09/03/2013 09:22 GMT+7

"Vòng tròn bất tử" trên bãi Gạc Ma

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - ... Gạc Ma, sáng 14-3-1988. Một vòng tròn bất tử. Những loạt đạn chát chúa. Những lưỡi lê sắc lạnh. Nhiều chiến sĩ VN ngã xuống. Nhưng người khác vẫn ào lên giữ vững ngọn cờ.

Kỳ 1:

Bãi san hô dậy sóng... 25 năm đã trôi qua, nhưng người chiến sĩ hải quân Nguyễn Văn Lanh anh hùng năm xưa vẫn không thể nào quên được buổi sáng đặc biệt này - buổi sáng mà anh và đồng đội đã quyết tử lao vào cuộc chiến không cân sức để thực thi chiến dịch CQ 88, chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển đảo VN.

v7zalq3m.jpgPhóng to

Ảnh chụp con tàu HQ-604 ngày 10-3-1988. Bốn ngày sau, tàu bị bắn chìm tại vùng biển Gạc Ma - Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125

qo75eTdP.jpgPhóng to
Vùng biển Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao và vị trí các tàu hải quân VN, trước khi xảy ra cuộc tấn công xâm chiếm Gạc Ma của quân TQ

Nhiệm vụ trong đêm

Những ngày trước sáng 14-3-1988, các tàu HQ-505, HQ- 604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và công binh E83 được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trước sự lăm le chiếm đóng bất hợp pháp của hải quân Trung Quốc (TQ). Người chiến sĩ hải quân trẻ Nguyễn Văn Lanh lúc ấy có mặt trên chiếc tàu HQ-604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng cùng với lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông.

Rưng rưng xem lại những đoạn phim, những kỷ vật đẫm máu đồng đội, anh Nguyễn Văn Lanh nhớ lại: chiều tối 13 thì tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma (còn tàu HQ-505 có mặt ở Cô Lin, tàu HQ-605 thẳng tiến Len Đao). Khi tàu HQ-604 thả neo, nhiều chiến sĩ công binh trẻ măng vẫn còn say sóng, chưa kịp ăn thứ gì thì lữ đoàn phó Trần Đức Thông và thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã kêu gọi anh em bắt tay khẩn cấp vào nhiệm vụ giữ đảo.

Đêm 13-3, gió mùa đông bắc thổi mạnh, mây mù che kín bầu trời làm mặt biển tối đen như mực. Anh Lanh cùng các đồng đội hạ xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo chìm Gạc Ma. Còn việc bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng, khẳng định chủ quyền VN do tổ của thiếu úy Trần Văn Phương đảm nhiệm. Họ phải dùng xà beng đục xuống rạn san hô Gạc Ma để cắm vững thân cờ Tổ quốc. Trên đảo Cô Lin cách đó không xa, cờ chủ quyền cũng phần phật tung bay ở cả hai đầu đảo. Trung tá Trần Đức Thông yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cứ tập trung nhiệm vụ, mặc kệ tàu chiến TQ đang lảng vảng quanh đó.

Rạng sáng hôm sau, tức ngày 14-3-1988, khi mọi người chưa kịp dùng bữa sáng thì các tàu chiến TQ áp sát. Đó là các biên đội tàu chiến thật sự với hỏa lực mạnh, trong khi các tàu VN chỉ là loại hải vận để chở binh sĩ, vật liệu xây dựng, lương thực tiếp tế cho các đảo chứ không phải tàu chiến. Đặc biệt, đa số chiến sĩ trên tàu VN là công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo chứ không phải lính chiến đấu. Trước tình hình không cân sức này, các thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ, Lê Lệnh Sơn và lữ đoàn phó Trần Đức Thông truyền đạt mệnh lệnh: kiên cường giữ vững nhiệm vụ, tất cả sẵn sàng chiến đấu để giữ vững chủ quyền.

Tình hình càng lúc càng diễn biến căng thẳng hơn. Tại bãi Gạc Ma, thủy triều buổi sáng đã dâng cao hơn, nhưng nhóm bảo vệ ngọn cờ chủ quyền của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên cường trụ vững trên bãi san hô.

Rồi chuyện gì đến đã đến: quân TQ đổ bộ xâm chiếm đảo...

Gần 6 giờ sáng, tàu chiến TQ bắt đầu cho xuồng nhỏ áp sát rạn san hô Gạc Ma. Một lát sau, các xuồng khác lại tiếp tục được thả xuống với lính hải chiến TQ nai nịt đầy đủ vũ khí để đổ bộ.

Vòng tròn bất tử

Sau khi bắn cháy tàu HQ-604, tàu chiến Trung Quốc bắt đầu dồn dập nhả đạn vào tàu HQ-505. Bị trúng đạn pháo của đối phương, một phần tàu bốc cháy. Trong khoảnh khắc một mất một còn, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho tàu HQ-505 lao thẳng lên rạn san hô Cô Lin. Tàu gối một nửa thân trước lên cạn, nửa sau nằm dưới nước. Con tàu biến thành công sự không thể chìm và những người lính quyết tử để bảo vệ ngọn cờ chủ quyền.

Các tàu chiến Trung Quốc sau khi bắn chìm tàu HQ-604 ở Gạc Ma liền kéo sang tấn công tàu HQ-605. Những loạt pháo hạng nặng 100 li dồn dập nhả vào con tàu vận tải không hề trang bị hỏa lực hải chiến. Tàu HQ-605 bốc cháy dữ dội. Thuyền trưởng Sơn ra lệnh cho mọi người rời tàu.

Trước tình thế đó, trên bãi san hô Gạc Ma, các chiến sĩ VN đã quây thành vòng tròn bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc (mà sau này nhiều người vẫn gọi vòng tròn ấy bằng cụm từ thiêng liêng: vòng tròn bất tử). Nhưng lúc ấy, ngoài nhóm nhỏ lính hải quân chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146 của thiếu úy Phương, đa số là công binh chỉ có cuốc, xẻng, xà beng trong tay. Lúc này anh Lanh vừa mới quay lại tàu lấy thêm vật liệu xây dựng để đưa xuống đảo thì trung tá Trần Đức Thông kêu gọi tất cả mọi người còn trên tàu HQ-604 biết bơi hãy nhảy hết xuống biển, tiếp ứng cho anh em trên bãi san hô. Anh Lanh ra mạn boong hướng về đảo, nhảy xuống biển cùng nhiều chiến sĩ khác, nhanh chóng bơi vào vùng đồng đội sắp bị tấn công.

Trước mắt anh Lanh, cuộc đụng độ không cân sức bắt đầu bùng nổ. Lính TQ đổ bộ dày đặc lên đảo với AK sáng quắc lưỡi lê cố tràn vào vòng tròn chiến sĩ VN. Lính TQ cố giật và hạ cờ VN. Còn chiến sĩ VN trên tay chủ yếu chỉ có xà beng, cuốc xẻng, vật liệu xây dựng vẫn quyết tử giữ bằng được lá cờ. Mấy lần lính TQ cố tràn vào đều bị bật ra. Đến khi chúng nhả đạn mới áp sát được vào chỗ thiếu úy Phương đang giữ chặt ngọn cờ. Anh Lanh lúc này cũng đã lao vào sát cánh cùng đồng đội Phương. Hai bên giành giật ngọn cờ. Bất ngờ lính TQ nổ súng thẳng vào đầu thiếu úy Phương. Anh ngã xuống nhưng vẫn ôm chặt lá cờ loang máu.

Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh (sau được phong Anh hùng lực lượng vũ trang) kể tiếp: “Sau khi anh Phương bị bắn, lính TQ định cướp lá cờ nhưng tôi giằng lại được. Một tay tôi cầm cờ, một tay cầm xà beng đánh lại...”. Thấy khó hạ gục được người lính công binh VN kiên cường, lính TQ đã đâm anh từ phía sau rồi cuối cùng bắn thẳng vào anh bằng AK.

Trên toàn rạn san hô Gạc Ma, trận chiến lúc ấy đã bùng nổ dữ dội. Lính đổ bộ TQ lùi ra xa để đại liên, pháo 37 li từ tàu chiến của chúng bắn thẳng vào các chiến sĩ VN vẫn đang quyết tử bám trụ giữ đảo. Trên tàu HQ-604, trận chiến cũng diễn ra bi tráng. Anh Mai Văn Hải, công binh E83, có mặt trên tàu lúc đó, nhớ trước khi đổ bộ giáp trận trên đảo, các tàu chiến TQ đã lùi ra đề phòng các súng nhỏ như AK, B40, B41 của tàu VN. Sau đó, chúng mới lợi dụng ưu thế hỏa lực tầm xa mạnh như pháo 100 ly, 37 li bắn dồn dập vào tàu HQ-604.

Loạt đạn đầu tiên của tàu TQ bắn trúng phòng báo vụ tàu HQ-604. Trước mắt Hải, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ lao xuống phòng động cơ, định cho máy tàu nổ để ủi lên bãi san hô Gạc Ma. Nhưng ngay lúc đó phòng máy bị trúng đạn bốc cháy, không còn thấy bóng anh ngược ra. Tàu cũng không còn khả năng lao lên bãi. Anh Hải ngược lên phòng điện trên mặt boong, gặp trung tá Trần Đức Thông và đại úy Phòng. Nhưng cũng đúng khoảnh khắc ấy, từng tràng đại liên từ phía TQ bắn thẳng vào. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông trúng đạn vào đầu gục xuống. Đại úy Phòng cũng hi sinh.

Tàu HQ-604 mất dần dưới mặt biển, mang theo nhiều chiến sĩ và thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, lữ đoàn phó Trần Đức Thông!

_______________

Kỳ tới:

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp