Liên quan vụ hai bé gái bị dẫn dụ để quay clip khiêu dâm, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) để điều tra về hai tội: sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm và chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Vi có quen biết với một đối tượng ở nước ngoài, được người này cho tiền và yêu cầu tìm bé gái từ 6 - 12 tuổi để quay clip khiêu dâm.
Việc làm khó tin của cô gái trẻ
Tối 3-4, Vi đi xe máy đến quận 1 (TP.HCM), gửi xe ở đường Đồng Khởi rồi đi bộ đến trước số nhà 161 thì gặp cháu M. (7 tuổi) và em là cháu L. (3 tuổi), đang ngồi ở vỉa hè nên lân la làm quen rồi dụ đưa đi ăn kem. Vi chụp ảnh hai bé gửi cho đối tượng ở nước ngoài xem thì người này đồng ý.
Sau đó, Vi dẫn dụ hai bé về căn hộ ở chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh). Trong căn hộ cao cấp, Vi đã làm vấy bẩn sự vô tư, trong sáng của hai đứa trẻ, biến chúng thành công cụ kiếm tiền bằng cách quay video clip khiêu dâm gửi cho đối tượng ở nước ngoài.
Bất ngờ, bức xúc, đau đớn... đó là những gì chị Nguyễn Thị Chi (mẹ của hai bị hại) diễn tả cảm xúc của mình khi xem một số tài liệu chứng cứ về những gì mà hai con gái nhỏ đã phải trải qua trong năm ngày bị Vi khống chế.
"Ban đầu được nhận lại con từ tay các anh công an, tôi mừng vui lắm, chỉ nghĩ con được giải cứu là may mắn lắm rồi.
Lúc đó chưa biết mục đích của Vi là gì nên tôi cũng không bận tâm nhiều, chủ yếu là con về với mình mạnh khỏe. Cho đến khi trở lên làm việc với công an tôi mới rụng rời khi biết sự thật, tại sao cô gái đó còn trẻ mà ác với con tôi như vậy, nó có biết gì đâu", chị Chi bức xúc kể.
Hành vi phạm tội khá mới
Đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của chị Chi, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, đã nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai bé miễn phí.
Bà Nữ lên án mạnh mẽ hành động lệch lạc của Vi: "Thực sự rất bức xúc khi biết được động cơ thật sự của cô Vi. Tôi hoạt động bảo vệ trẻ em hơn 10 năm mới gặp trường hợp như thế này.
Những trường hợp trước đây tôi tiếp xúc thì chỉ là dụ dỗ hoặc ép buộc trẻ quay clip khiêu dâm nhưng họ giữ trong điện thoại để xem, để tự thỏa mãn mình, còn đây là trường hợp đầu tiên quay clip để kiếm tiền", luật sư Nữ nói.
Luật sư đánh giá hệ lụy từ hành động của Vi sẽ vô cùng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường mà còn tác động tiêu cực đến cả cuộc đời về sau của hai bé nếu như những hình ảnh, clip trên không may bị phát tán trên mạng.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng cho hay sẽ có báo cáo hội bảo vệ trẻ em và các cơ quan hữu quan để lồng ghép nội dung dựa trên tình huống thực tế trên vào chương trình tuyên truyền bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.
Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, trưởng bộ môn tội phạm học, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM, cho biết hai tội danh mà Phạm Huỳnh Nhật Vi bị khởi tố để điều tra như trên không phải là lạ. Tuy nhiên, cùng một lúc mà chiếm đoạt người dưới 16 tuổi để sử dụng vào mục đích khiêu dâm thì gần như mới xuất hiện ở nước ta.
Đánh giá về hành vi phạm tội của Vi, bà Khánh cho rằng Vi còn rất trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều. Lứa tuổi của Vi thường đua đòi vật chất trong khi năng lực kiếm tiền có giới hạn nên sẽ dễ bị dụ dỗ trở thành công cụ cho những đối tượng khai thác phim khiêu dâm trẻ em.
Theo tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, hành vi thích ngắm trẻ em khỏa thân hoặc nhìn hình ảnh khiêu dâm trẻ em để tự thỏa mãn tình dục là một dạng bệnh có thật từ trước.
Nếu như ngày trước mạng xã hội chưa phát triển thì những người này dùng cách thức trực tiếp để "sưu tầm" hình ảnh, nhưng cách thức này dễ bị phát hiện, xử lý. Bây giờ với sự phát triển của mạng xã hội thì những người "mắc bệnh" sẽ khó bị phát hiện hơn vì chỉ cần bỏ tiền ra mua video clip khiêu dâm trẻ em được bán tràn lan trên mạng.
Bà Khánh đánh giá sự phát triển của Internet, mạng xã hội đã tạo điều kiện cho loại tội phạm được thực hiện một cách dễ dàng hơn, tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân trực tiếp mà nguyên nhân trực tiếp chính là nhu cầu của những người "biến thái" với trẻ em.
Hãy để trẻ trong tầm mắt quản lý của người thân
Cũng theo bà Khánh, ở nhiều nước phát triển trên thế giới đã xem tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là loại tội phạm rất nguy hiểm.
"Ví dụ về nghiệp vụ điều tra chẳng hạn, cảnh sát có quyền sử dụng biện pháp gài bẫy đối với những đối tượng có nghi vấn vì họ cho rằng cần phải kịp thời ngăn chặn, bắt giữ những đối tượng này trước khi gây hại cho cộng đồng.
Cho đến khi đã chấp hành hình phạt xong thì những người này vẫn bị giám sát bằng phần mềm đặc biệt bởi họ cho rằng đây là những đối tượng có nguy cơ tái phạm rất cao vì thói quen tình dục", bà Khánh nói.
"Với tư cách của người nghiên cứu về tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em thì tôi cho rằng một trong những cách thức để phòng ngừa đó là tăng cường sự cảnh giác của nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Bây giờ tình hình tội phạm rất phức tạp, rất khó để đoán được động cơ, suy nghĩ của họ. Nên cách tốt nhất vẫn là để trẻ trong tầm mắt quản lý của người thân bất cứ nơi nào.
Trong trường hợp bất khả kháng, không trực tiếp quản lý được con thì muốn gửi con phải lựa những người thật sự tin tưởng.
Ví dụ trở lại trường hợp như vụ án, phố đi bộ Nguyễn Huệ có rất nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, người mẹ có thể nhờ anh chị thanh niên xung phong để mắt giùm chẳng hạn", bà Khánh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận