Theo Sở Xây dựng TP.HCM, chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng tại TP hiện nay thấp hơn so với quy chuẩn xây dựng Việt Nam (≥ 7m2/người) hoặc quy hoạch chung của TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khai thác quỹ đất 30 - 50m hành lang bờ sông
Mặc dù TP đã quan tâm đến việc phát triển công viên cây xanh, chỉ tiêu đến năm 2025 phát triển 150ha đất công viên, đến năm 2030 phát triển 450ha đất công viên. Tuy nhiên, hiện ngân sách để đầu tư xây dựng mới công viên công cộng còn hạn hẹp. Do đó, TP khó có điều kiện để đầu tư tất cả các công viên trong các đồ án quy hoạch xây dựng. Các đơn vị đang rà soát để phân kỳ đầu tư theo giai đoạn và theo khả năng cân đối vốn.
Theo báo cáo, ở giai đoạn tới, TP.HCM tập trung xem xét chuyển quỹ đất thuộc hành lang bờ sông từ 30 - 50m (nếu có phương án tổ chức không gian và sử dụng đất linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng khu vực phát triển quỹ đất dọc sông) sang đất dịch vụ, thương mại, du lịch. Từ đây tạo cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn để triển khai đầu tư khai thác hiệu quả, gia tăng khả năng tiếp cận, khai thác, hưởng thụ không gian mặt nước.
Về nguồn lực đầu tư? TP.HCM sẽ rà soát quỹ đất dọc hành lang sông và đề xuất phương án tạo quỹ đất, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư thông qua chỉ tiêu quy hoạch và các yêu cầu kèm theo.
TP khuyến khích các đối tác tư nhân, các tổ chức kinh tế - xã hội, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác hạ tầng bền vững. Tăng cường hợp tác bền vững với cộng đồng và doanh nghiệp hợp tác công tư (PPP) đảm bảo triển khai các công trình và hạ tầng xanh đa chức năng mang tính chống chịu và thích ứng bảo vệ môi trường.
Trên bến dưới thuyền phục vụ du lịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - chia sẻ TP vốn có lợi thế lớn về phát triển kinh tế, du lịch đường thủy. Dù vậy, cho đến nay vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng, đặc biệt là hệ sinh thái hành lang sông Sài Gòn. Việc đề xuất xây dựng chuỗi 42 công viên dọc bờ sông để phục vụ du lịch, thương mại... là hoàn toàn hợp lý.
"Các đơn vị cần rà soát, lựa chọn vị trí tiềm năng có cảnh quan, làng nghề... đậm bản sắc, đưa ra phương án khai thác hiệu quả bền vững nhất. Sau đó phải nghiên cứu làm sao đồng bộ được quy hoạch, cảnh quan hai bên bờ sông cho "xanh", tăng thêm tiện ích. Chúng ta vừa khai thác nhưng cũng phải vừa bảo vệ hành lang bờ sông, tạo môi trường sống lý tưởng để phục vụ người dân lâu dài.
Đặc biệt, dọc theo dòng sông, các đơn vị lên kế hoạch đầu tư hạ tầng cầu cảng, hạng mục kết nối, tàu thuyền để đáp ứng được cả nhu cầu du lịch, vận tải đường bộ, đường thủy... Chúng ta đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái đường sông, đường biển dài ngày giúp khám phá và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương. Về lâu dài, đôi bờ sông Sài Gòn được phát triển như dòng sông các nước trên thế giới thu hút được cả khách quốc tế", TS Võ Kim Cương nói.
Để làm được những điều kể trên, TS Cương cho rằng cần xây dựng chính sách hấp dẫn, ưu đãi đầu tư phát triển ven sông như cho thuê đất, hỗ trợ vay vốn... tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn tham gia.
Đường ven sông phải thông
Đi dọc bờ sông Sài Gòn, nhìn ngắm hạ tầng hai bên đẹp nhưng chưa đồng bộ, thậm chí vài đoạn dang dở chưa kết nối được. Lâu nay đoạn từ chân cầu Sài Gòn đi theo đường nội bộ của dự án Vinhomes đến cuối đường Trần Trọng Kim nằm ven sông Sài Gòn có bức tường cao 2,5m.
Theo nhiều chuyên gia, nếu không còn bức tường chắn giữa hai dự án, tuyến đường ven sông Sài Gòn được thông suốt từ chân cầu Sài Gòn đến chân cầu Thủ Thiêm 1 không chỉ giải quyết được giao thông của khu vực mà về sau còn tạo được một đoạn đường đẹp ven sông Sài Gòn. Khi đó, ai cũng có thể tiếp cận bờ sông và tiện ích công cộng dọc sông.
Tết này sẽ có thêm công viên 10ha ven sông
Tiếp nối thành công từ công viên bờ sông Sài Gòn hiện hữu ở Thủ Thiêm đã khai thác gần một năm nay, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật Thủ Đức đã đề xuất tiếp tục chỉnh trang, cải tạo khu đất ven bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm để làm công viên.
Dự kiến công viên mới có tên gọi công viên Sáng tạo (Creative/Innovation Park). Chiều dài dọc bờ sông hơn 1,1km, chiều ngang 100 - 120m. Diện tích khu vực này khoảng 10ha, dự kiến hoàn thành trước Tết Ất Tỵ 2025. Hiện trạng khu vực là thảm thực vật tự nhiên, địa hình không bằng phẳng, hướng thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn. Một số vị trí trũng thấp, bị ngập nước, nhiều loài thực vật sinh trưởng tự nhiên, nhiều cỏ dại, rác và xà bần...
Công viên sau khi hoàn thành sẽ có một số hạng mục chính như: khu tổ chức các sự kiện, khu công viên trung tâm, đường chạy bộ, xe đạp kết nối toàn khu ven sông, nhà điều hành và tiện ích, bãi đậu xe... TP Thủ Đức sẽ cải tạo, chỉnh trang theo hiện trạng khu vực, cải thiện vệ sinh môi trường. Hình thức đầu tư bằng nguồn xã hội hóa.
Theo Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật Thủ Đức, khu vực đề xuất có vị trí đắc địa, mặt tiền sông Sài Gòn hướng đối diện công viên Ba Son, khu biệt thự Ba Son và sân golf Him Lam với góc nhìn đẹp sang khu trung tâm quận 1 và ngã ba kênh Thị Nghè giao với sông Sài Gòn. Hiện trạng khu vực là đất trống có thể triển khai thực hiện ngay để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận