Những cú sút xa của Quang Hải là vũ khí lợi hại của tuyển VN trước Nhật Bản - Ảnh: VFF
"Dù Nhật Bản là đối thủ rất mạnh, nhưng cả đội đã chuẩn bị tinh thần và chiến thuật để chơi sòng phẳng với họ", trung vệ Đình Trọng tự tin phát biểu trước trận đấu.
Tỉ lệ sở hữu bóng của Nhật Bản có thể hơn chúng tôi, nhưng tuyển Việt Nam sẽ cố gắng để có điểm.
HLV PARK HANG SEO phát biểu trong buổi họp báo trước trận đấu.
Tuyển Nhật cũng có điểm yếu
Đầu tiên có thể thấy ngay đó là tính kết dính trong lối chơi cũng như tình trạng thể lực của các cầu thủ Nhật Bản. Họ chỉ có đúng 1 buổi tập chiến thuật vào tối 10-11, sau khi 11 cầu thủ cuối cùng thi đấu ở châu Âu đến Việt Nam.
Trong số này, có phân nửa đội hình luôn đá chính trong 4 trận vừa qua là cặp tiền đạo cánh Takumi Minamino (Liverpool) - Junya Ito (Genk), tiền vệ Hidemasa Morita (Santa Clara), Ritsu Doan (PSV Eindhoven), cặp trung vệ Maya Yoshida (Sampdoria) - Takehiro Tomiyasu (Arsenal).
HLV Hajime Morioyasu cũng phải thừa nhận ông chỉ có thể gút đội hình sau khi quan sát các cầu thủ thể hiện sau buổi tập vào tối 10-11.
Dù chỉ ghi 3 bàn trong 4 trận vừa qua, thua cả Việt Nam (ghi 4 bàn), nhưng hàng tấn công của Nhật Bản vẫn được đánh giá rất cao. Điểm yếu của Nhật Bản chỉ nằm ở hàng phòng ngự khi thường chơi thiếu tập trung trong khoảng 20 phút cuối, tạo cơ hội cho đối thủ ghi bàn. Vì vậy, nếu chơi phòng ngự chặt chẽ, tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể phản công và ghi được bàn thắng như đã làm trước Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman.
Ông Park hứa hẹn gây bất ngờ
Ngoài việc chỉnh đốn hàng thủ, HLV Park Hang Seo đã cho tuyển Việt Nam tập các bài tập tấn công. Theo đó, các cầu thủ tấn công được yêu cầu cầm bóng di chuyển, chuyền bóng nhanh trong phạm vi hẹp và dứt điểm ngay khi có cơ hội trong sự đeo bám quyết liệt của nhóm phòng ngự. Đồng thời sẽ tập trung "khoét" vào cánh phải của Nhật, khi bộ đôi Junya Ito và Ao Tanaka thường hay dâng cao. Đây cũng là cánh khá mạnh (cánh trái) của tuyển Việt Nam với Công Phượng, Quang Hải hay Phan Văn Đức.
Tuyển Việt Nam cũng tỏ ra nguy hiểm với những cú sút xa đã đem lại 2 bàn thắng. Đầu tiên, Quang Hải sút xa vào lưới Saudi Arabia. Ở bàn thứ hai, Tấn Tài sút xa và Tiến Linh đệm bóng ghi bàn trước Oman. Đó cũng là lý do tờ Nikkan Sports của Nhật đã cảnh báo đội nhà cần phải cẩn trọng trước những pha sút xa của chủ nhà VIệt Nam.
Theo thống kê, tỉ lệ dứt điểm ngoài vòng cấm của VN cao nhất ở bảng B với 56%, Oman (45,8%), Nhật Bản (44%), Saudi Arabia (42,6%), Úc (37%) và Trung Quốc (27,6%).
Công Phượng có khả năng sẽ tiếp tục ra sân ngay từ đầu như ở trận Oman, nhằm mang đến nhiều đột biến hơn. Tương tự, Hồ Tấn Tài cũng có thể được trao cơ hội đá chính ở vị trí hậu vệ phải nhằm tận dụng khả năng tấn công tốt và sút xa của anh. Ngoài ra, một mục tiêu lớn hơn với ông Park trong trận gặp Nhật Bản còn là thử nghiệm thêm những cầu thủ mới nhằm tạo ra sự mới mẻ ở tuyển Việt Nam.
Ở Asiad 2018, ông Park đã đưa Olympic VN thắng Olympic Nhật Bản 1-0 do ông Hajime dẫn dắt ở trận cuối vòng bảng bằng bàn thắng của Quang Hải. Ở tứ kết Asian Cup 2019, đến lượt ông Hajime đưa Nhật Bản thắng Việt Nam 1-0. Vì thế, lần thứ 3 chạm trán giữa hai vị HLV này nhận được nhiều chờ đợi. Trên sân nhà, tuyển Việt Nam đang hướng đến việc có thể giành điểm đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Đội hình dự kiến của đội tuyển Việt Nam (3-4-3):
* Thủ môn: Tấn Trường.
* 3 trung vệ: Quế Ngọc Hải, Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng.
* 4 tiền vệ: Văn Thanh (trái), Duy Mạnh, Hoàng Đức, Tấn Tài (phải).
* 3 tiền đạo: Công Phượng (trái), Tiến Linh, Quang Hải (phải).
Chủ - khách đều "căng"
Ở tứ kết Asian Cup 2019, tuyển Nhật có nhiều lúc lúng túng trước lối đá nhanh, bật tường nhóm khéo léo của Việt Nam. Liệu kịch bản ấy có lặp lại vào tối 11-11 trên sân Mỹ Đình? "Rất khó" - chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh như vậy khi phân tích cùng Tuổi Trẻ:
"Điểm khác biệt lớn nhất ở lần gặp lại này chính là việc đội tuyển Việt Nam mất gần một nửa đội hình chủ lực gồm Văn Lâm, Văn Hậu, Trọng Hoàng, Huy Hùng, Hùng Dũng... Điều này khiến sức mạnh của đội tuyển Việt Nam bị suy giảm đáng kể. Kế đến là các tuyển thủ đang hứng chịu sức ép tâm lý sau 4 trận đều thua.
Dù đá trên sân nhà, có sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả, nhưng sẽ rất khó để đội tuyển Việt Nam tạo "địa chấn" trước đối thủ vượt trội về mọi mặt. Điều khán giả chờ đợi là được chứng kiến một trận đấu mà các tuyển thủ sẽ "cháy" hết mình, chơi bóng bằng chính năng lực thật sự của mỗi người.
Đội khách Nhật Bản cũng gặp khó khi chơi không thành công, rơi xuống vị trí thứ 4 của bảng B. Nếu không thắng Việt Nam, khoảng cách giữa Nhật Bản với đội dẫn đầu càng được nới rộng. Với sức ép khá lớn này, nhiều khả năng tuyển Nhật sẽ chơi tấn công từ sớm để chiếm thế chủ động. Vì vậy, tuyển Nhật sẽ tập trung vào việc kiểm soát bóng, ban bật theo nhóm để buộc cầu thủ Việt Nam phải hao tổn sức lực rượt đuổi và tranh chấp. Điều này sẽ bào mòn sức mạnh, bởi sức bền thể lực không phải là thế mạnh của các tuyển thủ Việt Nam.
Đây cũng là sự gợi ý cho đội nhà của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam - ông Toshiya Miura - khi trả lời truyền thông Nhật Bản cách đây vài ngày".
SĨ HUYÊN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận