25/05/2023 07:37 GMT+7

Vòng tránh thai bị bỏ quên và những cái kết khó quên

Đủ các kiểu biến chứng nguy hiểm khi phụ nữ quên lấy vòng tránh thai, dẫn đến việc vòng tránh thai lạc chỗ đâm xuyên tử cung, làm thủng đại tràng, ruột và là nơi trú ngụ của khối u...

Vòng tránh thai được bọc trong khối u xơ tử cung - Ảnh: BVCC

Vòng tránh thai được bọc trong khối u xơ tử cung - Ảnh: BVCC

Bất ngờ khi vòng tránh thai nằm trong khối u

Bệnh nhân Q.T.L. (60 tuổi) đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đề nghị tháo vòng tránh thai vì đã đặt 20 năm nhưng tuyến huyện tháo ra thất bại.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Linh, khoa khám phụ khoa tự nguyện, cho biết dụng cụ tử cung vẫn đúng vị trí trong buồng tử cung, tuy vậy không thể tiếp cận được dụng cụ tử cung theo phương pháp thông thường mặc dù quan sát rất rõ trên siêu âm. 

"Chúng tôi thay đổi linh hoạt các phương pháp khác nhau và thật đặc biệt, chúng tôi đã gắp ra được một khối u xơ tử cung và dụng cụ tử cung lâu năm được bọc kín trong khối u đó. Tử cung của bệnh nhân được bảo tồn nguyên vẹn".

Tại Bệnh viện K, trong quá trình mổ ung thư các bác sĩ cũng thường xuyên bắt được vòng tránh thai "di cư" từ tử cung lên ổ bụng của các bệnh nhân.

Gần nhất là trường hợp bà N.T.T. (75 tuổi, Vĩnh Phúc) bị ung thư dạ dày. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy chiếc vòng tránh thai bám dính ở u mạc treo ruột non của bệnh nhân. 

Bà N.T.Đ. (66 tuổi, Bắc Ninh), trong ca mổ K trực tràng các bác sĩ lại thấy vòng Dana ở ngăn tử cung sát trực tràng... Cũng may các bệnh nhân này chưa bị vòng gây biến chứng viêm phúc mạc hoặc xuất huyết nội nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh viện Việt Đức cũng từng mổ cấp cứu cắt một đoạn ruột bị hoại tử cho bà Nguyễn Thị L. (75 tuổi, Bắc Giang) do vòng tránh thai chui lên ổ bụng.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phải phẫu thuật lấy vòng tránh thai lạc chỗ và xử lý chỗ thủng đại tràng cho chị H.H.L. (38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn âm ỉ, kèm đi ngoài ra máu. 

Chị L. có tiền sử đặt dụng cụ tránh thai 3 năm và không đi kiểm tra lại. Kết quả nội soi đại tràng và chụp cắt lớp vi tính thấy vòng nằm một đầu ở trong lòng đại tràng sigma, một đầu cắm chặt trong thành của đại tràng sigma phía bờ mạc treo.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, chuyên gia sản phụ khoa, cho biết đã xử lý nhiều trường hợp bị tai biến do vòng tránh thai quá hạn, nhẹ thì viêm nhiễm, mang thai ngoài ý muốn, nặng thì có trường hợp có một khối u vốn là áp xe do chiếc vòng ăn sâu vào niêm mạc tử cung, chứa đầy mủ gây nát tử cung phải mất một ngày bác sĩ mới lấy được vòng ra...

Nhiều trường hợp vòng chui vào mặt trước dính vào bàng quang gây tổn thương bàng quang và đặc biệt là chui lên ổ bụng, chui vào khúc ruột gây hoại tử, tắc nghẽn...

Dị vật để lâu biến chứng nguy hiểm

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết bình thường vòng tránh thai không gây biến chứng nguy hiểm tính mạng, nếu người bệnh thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ là thăm khám định kỳ và tháo vòng ra khi hết hạn hoặc khi hết kinh.

Thông thường vòng tránh thai tùy theo chủng loại có thời hạn từ 5-10 năm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bỏ quên vòng tránh thai trong cơ thể trên 20, 30 năm. Có những người đã mãn kinh từ lâu, bỗng dưng bị đau bụng mới nhớ đến... chiếc vòng, nhập viện thì đã có biến chứng.

Vòng tránh thai để lâu được coi như một dị vật trong tử cung. Tử cung thường xuyên co bóp nên quá thời hạn nếu may mắn vòng tụt ra ngoài, còn không thì sang chấn lấn vào các cơ quan khác gây nên các tai biến.

Vòng quá hạn có thể bị lệch, nứt gãy, thậm chí xuyên vào ổ bụng, bám vào các cơ quan lân cận. Điều này sẽ gây ra các tổn thương, nhiễm trùng, thậm chí thủng tử cung, gây viêm phúc mạc hoặc xuất huyết nội… khiến bệnh nhân tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Nguyên (Bệnh viện Bạch Mai), dụng cụ tử cung có thể di chuyển xuyên thủng tử cung với tỉ lệ từ 1,3 - 1,6/1.000 lần đặt. 

Sau khi xuyên qua tử cung, dụng cụ tử cung có thể rơi vào ổ bụng tự do hoặc nằm trong khung chậu, hoặc có thể xuyên thủng tiếp vào các cấu trúc lân cận như bàng quang, đại tràng, ruột non và hình thành các đường rò tử cung - bàng quang hoặc tử cung - ruột...

Các triệu chứng của vòng tránh thai lạc chỗ rất đa dạng, tùy thuộc vào thời gian và cơ quan dụng cụ di chuyển: đau bụng vùng hạ vị, sốt; tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa; một số trường hợp có thể gặp tắc - hoại tử ruột...

"Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị khi đã xác định vòng tránh thai bị lạc chỗ thì cần lấy bỏ càng sớm càng tốt, bất kể đó là vòng tránh thai loại gì và lạc chỗ ở nào. Tốt nhất nên lấy vòng tránh thai khi đã di chuyển bằng các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.

Bình thường lấy vòng ra rất đơn giản nên khi đặt vòng thấy bất thường như trễ kinh, đột nhiên ra huyết, đau bụng…, hoặc khi vòng hết hạn, phụ nữ mãn kinh... nên đi kiểm tra, tháo bỏ vòng.

Để tránh biến chứng dụng cụ tránh thai lạc chỗ và xử lý kịp thời cần lưu ý:

- Tránh đặt vòng tránh thai trong thời kỳ hậu sản, thời kỳ cho con bú

- Sử dụng vòng tránh thai nhựa plastic hơn là dụng cụ bằng kim loại

- Làm thủ thuật bằng dụng cụ phù hợp và tránh thô bạo

- Đặt vòng tránh thai cần được thực hiện bởi người có kinh nghiệm

- Khám và theo dõi định kỳ.

Bé gái chào đời cùng... vòng tránh thai của mẹBé gái chào đời cùng... vòng tránh thai của mẹ

Ngày 14-3, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) cho biết đã đỡ đẻ một ca khá hy hữu: bé gái chào đời cùng với vòng tránh thai trong bánh nhau của mẹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp