Trung úy Lê Thanh Bình (trái) và thiếu úy Nguyễn Huy Khang đến “làm việc” với ông T. và nhân viên tại phòng làm việc của công ty trưa 25-11 - Ảnh: nhóm PV CT - XH |
Đồng thời, cán bộ này còn đòi doanh nghiệp “bồi dưỡng” những khoản chi phí “gọi là mời nhau ly nước”, nếu không chi tiền sẽ bị “gí” xử phạt.
Theo ông T., đầu năm 2014 công ty ông chuyển về Q.Bình Tân sản xuất kinh doanh với khoảng 10 công nhân. Cuối năm đó, trung úy Lê Thanh Bình đến kiểm tra, nói hồ sơ phương án chữa cháy của công ty hết hiệu lực, phải thay đổi theo thông tư mới.
“Ông Bình nói tôi phải tốn tiền làm hồ sơ mới, phía công ty phải bồi dưỡng cho hai cán bộ PCCC đến hướng dẫn 500.000 đồng/người, đồng thời tốn thêm 2 triệu đồng hỗ trợ đơn vị” - ông T. bức xúc cho biết.
Không làm dịch vụ sẽ bị “gí”
Ngày 9-11, ông T. hỏi ông Bình: “Cái đó (hồ sơ phương án chữa cháy của cơ sở) bữa anh nói nhờ dịch vụ làm tốn 3 hay 3 triệu rưỡi?”.
Ông Bình trả lời: “Đúng rồi, cái đó nhờ anh em làm, trình ký hết rồi. Bây giờ chỉ cần anh lên ký nữa là hợp lệ”. Ông T. nói mình đang kẹt tiền, ông Bình nói ngay: “Không, tại cái này làm trước đó rồi chứ không phải tôi làm giá cả với anh”.
Ông Bình lý giải thêm: “Nếu anh làm không được thì nhờ dịch vụ làm. Làm xong rồi thì đừng có bàn tới bàn lui, chậm trễ tôi đi học, người khác về quản lý ráng chịu nha”.
Ngày 18-11, ông Bình gọi điện thoại cho ông T. thông báo “sắp tới sẽ đi học” và cử ông Khang (thiếu úy Nguyễn Huy Khang, cùng đơn vị) ghé gửi hồ sơ. “Anh kêu lính trả kinh phí cho Khang đi” - ông Bình hối thúc.
Ông T. xin dời lại cuối năm, ông Bình gắt: “Sao lại cuối năm, bây giờ người ta kiểm tra anh không có hồ sơ họ phạt 7 triệu. Đúng ra hôm bữa tôi phạt rồi, nhưng có người năn nỉ xin cho anh nên tôi kêu Khang làm giúp anh hồ sơ”.
Ông T. hỏi: “Kinh phí gửi ai?”. Ông Bình nói: “Kinh phí bao nhiêu nói rồi, cứ gọi cho Khang, chứ nói qua nói lại chuyện này không hay lắm”.
Sau nhiều ngày không thấy ông T. phản hồi, sáng 25-11 ông Bình gọi điện thoại hẹn gặp “giải quyết cho xong”. Ông T. tiếp tục xin cho trễ ít ngày thì ông Bình nói: “Anh tranh thủ kiếm giùm gấp đi. Công ty có quỹ riêng mà”.
Ông T.: “Bây giờ hết sạch tiền”, ông Bình nổi nóng: “Tôi nói thẳng cái hồ sơ của anh không đáng gì đâu, bỏ cũng được. Không phải anh em cần hồ sơ, kinh phí của anh đâu mà anh cứ hẹn, tôi không thích”.
Ngừng một lúc, ông Bình dọa: “Ngày 15-11 là hết quý 4 rồi đó, bây giờ anh không làm, qua quý 1-2016 người ta được quyền xử phạt anh. Bị gí anh đừng nói ông Bình không chịu giao hồ sơ, tôi gọi năn nỉ anh hôm nay là cuộc thứ 4 rồi mà anh không nhận, tôi sẽ hủy”.
Ra giá
Sau khi trao đổi qua điện thoại, khoảng 10g ngày 25-11 ông Bình cùng ông Khang xách cặp đến công ty ông T..
Đề cập “thủ tục” thực tập phương án PCCC, ông Bình nói: “Tốn kém lắm, tôi nói anh nghe phải huy động 6 đơn vị, mỗi đơn vị ít nhất phải 2 (2 triệu đồng) trở lên mới làm được cho anh”.
Ông T. hỏi có cách nào giảm bớt chi phí không, ông Bình: “Tôi hiểu ý anh, thà anh lên tiếng như vậy. Nếu vậy bây giờ để kéo giảm chi phí xuống thì bỏ bớt hình thức. Cái này mỗi công ty có khả năng khác nhau, có nhiều thì hỗ trợ nhiều, ít thì hỗ trợ ít”.
Theo ông Bình, thực tập phương án PCCC là khâu bắt buộc, nhưng sẽ châm chước với điều kiện: “Nếu đoàn kiểm tra hỏi có tổ chức huấn luyện không thì anh nói là có, chứ đừng nói tôi xuống đây làm giấy tờ thôi, chết luôn”.
Ông T. hỏi thẳng tổng cộng chi phí bao nhiêu, ông Bình: “Bồi dưỡng cho hai cán bộ xuống hướng dẫn là 500.000 đồng/người, kế hoạch phương án thực tập cho đơn vị là 2 triệu đồng, còn hồ sơ anh gửi 3 (3 triệu đồng). Bữa trước tôi nói 3,5 triệu đồng nhưng anh năn nỉ quá tôi bớt 5 xị”.
Nhùng nhằng một lúc, ông T. quyết định không nhận hồ sơ mà ông Bình nhờ dịch vụ làm.
Ông Bình lôi hồ sơ ra, cầm viết dọa: “Tôi sẽ mang hồ sơ về. Bây giờ tôi viết biên bản, tại thời điểm kiểm tra hôm nay anh không xuất trình được hồ sơ tổ chức tuyên truyền và thực tập phương án PCCC. Tôi lập quyết định phạt anh hai cái là 11,5 triệu đồng”.
Nghe vậy, ông T. lo sợ hứa thu xếp gửi chi phí thì ông Bình nhẹ giọng hướng dẫn: “Bữa sau anh đưa lên trên đó (Phòng cảnh sát PCCC Q.Bình Tân), kế hoạch tổ chức tuyên truyền ghi phong bì là kính gửi cảnh sát PCCC 1 (1 triệu đồng) dán niêm phong lại. Cái thứ hai, kế hoạch thực tập PCCC trong năm 2 (hai triệu đồng)”.
“Đó là lỗi của tôi” Ông Bình khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ vào ngày 4-12. Theo ông Bình, nếu đúng quy định thì hồ sơ “phương án chữa cháy của cơ sở” phải do ông T. tự làm, hoàn thành 18 mục. Hồ sơ làm xong, ông T. giữ một bộ và gửi ông Bình một bộ. Tuy nhiên khi được hỏi tại sao không làm hồ sơ đúng quy định, ông Bình thừa nhận: “Đó là lỗi của tôi”. Ông Bình lý giải: do trước đây phía công ty có làm dịch vụ hồ sơ tương tự từ một cán bộ PCCC khác. Hiện hồ sơ ấy đã cũ, theo quy định phải làm mới nên “ông T. có nhờ và tôi nhờ người làm luôn”. Khi đề cập vấn đề ông T. bức xúc vì bị đề nghị bồi dưỡng cho cán bộ, đơn vị lập phương án thực tập PCCC, ông Bình nhận mình “nói chuyện hơi dở” và cho rằng: “Cái đó không bắt buộc, chỉ là mang tính chất hỗ trợ đơn vị chăm lo đời sống anh em, có cũng được, không có cũng được. Thực tập PCCC có nhiều lực lượng tham gia, doanh nghiệp làm ăn phải biết vấn đề đó, có cái gọi là mời nhau ly nước”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận