16/11/2016 15:25 GMT+7

Voi Tây nguyên kêu cứu - Kỳ 1: Những cái chết của voi

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
THÁI BÁ DŨNG ([email protected])

TTO - Thống kê cho thấy trong vòng 7 năm, từ 2009-2016, đã có ít nhất 22 con voi bị chết bởi các lý do: dính bẫy, bị giết để cưa trộm ngà, chết bệnh, rớt hố…

Các chuyên gia về voi đang điều trị cho voi Thoong Ngân sau khi bị cưa trộm ngà - Ảnh: Trung tâm cứu hộ voi cung cấp
Các chuyên gia về voi đang điều trị cho voi Thoong Ngân sau khi bị cưa trộm ngà - Ảnh: Trung tâm cứu hộ voi cung cấp

Từ năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho thành lập trung tâm cứu hộ voi. Câu chuyện cứu những con voi cuối cùng ở Tây nguyên đang cấp thiết hơn lúc nào hết.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, ông Huỳnh Trung Luân, cung cấp cho chúng tôi một số liệu đau lòng: từ hàng trăm con, đến đầu tháng 10-2016 này số voi nhà toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn lại 44 con. Tây nguyên chỉ còn Đắk Lắk là có voi. Đắk Lắk thì voi cũng chỉ có ở huyện Lắk và Bản Đôn.

Trong khi đó, chỉ cách vài cây số dẫn vào bìa rừng Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, đàn voi rừng bất chấp tính mạng vượt “lằn ranh đỏ” với con người để phá hoa màu, tìm cái ăn. Sự sống của voi rừng cũng đang cấp bách và kham khó.

Đến bây giờ chúng tôi cũng không thể hiểu nổi vì sao người ra tay chém Pắk Cú lại có thể tàn bạo đến như thế. Chắc là phải có thù hằn gì đó ghê gớm lắm

Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn

Cái chết của voi Pắk Cú

Cái chết của Pắk Cú - chú voi nhà hiền lành của Công ty du lịch sinh thái Bản Đôn - cuối năm 2010 khó có thể quên đối với những người yêu mến voi ở Đắk Lắk.

Nhắc lại cái chết của Pắk Cú, một cán bộ kiểm lâm của VQG Yok Đôn chùng giọng: “Đến bây giờ chúng tôi cũng không thể hiểu nổi vì sao người ra tay chém Pắk Cú lại có thể tàn bạo đến như thế. Chắc là phải có thù hằn gì đó ghê gớm lắm”.

Rạng sáng 17-10-2010, nài voi của Pắk Cú đã chứng kiến cảnh tượng đau lòng: Pắk Cú không còn luẩn quẩn thong dong nghỉ ngơi ở đám rừng dầu như mọi ngày.

Nơi Pắk Cú thường đứng gặm cỏ loang lổ vết máu, sợi xích dùng để buộc dưới chân chú voi nhà nặng gần 3 tấn này đã bị bứt đứt, trảng cỏ tranh bị xé toang, bùn đất bê bết...

Ngay lập tức thông tin được báo về cho chủ voi - Công ty du lịch sinh thái Bản Đôn. Hàng chục người được huy động khẩn cấp dò theo từng vết máu trên cây cỏ, dò từng bước chân để tìm Pắk Cú thì chứng kiến cảnh tượng đau lòng: Pắk Cú nằm thở dốc bên một mô đất giữa rừng, thấy người quen tới, Pắk Cú rướn mắt nhìn đau đớn, trào nước mắt.

Phần lưng, mông và chân voi Pắk Cú chi chít hàng trăm vết chém, nhiều vết cắm sâu vào phần thịt, máu ra đầm đìa. Trên vùng da ở mặt, lưng cũng bị kẻ ác đổ xăng đốt cháy. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, nài voi lẫn chủ voi bưng mặt khóc.

Nhiều cán bộ tham gia cứa chữa, điều trị cho Pắk Cú kể rằng ròng rã nhiều tháng sau đó toàn bộ các hoạt động tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn đều được tạm ngưng để tập trung chạy chữa cho chú voi lâm nạn.

Các bác sĩ lẫn nài voi có kinh nghiệm trong việc cứu chữa voi được mời về dồn sức giữ Pắk Cú ở lại với Bản Đôn nhưng không thành.

8g sáng 6-1-2011, Pắk Cú ngã gục xuống đất, hai chân dõng ra, đầu hướng về phía trước, trút hơi thở cuối cùng. Chú voi có cặp ngà đẹp nhất nhì Bản Đôn đã chết. Cái chết của Pắk Cú gây chấn động dư luận.

Sau cái chết của Pắk Cú, các con voi nhà ở Bản Đôn được đặt trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt. Những vụ cắt trộm đuôi, hành hạ voi ở Bản Đôn vẫn lén lút diễn ra. Giữa năm 2015, một vụ cưa trộm ngà voi lại xảy ra khiến một con voi nhà thuộc sở hữu của VQG Yok Đôn mất một chiếc ngà.

Voi phục vụ du lịch ở Bản Đôn - Ảnh: B.D.
Voi phục vụ du lịch ở Bản Đôn - Ảnh: B.D.

 

Sống trong đe dọa

Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết từ năm 2009 đến nay đã có ít nhất sáu chú voi đực bị cưa trộm ngà. Hầu hết các vụ này cho đến nay vẫn chưa biết thủ phạm.

Nài voi Y Vi Xiên - quản tượng của voi Y Thoong Ngân - kể rằng sáng 14-7-2015 khi ra rừng tìm voi để đưa về vườn thì thấy Y Thoong Ngân trong tình trạng hoảng loạn, chiếc ngà bên phải của Thoong Ngân xuất hiện một vết đứt ăn sâu vào 2/3 ngà, rỉ tủy ra bên ngoài.

Các chuyên gia về voi nhận định trong đêm thả vào rừng kiếm ăn, voi đã bị kẻ trộm kẹp chặt để cắt lấy ngà.

Ngay sau đó, các bác sĩ cả trong lẫn ngoài nước được huy động về Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk dùng thuốc đắp, sơ cứu và miệt mài chữa trị cho chú voi đực này. Sau đó, chiếc ngà của voi buộc phải cắt bỏ vì không còn cách nào khác.

Ở Tây nguyên, bình quân mỗi năm có ba con voi bị chết. Từ đầu năm 2016 tới nay đã có ít nhất bốn vụ voi rừng gặp nạn, hầu hết là rớt hố nước nhân tạo do người dân đào để lấy nước tưới tiêu.

Ông Nguyễn Văn Danh - thôn 2, xã Ea Kiết - kể rằng sáng 17-2 khi ông ra thăm rẫy cà phê thì phát hiện xác một voi con nặng khoảng 1,4 tạ.

Chú voi này sau đó được xác định là voi con, mới sinh, theo đàn voi rừng vào vườn rẫy của người dân để uống nước rồi mắc lầy dẫn đến kiệt sức.

Đúng 5 tháng sau, ngày 4-7, trong lúc đi tuần tra rừng, nhiều kiểm lâm VQG Yok Đôn tá hỏa khi phát hiện xác một voi rừng nặng khoảng 1,5 tạ đang giai đoạn phân hủy dưới một hố sình lầy trong vùng đệm VQG Yok Đôn. Chú voi này cũng được nhận định là chết do rớt phải hố nước.

Tiếp đó, tới ngày 28-8 tiếp tục ghi nhận thêm một con voi rừng khác đã chết, chú voi này nặng khoảng 1 tạ, trên dưới 3 tháng tuổi.

Ông Huỳnh Trung Luân cho biết hiện số lượng voi sụt giảm có sự tác động rất lớn của con người. Đó là tình trạng phá rừng gia tăng làm suy giảm môi trường sống của voi rừng, việc phát rừng làm nương rẫy ở vùng giáp ranh VQG khiến voi thường xuyên va chạm với con người trong những lần di chuyển.

Một nguyên nhân khác là hiện nay người dân canh tác sản xuất đã tạo ra các hố sâu, ao hồ để lấy nước tưới tiêu khiến voi khi xuống uống nước thường gặp nạn và không tự giải thoát được.

Trong khi đó đối với đàn voi nhà, tình trạng bóc lột sức lao động để phục vụ du lịch, ăn uống kham khổ đã làm voi nhà yếu dần rồi chết mòn trong buôn làng...

Bia tưởng niệm

Trong khuôn viên Khu du lịch cầu treo Bản Đôn, du khách khi tới tham quan được hướng dẫn đến khu tưởng niệm hai chú voi đã qua đời là voi Pắk Cú và H’Panh. Trên tấm bia tưởng niệm sau cái chết của Pắk Cú ghi những dòng sau đây:

“Với bản tính hiền lành, thân thiện, Pắk Cú được người lớn, trẻ con yêu thích. Khoảng 21g ngày 16-10-2010, trong cơn mưa cuối mùa Pắk Cú bị một lũ người vô nhân tính sát hại bằng xăng và hung khí, 217 vết chém trên cơ thể, trong cơn đau đớn tột cùng, Pắk Cú cố gồng xích thoát thân được.

Nhưng do vết thương quá nặng, Pắk Cú đã vĩnh biệt lúc 8g ngày 6-1-2011 ở tuổi 33. Sự ra đi của voi Pắk Cú đã để lại trong lòng du khách, toàn thể cán bộ công ty một sự cảm thương, một sự trống vắng và tiếc thương, nhung nhớ vô bờ...”.

Kỳ tới: Cuộc giải cứu voi Jun

THÁI BÁ DŨNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp