22/09/2024 10:56 GMT+7

Vốn ngoại trở lại chứng khoán, khi nào?

Việc Mỹ bắt đầu lộ trình giảm lãi suất USD tạo ra kỳ vọng dòng vốn từ nơi này sẽ chảy về các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Việt Nam chuẩn bị gì để đón dòng vốn này?

Vốn ngoại trở lại chứng khoán, khi nào? - Ảnh 1.

Giao dịch USD tại ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong tám tháng đầu năm nay, do lãi suất USD trên thế giới khá cao, nhà đầu tư ngoại đã bán chứng khoán Việt Nam, hút ròng gần 65.000 tỉ đồng (xấp xỉ 2,6 tỉ USD).

Tỉ giá ổn định, nhà đầu tư bớt lo

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh - giám đốc khối phân tích và đầu tư Chứng khoán An Bình (ABS), khi Mỹ giảm lãi suất USD, xu hướng rót vốn vào các thị trường mới nổi đã quay lại. Khối ngoại đã mua ròng tại Indonesia, Malaysia...

Còn tại Việt Nam, dù vẫn bán ròng nhưng đã giảm dần trong tháng qua, đồng thời có phiên mua ròng. Trong tháng 8, khối ngoại chỉ còn bán ròng 3.600 tỉ đồng, so với con số 8.300 tỉ đồng bình quân trong bảy tháng đầu năm nay.

Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng thời gian qua lãi suất VND giảm sâu, tỉ giá VND/USD lại tăng tới 5% dẫn đến hiệu suất sinh lời của nhà đầu tư giảm, kém hấp dẫn so với thị trường khác ở châu Á nên họ phải rút vốn khỏi Việt Nam.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia FIDT (một công ty chuyên tư vấn đầu tư và quản lý tài sản), cho rằng sắp tới khối ngoại có thể mua ròng trở lại nhưng giá trị không quá lớn và sẽ khó lấy lại giá trị đã bán từ đầu năm nếu thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng chính thức.

Chuẩn bị để hút vốn ngoại

Vốn ngoại trở lại chứng khoán, khi nào? - Ảnh 2.

Động thái hạ lãi suất của Fed sau bốn năm được kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn đầu tư quốc tế chảy trở lại các thị trường chứng khoán khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia, vốn ngoại có vào Việt Nam ở mức nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lãi suất và tỉ giá. Số thống kê cho thấy khi Mỹ giảm lãi suất, vốn sẽ chảy về thị trường mới nổi. Trước mắt khối ngoại sẽ chưa thể ngay lập tức mua ròng khối lượng lớn, song cũng sẽ ghi nhận dần những chuyển biến tích cực hơn trên thị trường.

Do vậy, để hút dòng vốn ngoại, vị chuyên gia nhấn mạnh cần thêm những chuyển biến tích cực từ nội tại. Cần có chính sách tốt mang tính hỗ trợ thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển, vực dậy nền kinh tế sau bão lũ, tăng trưởng kinh tế phục hồi là nền tảng quan trọng để Việt Nam hút vốn ngoại.

Ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng muốn thu hút dòng vốn ngoại, phải cởi bỏ được những nút thắt, rào cản họ tiếp cận thị trường, đồng thời có thêm những yếu tố hấp dẫn khác để "tiếp thị". Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định nhà đầu tư nước ngoài không cần có đủ tiền nhưng vẫn được mua cổ phiếu.

Theo ông Phương, đây là một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell (một tổ chức xếp hạng quốc tế - PV). Khi được nâng hạng, ước tính vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến hàng tỉ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động. Do vậy, tiếp tục tháo gỡ và thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường vẫn là chiến lược quan trọng nếu muốn gia tăng dòng vốn ngoại ở Việt Nam.

Cần hàng mới cho thị trường chứng khoán

Nhìn lại dữ liệu, năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài mua ròng kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị hơn 2 tỉ USD với cả cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ - cao gấp 8 lần so với giá trị mua ròng năm 2016.

Mua ròng với giá trị lớn vẫn tiếp diễn trong năm 2018 và 2019. Các chuyên gia từng chỉ ra đây là kết quả từ việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có tiềm năng và kết quả kinh doanh tốt như Sabeco, Vinamilk...

Ông Hồ Sỹ Hòa, giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư Chứng khoán DNSE, cho biết nếu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài từ 2014 - 2016 chỉ đạt tầm 700 tỉ đồng, thì đỉnh điểm vài năm gần đây có lúc lên đến 60.000 tỉ đồng.

Ngoài yếu tố khách quan do chênh lệch lãi suất và lỗ tỉ giá, ông Hòa nhìn nhận vài năm gần đây số lượng thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), giá trị vốn hóa IPO đều giảm. "Các doanh nghiệp với dự định IPO đang do dự để tham gia thị trường do điều kiện nhiều biến động", ông Hòa nói.

Theo báo cáo IPO của Deloitte 2023, tại Việt Nam, xu hướng sụt giảm IPO được cho bởi chi phối giá nhiên liệu leo thang, gia tăng tính chặt chẽ của thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa gỡ được nhiều nút thắt.

Mặt khác, các cơ quan quản lý chủ trương minh bạch các thông tin tài chính, áp dụng nhiều tiêu chuẩn quốc tế như chuẩn mực báo cáo tài chính. Điều này tác động trong ngắn hạn làm giảm số lượng lên sàn của các doanh nghiệp.

Việc hàng hóa mới, chất lượng vắng bóng cũng là một trong những nguyên nhân khiến đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài nhận định thị trường Việt Nam "thiếu gì đó mới mẻ, hấp dẫn". 

Song ngược lại, ông Hòa cũng cho rằng việc chuẩn mực hóa tài chính và minh bạch tuy phần nào tác động số lượng nhưng lại tích cực trong dài hạn đối với thị trường chứng khoán nói riêng cũng như sự phát triển của thị trường vốn nói chung.

Thống kê cho thấy tám tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 65.000 tỉ đồng (tương đương 2,6 tỉ USD) trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Con số này cao hơn nhiều so với mức bán ròng 111,8 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái và vượt qua giá trị bán ròng cả năm 2021 (62.400 tỉ đồng).

Vốn ngoại trở lại chứng khoán, khi nào? - Ảnh 3.Từ ngày 2-11, nhà đầu tư ngoại mua chứng khoán không cần ký quỹ đủ tiền

Thông tư về chứng khoán vừa được ký ban hành bỏ điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch, mở đường cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp