Sóng liên lạc quá yếu, tiếng được tiếng mất, chúng tôi phải gọi đi gọi lại biết bao nhiêu lần mới có thể trao đổi được thông tin về danh sách đầy đủ của những người bị nạn. Trong những cuộc nói chuyện ngắt quãng ấy, tự dưng tôi có cảm giác đó là hai con người đặc biệt.
Anh Nguyễn Duy Đức (phải) |
Đêm thứ sáu 13-12, đêm cuối cùng của các anh tại Philippines, chúng tôi ngồi lại cùng nhau ở một tiệm cà phê nhỏ gần nhà tôi. Và tôi đã được nghe các anh trải lòng về cuộc đời mình.
Vào sinh ra tử
Hóa ra tôi đang ngồi trước hai người lính. Anh Nguyễn Hùng từng là bộ đội vào sinh ra tử. Nhập ngũ năm 1986, anh nguyên là khẩu đội trưởng tiểu đội pháo binh 130 ly, Lữ đoàn 146, Tiểu đoàn 862. Anh đã có hai năm đóng quân ở Trường Sa và từng tham gia hải chiến Trường Sa vào ngày 14-3-1988.
“Rất nhiều đồng đội của tôi bị mất tích, một số hi sinh, một số bị thương. Tôi đã thoát chết một cách kỳ diệu” - anh Hùng đăm chiêu chia sẻ.
Giải ngũ vào năm 1989, anh Hùng trở về quê làm ruộng. Cuộc sống khốn khó và chật vật khiến anh phải xoay xở đủ đường. Rồi theo sự gợi ý của một số người Việt sống ở Philippines, anh mạnh dạn quyết định sang đây làm ăn buôn bán nhỏ. Cũng theo sự chỉ dẫn của họ, anh tìm đến Tacloban, một thành phố ven biển nơi có một số người Việt cùng quê với anh (Tuy Hòa, Phú Yên).
Trong những năm đầu, mỗi năm anh Hùng đều cố gắng dành dụm quay trở lại Việt Nam để thăm người vợ trẻ của mình. Sau khi vợ sinh được hai đứa con, để nuôi con ăn học, anh Hùng quyết định tiết kiệm tiền đi lại, ở lại Philippines để gửi tiền về cho vợ con.
Cũng sang Tacloban 13 năm trước như anh Hùng, anh Nguyễn Duy Đức chưa lần nào trở lại quê hương. Từng là một trong những anh bộ đội đầu tiên vào tiếp quản miền Nam sau ngày giải phóng, anh đã đóng quân ở ranh giới Phú Khánh và Đắk Lắk.
“Sau bốn năm quân ngũ, tôi trở về quê và xoay xở với đủ nghề. Đùng một cái tôi bị ung thư đại tràng. Chạy khắp nơi chữa trị, gia đình tôi kiệt quệ vì vốn liếng 5 cây vàng tiêu tan”. Thương vợ và ba đứa con nhỏ, sau khi khỏi bệnh anh Đức quyết định phiêu bạt sang Philippines để làm ăn buôn bán nhỏ.
“Mười ba năm không về, nhớ vợ con lắm chứ chị, nhưng biết làm sao. Tiết kiệm được bao nhiêu, mỗi tháng tôi đều đặn gửi về nuôi con ăn học”. Với sự tự hào, anh cho biết 2 đứa con của anh đã tốt nghiệp cao đẳng, đứa út sẽ tốt nghiệp đại học vào năm tới.
“Nhưng ở nhà khó xin việc lắm chị ơi, con trai tôi ngày xưa làm cho một công ty xây dựng rồi được điều sang làm công nhân ở Lào. Lương thì thấp, tôi sợ con sẽ bị sốt rét nơi rừng rú nên đưa nó sang đây buôn bán với tôi” - anh nói.
Những nguy hiểm trong nghề
Cả anh Hùng và anh Đức cho biết việc làm ăn của các anh trước cơn bão Haiyan cũng không đến nỗi nào. Hằng ngày, các anh chở quần áo, giày dép và đồ dùng gia đình đi bán. Hầu hết khách hàng của các anh là người dân nghèo nên dù các món hàng có giá trị thấp họ vẫn phải trả góp.
“Để có khách hàng, chúng tôi thường đi vào các vùng núi, nơi chính phủ kiểm soát ban ngày còn phiến quân kiểm soát vào chiều tối và ban đêm. Để có khách, chúng tôi phải liều mình” - anh Hùng cho biết.
Anh Đức nói thêm rằng để bán được cho khách hàng ở đó, các anh đã học tiếng bản xứ để người ta không biết mình là người nước ngoài. “Nếu gặp khách chưa quen, chúng tôi phải nói rất ít để người ta không phát hiện được mình là người Việt”.
Dù chưa gặp nguy hiểm trong vùng bị phiến quân chiếm đóng, nhưng anh Đức đã hai lần suýt chết dưới họng súng của những kẻ cướp có vũ khí. “Tôi đi bỏ hàng và thu tiền bằng xe máy, vì thế có thể bọn cướp đã theo dõi tôi một thời gian. Một ngày, khi tôi đang đi trên con đường vắng, chúng áp sát xe tôi rồi xô tôi ngã”. Cú ngã bất ngờ làm anh gãy hai chiếc xương bả vai và xương sườn, chân tay trầy xát nặng. Khi anh lăn vào lề đường, những tên cướp nhảy xuống, gí súng vào anh. Lần đó chúng cướp đi của anh khoảng 30.000 peso (tương đương 15 triệu đồng). Nhưng may mắn, anh không bị mất sổ ghi nợ.
Dù anh Đức đã thông báo với cảnh sát, nhưng chỉ ba ngày sau đó anh tiếp tục bị ba tên cướp chặn đường, xô ngã. Lần này anh phải tự động móc hết tất cả tiền để đưa cho chúng. Lo cho tính mạng của mình, từ đó anh Đức không thể đi bỏ hàng và thu tiền bằng xe máy mà chỉ dám đi xe jeepney (một loại phương tiện công cộng, giống như xe lam của Việt Nam).
Thoát chết thần kỳ
Giờ đây, anh Hùng và anh Đức vẫn còn bàng hoàng về những gì xảy ra trong và sau siêu bão Haiyan. Là dân miền biển và dạn dày kinh nghiệm với bão tố, cả hai anh không thể ngờ rằng cơn bão này lại có sức tàn phá khủng khiếp đến vậy.
Anh Nguyễn Hùng (trái) và anh Nguyễn Duy Đức |
Ngày bão đến, anh Nguyễn Hùng ở trong nhà với đứa cháu của mình (Trần Văn Quyền). Anh và Quyền đang trú trên phòng ngủ ở tầng 2 thì bị bão hất tung nóc nhà. Cả hai đành phải chạy xuống tầng 1 và chui xuống gầm phản để tránh những đợt gió đang thốc vào dữ dội. Nhưng nước càng ngày càng dâng rất cao khiến hai người phải chui từ gầm phản và chạy lên cầu thang.
“Tôi sợ lắm nhưng phải cố gắng bình tĩnh để trấn an cháu tôi. Chúng tôi xoay xở lấy mũ bảo hiểm đội lên đầu để tránh những thứ nguy hiểm đang bị bão quật ngã”. Nhưng rồi sức người cũng có hạn, khi đang đứng bám vào lưng chừng cầu thang trong ngôi nhà đã bị tốc mái của mình, anh Hùng bị gió nhấc bổng lên và quật xuống.
“May mắn tôi đội mũ bảo hiểm nên không chết”, anh Hùng nói và cho tôi xem dấu những vết cắt khá sâu trên cổ tay. Và cũng thật may mắn, nhà anh ở khá xa bờ biển nên nước không dâng quá cao. Nếu anh ở gần biển, nơi nước dâng lên đến 7m thì chắc chắn anh cùng với cháu mình đã bỏ mạng.
Nhà cửa tan hoang, không có đồ ăn thức uống, nhưng anh Hùng và Quyền vẫn phải bám trụ trong nhà. Tình trạng cướp bóc đang hoành hành bên ngoài, và nếu họ xuất hiện rất dễ bị bỏ mạng vì người xung quanh biết họ là dân làm ăn buôn bán. “Sau nhà tôi là một cái mương, xác người chết dồn lên quanh đó, càng ngày càng thối nồng nặc. Ở trong nhà, tôi và cháu phải đeo khẩu trang, lâu lâu mới hé ra một chút để thở”, anh lắc đầu, nhớ về những ngày kinh khủng.
“Trong cơn bão, chúng tôi thoát chết nhờ đống rác đẩy cây dừa chúng tôi đang bám vào gần ngôi nhà 2 tầng. Sau khi bão tan, tôi cùng con trai và con rể quyết định đi về trung tâm thành phố Tacloban để tìm sự giúp đỡ. Nước vẫn đang cao nên chúng tôi phải cởi bỏ quần áo để có thể lội nước. Lội nước đến đường cao tốc, chúng tôi thấy đó là một đống rác ngổn ngang. Rác là những thân cây, những gì còn lại của những ngôi nhà. Và có khi rác là cả một ngôi nhà còn nguyên vẹn bị sóng đẩy ra khỏi móng, đứng sừng sững giữa quốc lộ. Không có giày, chúng tôi phải leo qua những đống đổ nát, len đôi chân trần qua những xác người. Nước và xác người dập dềnh khắp nơi. Nếu chị ở đó, chắc chắn chị không dám đi”, anh Đức kể.
Khi về đến trung tâm Tacloban và tìm đến nhà một người cháu, chân anh Đức có một lớp nhớp nháp đen, như lớp mỡ người, rửa mãi không hết.
Lòng tốt của người Philippines
Anh Hùng cho biết chính những hàng xóm Philippines tốt bụng đã cứu sống anh và cháu anh đầu tiên. Thấy anh và Quyền không dám ra khỏi nhà, họ len lỏi qua những thân cây đổ, chui vào tiếp tế cho anh và Quyền những mẩu bích quy, những chai nước họ xin được từ hàng cứu trợ. Một người hàng xóm tốt bụng khác đã lặn lội hàng chục cây số đến Tòa thị chính thành phố Tacloban để giúp anh chuyển tin nhắn về cho những người thân ở Việt Nam là anh vẫn còn sống.
Nhưng rồi khi nghe tin một người Philippines bị giết chết chỉ vì hai chai nước, thấy tình hình quá nguy hiểm, anh Hùng quyết định cùng cháu mình đi bộ về trung tâm thành phố để tìm những người Việt khác.
“Trước khi đi, chúng tôi và hàng xóm người Philippines ôm nhau khóc. Tôi bảo họ khi nước rút, cứ vào nhà của tôi thuê và lấy được gì thì lấy. Tôi mang ơn lòng tốt của họ suốt cuộc đời này. Chính họ là những người đầu tiên đưa tôi từ cõi chết trở về”.
Cả anh Hùng và anh Đức cho biết tình trạng cướp bóc kinh hoàng sau bão ở Tacloban gây ra bởi những người tù vượt ngục và bởi một số ít phần tử xấu. “Đất nước Philippines là một đất nước kỳ lạ - anh Hùng nói - Hầu hết những người Philippines ở đây rất chân thành và tốt bụng”.
“Khi đi lấy tiền từ những người bán trả góp, chúng tôi không bao giờ phải đếm”, cả anh Hùng và anh Đức khẳng định. “Trong nhiều năm làm ăn buôn bán, chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào gian lận. Nhiều khi họ đưa cho mình nhiều chồng tiền xu, mình về nhà đếm lại thì chính xác đến từng peso”, anh Đức nói.
Còn anh Hùng kể một lần anh chạy xe máy và túi đựng tiền của anh bị bung. Những đồng tiền có giá trị 100 peso (khoảng 50.000 đồng) cứ thế được rải trên quãng đường cả kilômet mà anh không hề hay biết. “Lúc đó, có một người Philippines đằng sau tôi nhặt tiền và đuổi theo tôi để trả lại” - anh Hùng kể.
“Còn tôi thì một lần mua cá ở chợ nhưng đầu óc lơ đãng nên quên lấy. Ngày hôm sau trở lại, người bán cá gọi tôi, đưa tôi một túi cá mới” - anh Đức nói.
Tôi hỏi liệu hai anh có buồn khi phải xa đất nước này. “Buồn chứ, buồn lắm - anh Hùng đăm chiêu - Nhiều người Philippines đã dạy cho tôi cách sống tốt hơn. Hàng xóm tôi nhiều khi có hơn một chục người sống trong một ngôi nhà nhỏ mà quanh năm họ hòa thuận, không hề cãi nhau”.
Thấy tôi lo lắng về quãng thời gian sắp tới khi các anh phải đương đầu với biết bao sự tò mò của báo chí và với áp lực của cuộc sống ở quê hương, cả hai đều cười xòa.
“Đừng lo cho chúng tôi. Với bản lĩnh của người lính, chúng tôi sẽ ổn” - anh Hùng nhắn tin cho tôi, trước khi chiếc máy bay đưa anh và anh Đức lên bầu trời lộng gió của thành phố Manila. Nhìn về đường viền phía chân trời, tôi thấy vòng tay của đất mẹ đang mở rộng để đón những người con yêu dấu trở về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận