Trung tâm dữ liệu được Microsoft nhấn chìm xuống biển năm 2018 chứa gần 860 máy chủ đang hoạt động tốt - Ảnh: MICROSOFT
Project Natick, dự án nhấn chìm trung tâm dữ liệu xuống đáy biển, được Microsoft thực hiện ngoài khơi quần đảo Orkney (Anh) một phần vì đây là nơi tập trung các nghiên cứu năng lượng tái tạo, phần khác vì khí hậu tương đối lạnh.
Họ đặt các máy chủ (server) vào trong một thùng container hình trụ và niêm phong trước khi nhấn chìm xuống đáy biển. Sau hai năm, các kỹ sư của Microsoft trục vớt trung tâm dữ liệu lúc này đã bị rong rêu và hàu bám đầy bên ngoài.
Sau khi làm sạch và mở ra, Microsoft đã bất ngờ với những gì tìm thấy bên trong: các máy chủ trong trung tâm bị nhấn chìm này vẫn hoạt động bình thường và ít bị hỏng hóc hơn máy chủ đặt trên đất liền.
Ông Ben Cutler, trưởng dự án Natick, cho biết chỉ có 8 trong tổng số 855 máy chủ bị lỗi, bằng 1/8 so với trên mặt đất.
“Chúng tôi nghĩ có thể là do khí nitơ được bơm vào trong đã làm giảm sự ăn mòn cộng với nhiệt độ mát mẻ của nước biển xung quanh. Quan trọng không kém là không có bàn tay của con người", ông Cutler suy đoán.
Hiện các nhà nghiên cứu của Microsoft đang phân tích các máy chủ đặt bên trong. Trung tâm dữ liệu dài 12m này có thể lưu trữ khoảng 5 triệu bộ phim.
Bên trong trung tâm dữ liệu đặc biệt - Ảnh: MICROSOFT
Khi lưu trữ đám mây trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại, nhiều người lo ngại môi trường sẽ bị tác động nghiêm trọng. Các trung tâm dữ liệu luôn ngốn một nguồn năng lượng khổng lồ cho việc vận hành và nước sạch để làm mát máy chủ.
Năm 2019, Google bị chỉ trích sau khi có thông tin gã khổng lồ công nghệ của Mỹ sử dụng tới 2 tỉ lít nước sạch có thể uống cho việc làm mát một trung tâm dữ liệu tại bang Nam Carolina (Mỹ).
Khi vạch ra dự án Natick, các kỹ sư Microsoft giả định rằng nhiệt độ mát mẻ của đáy biển có thể làm mát được các máy chủ bên trong, từ đó tiết kiệm nước sạch. Nguồn điện của trung tâm dữ liệu bị nhấn chìm đến từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Một tiện ích khác là các trung tâm dữ liệu này có thể di chuyển tới bất kỳ đâu trong thời gian ngắn thay vì cố định như các trung tâm dữ liệu truyền thống. Theo Đài BBC ngày 15-9, hiện Microsoft vẫn thận trọng khi được hỏi về tính thương mại của các trung tâm dữ liệu cỡ nhỏ dưới đáy biển.
"Tôi nghĩ chúng tôi đã làm xong các thử nghiệm khoa học rồi. Bây giờ câu hỏi tiếp theo là chúng tôi nên thiết kế như thế nào cho tiện nhất", ông Cutler chia sẻ.
Trong suốt 2 năm chìm ở độ sâu 35m, các máy chủ trong trung tâm này vẫn hoạt động tốt và ít bị hỏng hóc - Ảnh: MICROSOFT
Mặc dù dự án vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, ông David Ross, người từng là cố vấn thiết kế các trung tâm dữ liệu, tin rằng dự án có tiềm năng rất lớn và hoàn toàn không phải là một ý tưởng điên rồ.
"Nó linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Bạn có thể di chuyển các dữ liệu khổng lồ quan trọng đến nơi an toàn mà không cần phải tốn quá nhiều công sức hay tiền bạc để xây dựng cả một tòa nhà như trung tâm dữ liệu truyền thống", ông Ross lập luận. Một yếu tố khác, theo ông Ross, là các trung tâm dữ liệu dưới đáy biển khó trở thành mục tiêu bị tấn công khủng bố hơn các trung tâm cố định.
Trung tâm dữ liệu lúc mới được vớt lên - Ảnh: MICROSOFT
Trung tâm dữ liệu ở Orkney có kích thước nhỏ hơn các trung tâm dữ liệu thông thường - Ảnh: MICROSOFT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận