30/09/2018 16:27 GMT+7

Vòng quanh thế giới thịt chó - Kỳ cuối: Thịt chó thoái trào

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Hiện nay, xu thế ăn thịt chó ngày càng giảm. Do sức ép của các tổ chức bảo vệ động vật, các nước và vùng lãnh thổ còn giữ thói quen ăn thịt chó đã sử dụng khuôn khổ pháp luật để hạn chế ăn thịt chó hoặc bắt buộc giết mổ chó nhân đạo hơn.

Vòng quanh thế giới thịt chó - Kỳ cuối: Thịt chó thoái trào - Ảnh 1.

Thui chó bằng đèn hàn xì tại chợ Indonesia - Ảnh: AFP

Chừng nào Trung Quốc chưa xây dựng luật bảo vệ động vật, ít có khả năng mọi người thay đổi thái độ

Peter Li (phụ trách chi nhánh Tổ chức Nhân đạo quốc tế ở Trung Quốc)

Không có luật chuyên ngành

Theo tiến sĩ Anthony L. Podberscek (Úc), người đầu tiên phản đối ăn thịt chó tại Hàn Quốc là phu nhân tổng thống Lý Thừa Vãn. Kết quả mọi người vẫn ăn, chỉ có tên món lẩu thịt chó là "gaejangguk" (lẩu chó) được đổi lại thành "bosintang" (món hầm tăng lực) vào năm 1945. Từ thập niên 1980, dân Hàn mới xem xét lại thói quen ăn thịt chó do các tổ chức bảo vệ động vật chỉ trích nhiều quá.

Năm 1988, Hàn Quốc từng cấm bán các món ăn từ chó trong nhà hàng nhưng chẳng ai quan tâm. Tại Hàn Quốc, thịt chó không nằm trong danh sách thực phẩm dành cho người, song Hàn Quốc không có luật chuyên ngành về chó nên không có luật điều chỉnh việc nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh hay kiểm tra an toàn thực phẩm đối với chó. Trước các sự kiện quốc tế lớn, cơ quan chức năng thường vận dụng pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và luật bảo vệ động vật để dẹp bớt các điểm mua bán thịt chó. Luật bảo vệ động vật năm 2007 cấm giết động vật tàn nhẫn như siết cổ, giết nơi công cộng, giết trước con vật khác, gây đau đớn. Luật quy định thế nhưng các nhà hàng vẫn giết chó bằng nhiều cách dã man như siết cổ, chích điện, nấu sôi, thui lông, chọc tiết, đập chết. Hai cách phổ biến nhất là treo cổ và chích điện.

Khác với Hàn Quốc, Trung Quốc cho phép mua bán thịt chó và mở lò mổ chó nhưng cấm lưu thông chó không rõ nguồn gốc. Song Tổ chức "Động vật châu Á" ở Hong Kong ghi nhận 90% là chó bị giết trong các lò mổ lậu hoặc như giết ở chợ, nhà hàng, điểm thu mua chó, ngoài đường sá. Thịt chó bán ở chợ có nguồn gốc loạn xạ, bao gồm chó không tiêm chủng, chó bị đánh thuốc, chó bị bắt trộm...

Vòng quanh thế giới thịt chó - Kỳ cuối: Thịt chó thoái trào - Ảnh 3.

Ngày 19-5-2018, 2.000 thành viên Tổ chức bảo vệ động vật Vshine ở Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) kêu gọi bảo vệ động vật - Ảnh: Peter Li

Cấm giết mổ, kinh doanh, chứ không cấm ăn

Năm 1998, Philippines cấm giết mổ chó. Người vi phạm bị phạt tù từ 2 tháng đến 2 năm và bị phạt tiền. Dù vậy, luật có cũng như không. Mỗi năm có 0,5 triệu con chó bị giết thịt. Một số chính trị gia sẵn sàng xơi thịt cầy. Người bán thịt chó lậu đưa ít tiền, cảnh sát dễ dãi cho qua. Nếu bị bắt, người vi phạm chỉ phải trả món tiền phạt nhỏ. Tại châu Á, giết chó ăn thịt cũng bị cấm tại Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan.

Pháp chỉ cấm giết mổ và kinh doanh thịt chó chứ không cấm ăn chó, tuy nhiên rất khó ăn thịt chó tại Pháp vì phải tìm lò mổ đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tương tự Pháp, Thụy Sĩ cấm kinh doanh thịt chó chứ không cấm ăn tại nhà. Luật không quy định cách giết mổ chó.

Tại Mỹ, hầu hết các bang không cấm giết chó, mèo để cá nhân ăn thịt hay bán trực tiếp thịt cho người khác. Mới đây, ngày 12-9-2018, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên "Luật cấm kinh doanh thịt chó và thịt mèo 2018" (HR 6720) thay cho luật bảo vệ động vật. Dự luật cấm giết mổ, vận chuyển, giao nhận, sở hữu, mua bán, tặng cho chó, mèo và các bộ phận chó, mèo để ăn thịt, trừ các bộ tộc thực hiện các hành vi trên vì mục đích nghi lễ tôn giáo. Người vi phạm sẽ bị phạt đến 5.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm. Dự luật đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.

Vòng quanh thế giới thịt chó - Kỳ cuối: Thịt chó thoái trào - Ảnh 4.

Các thành viên tổ chức bảo vệ động vật bày tỏ thái độ phản đối ăn thịt chó tại quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc) ngày 17-7-2018 - Ảnh: AFP

Bảo vệ phúc lợi động vật

Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Polynésie thuộc Pháp, chiến lược của các tổ chức bảo vệ động vật là kêu gọi bảo vệ phúc lợi của chó. Tại Trung Quốc, chó bị chích điện, siết cổ, bị giết trước mặt đồng loại như ở Hàn Quốc. Trong lễ hội thịt chó Ngọc Lâm, có lúc chó bị giết nơi công cộng, bị đánh đến chết hoặc bị cho vào chảo nước sôi khi chưa chết hẳn. Tổ chức "Bảo vệ phúc lợi động vật" (AWI) ở Mỹ ghi nhận cảnh hành hạ chó bằng cách siết cổ, thui lông cũng xảy ra tại Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nigeria. Còn tại Polynésie thuộc Pháp, luật chỉ cho phép ăn thịt chó trong gia đình và chỉ được giết chó sau khi gây choáng để khỏi làm đau chó. Dù vậy, các tổ chức bảo vệ động vật vẫn cho rằng cách giết chó như thế ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Polynésie trong mắt du khách.

Tổ chức AWI nhận xét hiện nay ở Hàn Quốc có hai lối suy nghĩ trái ngược về ăn thịt chó. Người nhiều tuổi vẫn muốn ăn trong khi các bạn trẻ xem chó là người bạn tốt. Một cuộc khảo sát năm 2011 cho thấy 70% trong 1.000 người được hỏi nghĩ rằng chó thịt hay chó cưng đều phải được bảo vệ như nhau. Ý thức này hình thành từ giáo dục và thông tin của giới trẻ.

Tại Trung Quốc, năm nào cũng có kiến nghị quốc tế phản đối lễ hội thịt chó Ngọc Lâm. Do sức ép của các tổ chức bảo vệ động vật, năm 2014 số lượng giảm còn 2.000-3.000 con và năm 2015 chỉ còn 1.000 con bị giết thịt so với 10.000 con trước đó. Tại Thụy Sĩ, người dân vẫn kiến nghị cấm ăn thịt chó. Kiến nghị năm 2014 thu thập hơn 16.000 chữ ký so với năm 1993 chỉ được 6.000 chữ ký.

Đài Loan là vùng lãnh thổ đầu tiên ở châu Á cấm ăn thịt chó. Năm 2001, Đài Loan sửa đổi luật bảo vệ động vật 1993 xác định mọi loài chó đều là chó nhà và cấm hạ thịt để ăn hay bán. Ngày 11-4-2017, Đài Loan tiếp tục sửa luật với quy định cấm tiêu thụ, mua bán, sở hữu thịt chó, mèo và ngược đãi chó, mèo. Người vi phạm có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 2 triệu Đài tệ. Danh tính và hình ảnh người vi phạm sẽ được công bố.

Giết chó là hành vi trái pháp luật

Năm ngoái, Tổ chức "Quyền cùng tồn tại của động vật trên trái đất" (CARE) tại Hàn Quốc kiện một chủ trại ở Bucheon giết động vật vô cớ, vi phạm luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định xây dựng. Tháng 4-2018, tòa tuyên phạt bị đơn 3 triệu won. Đây là lần đầu tiên tòa án Hàn Quốc phán quyết giết chó ăn thịt là hành vi trái pháp luật. Hai tháng sau, nghị sĩ Pyo Chang Won đã trình dự luật sửa đổi luật bảo vệ động vật với quy định cấm giết động vật, trừ phi động vật đó bị giết căn cứ luật về quản lý vệ sinh gia súc hay phải xử lý thú y.

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp