng sai phép nay tiếp tục bị phát hiện xây dựng không phép trên đất nông nghiệp với hàng chục căn nhà, có xử lý hình sự người này được không?

Vụ 38 căn nhà trái phép ở P.Hiệp Bình Chánh: Có thể xử lý hình sự nếu... - Ảnh 1.

Những căn nhà xây trên khu đất nông nghiệp do ông Lê Tấn Tài đứng tên tại đường số 40, P. Hiệp Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ngày 18-2, UBND P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã lập biên bản vi phạm xây dựng đối với 38 căn nhà xây trên đất nông nghiệp tại khu vực đường số 40, do ông Lê Tấn Tài đứng tên sử dụng đất.

Đã nhiều lần bị xử phạt hành chính

Theo các biên bản vi phạm xây dựng, ông Tài có hành vi tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. 

Biên bản do cơ quan chức năng lập ngày 18-2 cũng xác định các công trình đã thi công xong, thời điểm vi phạm được xác định là tháng 6-2019.

Theo UBND phường, toàn bộ khu đất trên đều là đất nông nghiệp, có những dãy nhà xây dựng trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Tài, một số căn khác lại xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm đất rạch. 

UBND P.Hiệp Bình Chánh cho biết hiện cơ quan này đang lập hồ sơ để xử lý những bước tiếp theo đối với các công trình này.

Lãnh đạo UBND P.Hiệp Bình Chánh cũng cho biết ông Lê Tấn Tài đã từng bị thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vì tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp và bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng vào tháng 4-2017. 

Cụ thể, ông Tài được UBND Q.Thủ Đức cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để xây dựng công trình thể dục thể thao là sân cầu lông tại một khu đất ở đường 42 vào năm 2015. Tuy nhiên, ông Tài đã lợi dụng giấy phép xây thành 12 căn nhà riêng lẻ, chuyển nhượng cho nhiều người. 

Sau khi bị xử phạt, ông Tài không thực hiện quyết định xử phạt nên cơ quan chức năng ban hành quyết định cưỡng chế. Khu nhà này đã bị cưỡng chế tháo dỡ lần đầu vào năm 2018, đến nay còn 2 căn đang được tiếp tục xử lý.

Với khu đất tại đường 40, ông Lê Tấn Tài cũng đã bị UBND P.Hiệp Bình Chánh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo nghị định 102 năm 2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. 

Theo biên bản vi phạm, ông Tài tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm sang đất xây dựng, hiện trạng công trình xây tường gạch mái tôn trên đất trồng cây lâu năm với diện tích vi phạm gần 4.600m2. 

Quyết định xử phạt cũng bắt buộc chủ đất phải khôi phục lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. UBND P.Hiệp Bình Chánh cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với quyết định này. Lãnh đạo phường cũng xác nhận ông này chưa nộp số tiền bị phạt là 1,5 triệu đồng.

Và nay ông Tài bị lập biên bản vì xây dựng công trình không có giấy phép với 38 công trình theo nghị định 139. Với hành vi này, ông Tài có thể sẽ tiếp tục bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần. 

Với những diễn biến và hiện trường vụ việc, có khả năng ông này còn bị xử lý về hành vi lấn chiếm đất kênh rạch.

Vụ 38 căn nhà trái phép ở P.Hiệp Bình Chánh: Có thể xử lý hình sự nếu... - Ảnh 2.

Một dãy nhà khác được xây dựng trái phép trên khu đất nông nghiệp do ông Tài đứng tên tại đường số 40, P. Hiệp Bình Chánh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Có khởi tố hình sự được không?

UBND P.Hiệp Bình Chánh cho biết đã từng đề nghị cơ quan chức năng xem xét khởi tố hình sự ông Lê Tấn Tài. Nhiều ý kiến bạn đọc cũng đặt câu hỏi tại sao chính quyền không có biện pháp mạnh hơn, khi ông này đã nhiều lần cố ý xây nhà trái phép để bán thu lợi với số lượng vài chục căn nhà. 

Đặc biệt, vi phạm lại xảy ra ở một địa bàn khá nhạy cảm về trật tự xây dựng như P.Hiệp Bình Chánh. Rồi còn hành vi cản trở lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm khi khóa cổng rào, không có mặt khi cơ quan chức năng yêu cầu mở cổng rào...

Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hạn để cá nhân, tổ chức được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính là 1 năm đối với các quyết định xử phạt khác (trừ xử phạt cảnh cáo). 

Hành vi xây dựng sai giấy phép của ông Tài bị xử phạt vào tháng 4-2017, nếu ông Tài đã chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính thì đến nay (tháng 2-2020) là hơn 1 năm. 

Chiếu theo quy định trên thì ông Tài được xem là người "chưa bị xử phạt hành chính" về hành vi trên, nếu ông này đã đóng tiền phạt và cơ quan chức năng đã cưỡng chế tháo dỡ xong những công trình vi phạm. 

Trong tình huống này, nếu ông này có hành vi xây dựng sai phép thì chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự. 

Ngược lại, nếu cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng sai phép chưa xong, hoặc ông Tài chưa nộp phạt, hoặc đã nộp phạt và đã cưỡng chế xong nhưng từ thời điểm nộp phạt, cưỡng chế xong đến nay chưa đủ một năm thì nay ông Tài tiếp tục vi phạm, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 343 Bộ luật hình sự.

Luật sư Nông cũng cho rằng vào tháng 6-2019, ông Tài cũng bị xử lý hành chính về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Mặc dù đây là lần thứ 2 ông này bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng hành vi vi phạm lần này khác với hành vi vi phạm lần trước nên cũng không thể xử lý hình sự người vi phạm. 

Đến thời điểm này, ông Tài vẫn bị xem là người đang bị xử phạt hành chính đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu ông này tiếp tục bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có hành vi sử dụng đất sai mục đích thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 228 Bộ luật hình sự, tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Vũ Quang Đức cũng cho rằng nếu ông Tài tiếp tục bị xác định có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì có dấu hiệu phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Còn như ông này tiếp tục bị phát hiện xây dựng sai phép thì sẽ bị xử lý tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

Một chuyên gia về xử lý hành chính trong lĩnh vực xây dựng cho biết với hành vi xây dựng hàng loạt công trình trên đất nông nghiệp thì người vi phạm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Lúc đó, mức phạt có thể là mức cao nhất trong khung xử lý.

Luật sư Vũ Quang Đức:

Người thực thi công vụ thiếu trách nhiệm!

Theo tôi, việc ông Tài xây dựng trên đất nông nghiệp nhiều căn nhà như vậy phải kéo dài trong nhiều tháng. Quy mô xây dựng lớn chứng tỏ ông Tài đưa vật liệu xây dựng vào nhiều lần, số lượng lớn chứ không chỉ một vài xe nhỏ.

Khó có thể chấp nhận việc các lực lượng của phường, thậm chí của quận, biết việc xây dựng trái phép xảy ra kéo dài trong hai năm trời mà không thể xử lý vì chủ đất chống đối.

Đường vào duy nhất là đi qua cổng khu đất có chốt gác của phường mà không phát hiện việc xây dựng. Phải xử lý trách nhiệm của những người chốt chặn và người tổ chức lực lượng chốt chặn khi để ông Tài xây dựng trái phép.

Còn nếu như nói ông Tài tổ chức đưa người và phương tiện qua đường rạch vào khu đất mà UBND phường không biết đường nào thì trách nhiệm nắm và quản lý địa bàn của cán bộ phường quá yếu. Theo tôi, phải xem xét trách nhiệm quản lý địa bàn của cán bộ và lãnh đạo phường. Ở đây có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của những người thực thi công vụ.

Vụ nhà trái phép ở Phường Hiệp Bình Chánh: Chốt chặn 2 năm nhưng 38 căn nhà vẫn mọc lên Vụ nhà trái phép ở Phường Hiệp Bình Chánh: Chốt chặn 2 năm nhưng 38 căn nhà vẫn mọc lên

TTO - UBND phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết do quy định của pháp luật không cho phép nên cơ quan chức năng không thể cắt khóa cổng nhà dân để vô bên trong lập biên bản xử lý vi phạm xây dựng.

KHÁNH YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp