27/04/2023 06:03 GMT+7

Vòng xoáy bạo lực học đường - Kỳ cuối: Cần giải pháp cho các... giải pháp

Nhiều giải pháp đã được đề ra và thực thi nhưng bạo lực học đường dường như vẫn là bệnh chưa có thuốc chữa, là nỗi sợ của nhiều học sinh, phụ huynh và nhà trường.

Giáo viên đang chia sẻ với học sinh tại phòng tư vấn tâm lý Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Giáo viên đang chia sẻ với học sinh tại phòng tư vấn tâm lý Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS HUỲNH VĂN SƠN - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng bạo lực học đường đã tồn tại khá lâu trong xã hội Việt Nam và ngày càng biến hóa theo sự tăng trưởng của xã hội với nhiều hình thức tinh vi hơn, nhưng khoan vội kết luận là "nở rộ". 

Ngay cả ở các xã hội phát triển, giáo dục phát triển, vẫn còn tồn tại bạo lực học đường cũng như bạo lực xã hội.

Mỗi người cần tiếp cận bạo lực học đường để điều chỉnh, giảm thiểu, phòng ngừa từ góc nhìn, hành vi và thái độ của bản thân thay vì cứ buộc phải thế này thế khác trong khi chính mỗi người đổi thay là điều gần nhất. Xin nhấn mạnh, hãy quan tâm đến bắt nạt ngay từ sớm thay vì đợi đến khi bạo lực mới can thiệp, xử lý

GS.TS HUỲNH VĂN SƠN

Xây dựng trường học hạnh phúc

* Theo ông, đâu là nguyên nhân thật sự bạo lực học đường?

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Đây là hiện tượng tâm lý - xã hội có sự khác biệt giữa các cá nhân với nhau. Với trường hợp này mất kiểm soát về cảm xúc là nguyên nhân chính, nhưng với trường hợp khác lại xuất phát từ việc bị "ám ảnh" bởi hành vi bạo lực sẵn có trong gia đình, rồi cá nhân đó có xu hướng thực hiện hành vi này lên người khác. 

Đau lòng nhất vẫn là các tác động hiển hiện về bạo lực diễn ra trước mắt, trong tầm mắt của học sinh khó có thể kiểm soát ở gia đình, khu phố.

* Có ý kiến cho rằng bạo lực học đường là không "né" được, cần đối diện và giải quyết nó. Vấn đề này cần được giải quyết ra sao, thưa ông?

- Trước tiên, xin nói cả người bạo lực hay bị bạo lực đều đáng thương, vì thế chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng đồng hành, hỗ trợ và lắng nghe học sinh dành cho giáo viên cũng như phụ huynh. 

Việc đối diện như thế nào sẽ tùy trường hợp, nhưng điều cốt lõi phải thực hiện được chính là nâng cao được nhận thức của phụ huynh, giáo viên và cả học sinh về vấn nạn bạo lực học đường và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn phù hợp.

Đối diện với bạo lực học đường, phải tùy trường hợp mà đưa ra cách ứng xử linh hoạt. Cần nhấn mạnh là nếu làm cho trường học hạnh phúc hơn, làm cho học sinh biết bao dung, cảm thông hơn và nhất là mỗi chúng ta kiểm soát dần vấn đề nội tại của mình thì có lẽ học sinh cảm thấy cân bằng hơn và dần tránh đi những biểu hiện hành vi bạo lực trong cuộc sống.

Quan trọng nhất khi đối diện bạo lực học đường là phải tiếp cận phòng ngừa, đánh giá và dự báo biểu hiện để có những tác động kiểm soát, giảm thiểu. 

Như vậy bên cạnh sự nhạy cảm, sự mẫn tuệ thì phải dành thời gian, tâm trí đủ đầy, phải sát cánh, thông hiểu và dõi theo có kỹ thuật qua hoạt động dạy học và giáo dục từng cá nhân, nhóm thì mới có thể thực hiện việc này hiệu quả.

Tuyệt đối không im lặng!

* Nhiều giải pháp được nêu ra nhưng tình hình bạo lực học đường vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, phụ huynh. Có giải pháp nào để thực thi các... giải pháp?

- Trước nhất, phải tiếp tục nâng cao nhận thức về bạo lực học đường và tổn thương tâm lý do bị bạo lực học đường, cách nhận biết và ứng phó bạo lực học đường, tư vấn tâm lý cho học sinh bị bạo lực học đường, từ đó học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý nhân viên trường học, phụ huynh, người làm công tác  hiểu đúng và biết cách ứng phó phù hợp.

Thứ đến, dưới góc độ nạn nhân, những ai đã và đang bị bạo lực học đường hãy nói ra, hãy chia sẻ về sự việc đó với người bạn tin tưởng, hoặc chí ít bạn phải biết cách "cầu cứu", tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn hoặc các lực lượng xã hội (như công an). Tuyệt đối không im lặng!

Tiếp đó là phải chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai một mô hình phòng ngừa bạo lực học đường đáp ứng yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong bối cảnh hiện nay đã bước đầu tỏ ra hiệu quả ở một số địa phương với sự vào cuộc mang tính hệ thống và thực thi. 

Không chấp nhận kiểu hình thức hay rập khuôn mà phải là tiếp cận hành động cho cơ sở giáo dục với đối tượng cụ thể song song với mô tả chi tiết cho phòng ngừa, tham vấn, can thiệp theo kết quả. Đây là giải pháp đột phá với sự chỉ đạo mang tính chiến lược nhưng phải cụ thể và khả thi.

Về mặt thực thi, cần triển khai ngay công tác tư vấn tâm lý học đường trọng điểm: sàng lọc những đối tượng học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, phòng ngừa bằng giáo dục kỹ năng và chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, và can thiệp tâm lý chuyên sâu dành cho nhóm đối tượng bị tổn thương tâm lý do bị bạo lực học đường để hỗ trợ các em một cách tốt nhất.

Lập các trung tâm tư vấn dành riêng cho học sinh

Một cảnh trong phim “Vinh quang trong thù hận” (The Glory) phát sóng trên Netflix, bóc trần sự thật trần trụi về nạn bạo lực học đường ở Hàn Quốc - Ảnh: THE KOREA HERALD

Một cảnh trong phim “Vinh quang trong thù hận” (The Glory) phát sóng trên Netflix, bóc trần sự thật trần trụi về nạn bạo lực học đường ở Hàn Quốc - Ảnh: THE KOREA HERALD

Khi học kỳ mùa xuân bắt đầu vào tháng 3-2023, các chuyên gia tư vấn tại Trung tâm phúc lợi và tư vấn thanh niên Changwon thuộc tỉnh Gyeongsang Nam (Hàn Quốc) lại bắt đầu bận rộn đón những học sinh đang mang theo những "gánh nặng" tinh thần.

Các em đều sợ đến trường và phần lớn là do đang bị bạn bè bắt nạt. Tại trung tâm, các em sẽ trải qua những phần kiểm tra tâm lý, được tư vấn và hướng dẫn một lộ trình vượt qua những chuyện không hay trong trường.

Trung tâm này thuộc chính quyền địa phương, cung cấp những chương trình trợ giúp tâm lý miễn phí cho trẻ em và thanh thiếu niên tuổi từ 9 đến 24. Hầu hết các em đến trung tâm theo sự giới thiệu của nhà trường và cha mẹ, một vài em tự tìm tới.

Như ở nhiều quốc gia khác, giáo dục Hàn Quốc cũng đang chịu những "vết sẹo" để lại từ vấn nạn bạo lực học đường. Đặc biệt, đại dịch là chất xúc tác khiến số trường hợp học sinh gặp vấn đề tâm lý liên tục gia tăng.

Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc ngoài dành nhiều sự quan đến công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường còn đưa ra thêm một giải pháp khác, trong đó có phát triển những trung tâm tư vấn cộng đồng, ưu tiên đặt tại những địa phương thường diễn ra tình trạng bạo lực ở trẻ em.

Trung tâm phúc lợi và tư vấn thanh niên Changwon là một trong 240 trung tâm tư vấn công lập như thế. Trung tâm này hiện có 10 chuyên gia tư vấn cho khoảng 264 học sinh trên địa bàn đang là nạn nhân của bạo lực học đường hoặc bạo lực gia đình.

Ngoài được tư vấn, học sinh có thể gọi đến đường dây nóng của trung tâm bất cứ lúc nào để tố cáo những vụ bạo lực học đường mà các em đang gặp phải hoặc nhìn thấy.

TRỌNG NHÂN

Phụ huynh cũng cần được tư vấn

Phòng tư vấn tâm lý học đường không chỉ là nơi giúp học sinh chữa lành tâm lý và chia sẻ kinh nghiệm mà còn là nơi hỗ trợ các phụ huynh trong việc hiểu và giải quyết các vấn đề tâm lý của con cái. Do vậy, các trường học và trung tâm tư vấn tâm lý nên mở cửa cho các phụ huynh tham gia và trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng.

Các buổi tham vấn dành cho phụ huynh có thể bao gồm các chương trình tư vấn, hội thảo và các buổi đào tạo kỹ năng giáo dục con cái.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi gặp gỡ giữa phụ huynh, giáo viên và chuyên gia tâm lý sẽ giúp tăng cường sự hợp tác và giao lưu giữa các bên trong quá trình giáo dục và phát triển tâm lý của các em học sinh.

Điều này sẽ giúp các phụ huynh gần gũi hơn với con em mình, từ đó có thể nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề tâm lý của con cái, đồng thời tăng cường sự hợp tác và hỗ trợ giữa phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia tâm lý trong việc đảm bảo sự phát triển toàn diện của các em học sinh.

TS Nguyễn Thành Tô (điều phối viên chương trình "Chạm tới yêu thương" chống bạo lực học đường)

Vòng xoáy bạo lực học đường - Kỳ 3: Tư vấn tâm lý học đường: chuyện 3 "không"Vòng xoáy bạo lực học đường - Kỳ 3: Tư vấn tâm lý học đường: chuyện 3 'không'

Không có phòng tư vấn tâm lý học đường, không có người chuyên trách, không có kinh phí - đó là câu chuyện ba "không" khi nói về tư vấn tâm lý trong nhà trường, một thiết chế mà mỗi khi bạo lực học đường xảy ra ai cũng đều nghĩ tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp