Nói vậy bởi nhiều võ sĩ của các nước đã thắng các võ sĩ Việt Nam ở các nội dung biểu diễn để giành HCV.
"Điều đáng mừng nhất là chất lượng chuyên môn các nội dung thi quyền và số lượng quốc gia tham gia thi đấu các nội dung quyền tăng lên đáng kể. Điều này do quyền chính là hồn, là bản sắc của vovinam", ông Nguyễn Bình Định - phó tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới, con trai của cố võ sư chánh chưởng quản môn phái Nguyễn Văn Chiếu - chia sẻ.
Rút ngắn khoảng cách
Algeria là minh chứng cho sự phát triển mạnh của vovinam.
Ở Giải vô địch thế giới lần 7-2023, vovinam Algeria đã giành 9 HCV. Trong số 8 HCV biểu diễn đoạt được có đến 3 HCV Algeria vượt qua cả Việt Nam. Đôi Teboudi Ilham - Lounas Salim giành HCV tự vệ nữ với 270 điểm, hơn 2 điểm so với đôi Nguyễn Hoàng Du - Lý Thị Kim Ngân.
Tương tự, đôi Khichane Mohammed - Timtaoucine Adil giành HCV song luyện kiếm nam với 273 điểm, hơn 3 điểm so với đôi Trần Ngọc Khiết Thuần - Nguyễn Văn Tiến.
Nội dung đa luyện vũ khí nam vốn là thế mạnh của Việt Nam, Algeria cũng đoạt HCV khi hơn Việt Nam đến 6 điểm. Algeria còn mất "vàng" trong tiếc nuối ở nội dung đa luyện vũ khí nữ, dù bằng 270 điểm với Việt Nam nhưng nhận HCB khi so chỉ số phụ.
Không chỉ Algeria, nhiều võ sĩ ở các nước khác cũng đánh bại các võ sĩ chủ nhà để giành HCV. Cụ thể, bốn cô gái Ý Mazza Francesca - Di Nardi Iris - Minniti Chiara - Ibba Francesca giành HCV nội dung đồng đội kiếm nữ với 270 điểm, hơn 3 điểm so với Mai Thị Kim Thùy - Lâm Thị Lời - Nguyễn Thị Hoài Nương - Huỳnh Thị Diệu Thảo của Việt Nam.
Đáng chú ý đây là nội dung thế mạnh của Việt Nam và Mai Thị Kim Thùy vừa giành HCV tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp.
Được dìu dắt bởi các HLV giỏi của Việt Nam thời gian qua, vovinam Campuchia cũng tiến bộ không ngừng.
Giành 6 HCV ở giải thế giới lần 7 là một bước lùi về số lượng huy chương nếu so với 9 HCV ở giải thế giới lần 6 trên sân nhà 2019. Nhưng chuyên môn của các võ sĩ Campuchia đã nâng lên rất nhiều. Chhor Raksmy giành HCV thái cực đơn đao pháp nữ với 270 điểm, vượt xa Hằng Thị Diễm My (Việt Nam) 5 điểm.
Ở nội dung đồng đội kiếm nam, Campuchia cũng đánh bại Việt Nam để giành HCV với 4 điểm nhiều hơn.
Chuẩn bị cho SEA Games 33
Nuôi dưỡng giấc mơ tiến ra đấu trường Asiad hay Olympic nhưng những người làm vovinam đều hiểu phải cố gắng duy trì tính liên tục tại SEA Games . Vì nếu không, võ Việt sẽ lại vắng mặt như những kỳ SEA Games trước đây.
Đáng mừng là các nước Đông Nam Á đã đầu tư rất mạnh cho vovinam trong thời gian qua. Ở Giải thế giới lần 7 này, các võ sĩ vovinam của sáu nước Đông Nam Á (không tính Việt Nam) đã gặt hái được nhiều huy chương.
Trong số đó, vovinam Campuchia như đã nói ở trên đã tiến bộ rất nhiều. Nhưng chủ nhà SEA Games 33 - vovinam Thái Lan - cũng không chịu kém khi lần đầu tiên giành đến 2 HCV ở Giải thế giới lần 7.
Điều đáng nói HCV của Thái Lan đều ở nội dung biểu diễn thay vì thế mạnh đối kháng như từng giành HCV ở Giải thế giới lần 6.
Wongthanahet Phupakorn đưa Thái Lan giành HCV nội dung tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp với 268 điểm, hơn 2 điểm so với đối thủ mạnh Algeria. Ở nội dung đồng đội kỹ thuật căn bản nam, Thái Lan thắng Campuchia để giành HCV với 5 điểm nhiều hơn.
Myanmar cũng lần đầu tiên giành 2 HCV thế giới. Trong đó Aung Hein Htet, Linn Aung Khang thắng các võ sĩ Việt Nam ở nội dung song luyện mã tấu nam. Philippines giành 1 HCV đối kháng. Dù phong trào mới phát triển chưa lâu, việc vovinam Indonesia giành 1 HCB và 5 HCĐ thế giới cũng là một sự tiến bộ đáng ghi nhận.
Tương tự, với 10 HCĐ đạt được cũng là sự khích lệ để vovinam Lào phát triển phong trào hơn nữa.
Những tín hiệu này cho thấy SEA Games 33 sắp tới dự báo cuộc chiến giành HCV sẽ không hề dễ dàng với vovinam Việt Nam.
Vovinam Việt Nam đột phá ở nội dung đối kháng
Qua sáu giải thế giới, vovinam Việt Nam chưa bao giờ giành HCV đối kháng nhiều hơn biểu diễn. Nhưng ở Giải thế giới lần 7, mọi thứ ngược lại khi Việt Nam giành 8 HCV biểu diễn và 10 HCV đối kháng.
Trong đó có HCV hạng cân 92kg của Nguyễn Hữu Toàn sau khi vượt qua Teleman (Rumania) và Nosov Stanislav (Nga). Đây là hạng cân mà các võ sĩ Việt Nam thường chịu những thất bại nặng nề.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Bình Định nói: "Đầu tiên do một số VĐV có nhiều khả năng đạt HCV của các nước mạnh về đối kháng như Iran, Nga, Algeria vào giờ chót không dự giải do thủ tục cấp visa điện tử không kịp chuyến bay.
Kế đến, các võ sĩ đoạt 4 HCV đối kháng ở SEA Games 32 của Thái Lan đều không có mặt vì lý do tuyển chọn nội bộ của Liên đoàn Vovinam Thái Lan. Trong khi đó, hai VĐV xuất sắc nhất của Campuchia trong hai kỳ SEA Games 31 và 32 bận thi đấu muay ở nước ngoài".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận