24/09/2024 17:32 GMT+7

Vụ 100 du khách trốn lại Hàn Quốc: Sau 2 năm vẫn chưa thể xử lý dứt điểm

Vụ 100 người Việt mất liên lạc ở Hàn Quốc xảy ra vào tháng 10-2022, tuy nhiên vướng mắc khi áp dụng Luật Du lịch và nghị định 45 nên việc xử lý các doanh nghiệp có liên quan vẫn chưa dứt điểm.

Sau 2 năm, vẫn chưa thể xử lý dứt điểm vụ 100 du khách trốn lại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Yangyang - Ảnh chụp màn hình Korea.net

Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục có báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một số vướng mắc khi áp dụng Luật Du lịch và nghị định 45 của Chính phủ để xử lý các doanh nghiệp trong vụ việc 100 người Việt Nam bị mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc.

Đây là vụ việc diễn ra vào tháng 10-2022, nhưng đến nay vì còn các vướng mắc, lúng túng trong các quy định nên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Thanh tra sở đã xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính trình UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 doanh nghiệp liên quan về hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật". Mức xử phạt từ 80 triệu đến 90 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 tháng đến 18 tháng.

Tuy nhiên đến ngày 9-12-2022, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel có văn bản gửi UBND TP.HCM và Sở Du lịch kiến nghị về hình thức xử phạt này. 

Công ty cho rằng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quản lý khách theo chương trình du lịch đã thỏa thuận tại Luật Du lịch. Vụ việc du khách trốn lại Hàn Quốc là bất khả kháng, nằm ngoài kiểm soát của công ty. Việc công ty bị tước giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của toàn thể người lao động.

Tại buổi làm việc ngày 5-4-2024 của chủ tịch UBND TP.HCM với bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch cũng đã báo cáo về những vướng mắc trong việc áp dụng Luật Du lịch và nghị định 45 để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch khi pháp luật quy định chưa cụ thể và rõ ràng. Trong đó có hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật".

Sau đó, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức tọa đàm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Luật Du lịch và nghị định 45. Tại đây, các đơn vị tham dự đã thống nhất kiến nghị điều chỉnh câu, chữ quy định tại điểm c khoản 13 điều 7 nghị định 45 về hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật".

Tuy nhiên, Sở Du lịch TP.HCM nhận thấy còn vướng mắc, lúng túng trong việc xác định hành vi có lỗi, nhất là khi doanh nghiệp đã giải trình thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách.

Cũng theo Sở Du lịch, hiện nay không chỉ riêng 4 công ty trên, mà các đơn vị lữ hành quốc tế cũng đang rất quan tâm và lo lắng khi khách cố tình bỏ trốn khi du lịch. Đây là sự việc khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp, là sự cố bất khả kháng và rủi ro trong kinh doanh.

Do đó, Sở Du lịch kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Tư pháp có hướng dẫn bằng văn bản cụ thể nghĩa vụ của doanh nghiệp trong quản lý khách du lịch theo quy định khoản 3 điều 37 Luật Du lịch 2017.

Đồng thời điều chỉnh nội dung quy định về hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật" tại điểm c khoản 13 điều 7 nghị định 45.

Diễn đạt của quy định chưa rõ?

Về vụ việc này, Sở Tư pháp TP.HCM cũng có ý kiến cho rằng với hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật", cách diễn đạt tại điểm c khoản 13 điều 7 nghị định số 45 không làm rõ hành vi này có yêu cầu phải xác định là hành vi phải có lỗi cố ý, có sự cấu kết, tạo điều kiện từ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hay không.

Tuy nhiên, khoản 1 điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 giải thích: "Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính".

4 doanh nghiệp tại TP.HCM có liên quan

Khoảng tháng 10-2022, báo chí phản ánh vụ việc 100 người Việt mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch. Qua xác minh, Thanh tra Sở Du lịch xác định 32 khách tại TP.HCM đăng ký đi du lịch Hàn Quốc mất liên lạc gồm: Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Top Ten với 23 khách, Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel với 3 khách, Công ty cổ phần Du lịch Top Asian với 3 khách và Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn với 3 khách.

Sau 2 năm, vẫn chưa thể xử lý dứt điểm vụ 100 du khách trốn lại Hàn Quốc - Ảnh 2.100 du khách trốn lại Hàn Quốc: TP.HCM hỏi ý kiến xử phạt 4 công ty lữ hành

UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỏi về việc xử phạt 4 công ty lữ hành trên địa bàn TP.HCM có 32 người (trong số 100 khách) trốn ở lại Hàn Quốc hồi tháng 10-2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp