Phóng to |
Theo nghiên cứu mới đây, voi mamút tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu chứ không phải do con người |
Theo nhiều nhà nghiên cứu, voi mamút lông là một loài khỏe mạnh, đông đúc và phát triển rất mạnh trong thời gian xuất hiện trên hành tinh xanh, do đó lý do khiến chúng tuyệt chủng chỉ có thể do bị con người săn bắn.
Nhưng theo nhóm nghiên cứu mới do TS Love Dalen thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển đứng đầu, nghiên cứu của họ sẽ làm thay đổi quan điểm đó.
BBC ngày 11-9 cho biết nhóm của TS Dalen đã làm việc với các nhà nghiên cứu ở London để phân tích mẫu ADN từ 300 mẫu vật voi mamút lông được thu thập từ các nghiên cứu trước đó.
Họ phát hiện loài này gần như bị tuyệt chủng vào 120.000 năm trước, khi thế giới ấm lên trong một thời gian. Giai đoạn này, voi mamút lông giảm từ vài triệu con còn hàng chục ngàn con, nhưng hồi phục vào kỷ băng hà.
Nghiên cứu cũng phát hiện giai đoạn voi mamút lông sụt giảm mạnh dẫn đến tuyệt chủng bắt đầu từ 20.000 năm trước khi kỷ băng hà ở đỉnh điểm, chứ không phải từ 14.000 năm trước khi thế giới bắt đầu nóng trở lại như nhận định trước đây.
Theo nhóm nghiên cứu, có thể giai đoạn này khí hậu rất lạnh khiến cây cỏ không mọc được dẫn đến voi mamút lông bị khan hiếm thức ăn và khi kỷ băng hà kết thúc, voi mamút cũng không còn do các đồng cỏ mà chúng phụ thuộc đã bị thay thế bởi các khu rừng (ở phía nam) và lãnh nguyên (ở phía bắc).
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận