06/10/2022 11:40 GMT+7

Võng đêm thành phố

MÂY TRẮNG
MÂY TRẮNG

TTO - TP.HCM khuya lạnh se sắt, những người lao động nghèo nằm ngủ im lìm trên cánh võng. Giữa thời bão giá, người ít tiền hoặc lỡ bước bên đường vẫn có thể ngả lưng trên giá võng êm mà không phải tốn kém vào nhà nghỉ, khách sạn.

Võng đêm thành phố - Ảnh 1.

Những chiếc võng gắn trụ sắt không gây tiếng động cọt kẹt - Ảnh: YẾN TRINH

12h đêm, một bà cụ tóc bạc trắng chống gậy lò dò đi vào quán cà phê võng bên hông chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM). Đó là bà Võ Thị Cúc (77 tuổi, quê Quảng Nam), mấy năm nay vẫn gắn tấm thân cao tuổi với cánh võng thuê.

Giấc ngủ tròng trành

Chậm rãi phủi bụi chiếc võng, quấn nón trùm đầu kèm khẩu trang kín mặt cho đỡ lạnh, bà Võ Thị Cúc cho biết mình xí chỗ này từ lâu và treo bọc quần áo ngay đầu võng để dễ phân biệt. Chồng con mất hồi chiến tranh, một mình bà vào Bình Dương bán vé số rồi dạt lên Sài Gòn.

"Khu chợ này đông người, dễ bán. Lúc chiều tui lấy 200 tờ rồi bán lai rai qua hôm sau", bà móm mém kể. Đôi mắt mờ đục nhìn ra bên ngoài, bà nói đêm nay "lạnh lạ kỳ" và sợ không ngủ được do đầu gối lại đau nhức. Bà ôm cái giỏ đựng vé số, đắp mền kín người, khó nhọc vào giấc ngủ giữa tiếng xe cộ bốc dỡ hàng.

Bà Cúc cũng giống như nhiều người đã chọn giấc ngủ trên chiếc võng thuê thay cho căn phòng trọ, còn hai từ "khách sạn" là thứ xa xỉ. Cách quán này một lối rẽ, anh Nguyễn Duy Linh (34 tuổi, quê Đồng Nai) chưa ngủ được nên nằm bấm điện thoại. "Tôi làm bốc vác, phụ việc ở chợ này nên hay thuê võng chờ người ta kêu. Một đêm không ngủ được bao nhiêu nhưng tiện cho công việc, lại rẻ" - anh ngáp dài, nói.

Ở đầu kia thành phố, gần chân cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12), chừng 3-4 quán cà phê võng vẫn sáng đèn chờ khách. Trong một quán khá rộng rãi, khoảng 40 chiếc võng đã gần kín người nằm. Ghé vào trong điệu bộ uể oải, anh Trần Văn Đạt (41 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết mình là tài xế xe công nghệ, hay chạy khuya nên thuê võng ngủ đỡ, còn chỗ anh trọ tuốt bên quận 8. Phía ngoài, chủ quán và một nhân viên bật thêm quạt xua muỗi và kiểm tra lại số xe máy khách dựng bên trong.

Ngoài những điểm ngủ võng này và các quán ở quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân (TP.HCM), cũng có thêm các điểm cho thuê võng mới. Giới xe ôm, người làm thuê trong nội thành thường ghé một số quán ở khu vực bến xe Miền Đông, khu đường Phan Văn Trị, đường số 20, khu vực quận Gò Vấp... Giá thuê từ 20.000 đồng, có nơi tính thêm phí giữ xe 10.000 đồng, hoặc có nơi là "combo" nước suối và cho tắm giặt tổng cộng 50.000 đồng/người.

Võng đêm thành phố - Ảnh 2.

Anh Phan Thanh Tuấn, chủ quán võng, canh chừng xe cộ và đồ đạc cho khách

Những câu chuyện đời

Có lẽ không ai rành về cuộc đời người ngủ võng như những chủ quán mà chúng tôi tiếp xúc. Bề ngoài có vẻ lạnh lùng, nhưng họ sẵn sàng trải lòng về cái nghề... canh võng ngộ nghĩnh này.

Mở bán 7 năm nay, anh Phan Thanh Tuấn (40 tuổi, chủ quán võng gần chân cầu vượt Tân Thới Hiệp, quận 12) nói vui rằng mình nghe nhiều chuyện đời nên mặt cũng nhăn như "quả táo tàu" theo nỗi niềm của họ. "Ở đây nhiều người tới ngủ trường kỳ, như mấy ông phụ hồ, bán vé số... Hồi trước tôi còn thu thêm 5.000 đồng/lần tắm giặt, nhưng giờ không tính tiền đó nữa. Những người trong túi không có tiền khổ lắm, chính tôi có thời gian nợ nần nên tôi biết mà", anh tâm sự.

Hướng mắt về phía những chiếc võng, anh Tuấn nói vừa làm cuộc "cách mạng võng" ru êm giấc ngủ của khách. "Hồi trước quán tôi xài giá võng bằng gỗ, sau mục hết trơn. Hơn nữa, giá võng thông thường người này đang nằm mà có người khác tới kế bên sẽ có tiếng động cọt kẹt, giật mình. Tôi nghĩ cách thuê người làm trụ, hàn sắt ngon lành", anh cho biết. Từ đó, mỗi võng có hai trụ riêng, khách ngủ trọn giấc hơn.

Nhắc chuyện giá cả, anh Tuấn nói trước giờ vẫn giữ giá 30.000 đồng kèm chai nước suối. Anh nói: "Anh em vô đây, tôi nhìn là biết người dưới quê lên kiếm sống, người ta khổ. Có người cả năm trời mới ghé lại nhưng tôi vẫn nhớ mặt". Là dân Sài Gòn nhiều đời, anh Tuấn cho biết ở khu cửa ngõ này, việc tìm chỗ ngủ với chút tiền còm không dễ. "Ai tôi cũng tiếp, chỉ trừ khách say rượu vì sợ ảnh hưởng những khách khác. Tôi phải từ chối tế nhị, có khách tôi còn nói để tôi chở về chứ không thuê võng được", anh kể.

Tuy nhiên, dân ngủ võng không phải chỉ có người không nhà. Bà Mỹ Đức (chủ quán võng tại chợ đầu mối Thủ Đức) cho biết ở đây có nhiều khách làm thuê buổi tối, hết xe buýt nên ngủ lại sáng về sớm. Hoặc có người... buồn đời nên đi "giang hồ", như một cụ già đang ngủ phía trong. Có người dưới quê lên kiếm việc làm, ngủ võng đỡ mấy tháng để dễ xê dịch, kiếm việc, rồi dư chút đỉnh mới mướn phòng. 

Riêng chị Nguyễn Thân (45 tuổi) thì cho biết dù con cái muốn thuê phòng cho ở nhưng hai vợ chồng chọn ngủ ngoài quán. Chị kể: "Tôi ngủ đây lâu rồi, hai vợ chồng mỗi người thuê một võng. Chồng tôi làm nghề bốc vác, cũng đủ trang trải, không làm phiền con cái...".

Võng đêm thành phố - Ảnh 3.

Bà Võ Thị Cúc không gia đình, sống nhờ nghề bán vé số và ân tình của những người xa lạ ở quán võng

Tình người trong đêm lạnh

Dù túi tiền chỉ đủ trang trải nhu cầu tối thiểu, chị Nguyễn Thân lại có tấm lòng rộng mở. Biết hoàn cảnh bà Võ Thị Cúc kể trên không người thân thích, bị lừa hết tiền khi gặp tai nạn hai tháng trước, chị chăm nom bà như người nhà.

Nhìn qua võng "hàng xóm" nơi bà Cúc nằm, chị Thân kể: "Bà cụ tội nghiệp lắm, giờ chân đi cà nhắc. Tôi thương nên xoa bóp, giặt đồ giùm, nhắc bà uống thuốc đau chân, đau lưng, nói bà đừng khóc, đừng buồn nữa...". 

Nghe vậy, bà Cúc mủi lòng, nói như mếu: "Có mấy cô chú này đây giúp tui. Chủ quán thì cho cơm ăn, cho nước uống. Có người còn cho tui quần áo, cho luôn cái mền. Đôi giày này là của cô Thân, cổ đang đi mà cởi cho luôn để tui đi êm chân".

Ngồi nghe hoàn cảnh bà Cúc, một khách là dân làm ăn vào nghỉ mệt hỏi bà giờ ước điều gì. Bà nói chỉ ước có người mua mớ vé số "còn y xì" mà bà định đi bán tiếp sau giấc ngủ ngắn. Nghe vậy, vị khách mua hết gần 100 tờ còn lại và cho thêm bà ít tiền. Bà mừng rơn, nước mắt chảy trên gương mặt nhăn nheo vì ân tình của những người xa lạ. Chị Thân cũng mừng, giục bà ngủ một giấc cho khỏe "có gì mai tính tiếp".

Thành phố đêm se sắt lạnh, những mặt người lao động đen sạm nắng gió chìm vào giấc ngủ và cũng có thể là một giấc mơ về tương lai tươi sáng hơn...

Thuê võng... tháng

Một số chủ quán võng cho biết ngoài những người ngủ đêm, cũng có khách thuê tháng. Như quán võng ở đường D, chợ đầu mối Thủ Đức, có vài người thuê tháng với giá 600.000 đồng/người như vợ chồng chị Nguyễn Thân để tiện cho việc kiếm sống. Họ tự do tắm giặt, đi lại và quen với việc ngủ võng đến mức nằm xuống là... ngáy.

Phòng tránh chuyện phức tạp

Anh N.H., chủ quán võng ở quận Bình Tân, cho biết lúc mới mở quán, anh cũng gặp khó vì bị khách say xỉn vào gây ồn ào và chọc ghẹo phụ nữ. "Sau đó, tôi dán bảng yêu cầu giữ yên tĩnh cho người khác ngủ, nếu không miễn phục vụ, thì đỡ hẳn", anh kể. Ngoài ra, cũng có tình trạng đôi nam nữ thuê hai võng, sau đó lẻn vào nằm một võng chung nhưng không phổ biến lắm vì võng chật chội và bất tiện.

"Tôi xử lý khéo bằng cách tuyệt đối không dựng vách che, không trồng cây kiểng khuất tán và để bóng đèn vừa đủ sáng, thế là chấm dứt hoàn toàn tình trạng này", anh N.H. kể và cho biết thêm để phòng muỗi cho khách ngủ an toàn, anh xịt thuốc muỗi đều đặn định kỳ và sử dụng quạt gió thông thoáng. Riêng cánh giang hồ thì chẳng mấy khi lai vãng vào chỗ toàn người nghèo này.

MẠNH DŨNG

Cô gái Nhật sở hữu bộ sưu tập ảnh cà phê võng độc đáo nhất Việt Nam Cô gái Nhật sở hữu bộ sưu tập ảnh cà phê võng độc đáo nhất Việt Nam

Ghiền cà phê võng đến mức có hẳn một bộ sưu tập chụp lại những lần đi cà phê võng của mình, cô gái Nhật khiến nhiều người Việt không khỏi thích thú, xen lẫn thắc mắc.

MÂY TRẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp