06/07/2018 10:38 GMT+7

Vô tư với 'tiền vay bạc hỏi' và nỗi khổ... 'nợ vây'!

LƯU NGỌC
LƯU NGỌC

TTO - Vay nhanh, không cần thế chấp, có thể vay mọi lúc mọi nơi, nhận tiền sau vài ngày... Những lời quảng cáo lúc nào cũng có vẻ dễ dàng thuận lợi. Cầm tiền rồi mới bắt đầu nỗi khổ “nợ vây”.

Vô tư với tiền vay bạc hỏi và nỗi khổ... nợ vây! - Ảnh 1.

Những mảnh giấy như thế này có khắp mọi nơi, gỡ không xuể. Ảnh chụp trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM -Ảnh: TỰ TRUNG

"Giờ vay tiền dễ lắm! Người ta chỉ cần chụp hình chứng minh nhân dân thôi. Có thể vay bốn chục triệu đồng, mỗi tháng trả 2,5 triệu, trong vòng 20 tháng. Ba ngày có tiền liền. Lãi vậy cũng rẻ mà..." - chị bán cháo lòng nói với chị bán rau củ ở chợ phường nhà tôi...

Nhận tiền, xài tiền rồi mới tá hỏa! Cuộc sống bất an khi những người cho vay ra tay xiết nợ. Để không vướng vào thảm cảnh nợ nần, cần tính đúng mức lãi suất, hiểu đúng những ràng buộc về việc trả nợ trước khi cầm tiền vay.

Lưu Ngọc


Vay dễ như không

Chị ở nhà thuê, chỗ buôn bán cũng thuê, lúc nào chị cũng cười tươi rói. Chị bán rau hỏi: "Bà tính vay tiền mua gì?". Chị bán cháo lòng tỉnh bơ: "Tui ham cái xe tay ga"... Chị bán rau lại nói: "Bà bán suốt ngày vầy, mua xe xịn rồi chạy lúc nào, chạy đi đâu?". 

Tôi nghĩ: sáng chị bán cháo lòng, chiều bánh xèo, quán luôn đông khách... Sống vui vẻ vậy, giờ tự nhiên muốn "ôm nợ"? Mượn 40 triệu, sẽ phải trả 50 triệu, lãi suất 25% là rẻ sao?... 

Mà có lẽ là "rẻ" thật vì nghe nói có nơi cho vay lãi "cắt cổ" hơn nhiều, có khi đến 50%/tháng. Có khi họ nói mức lãi chỉ có 10%/tháng nhưng khi nhận tiền họ tăng lên thành 20% kèm các kiểu đe dọa. 

Có khi vay 100 triệu đồng, sau sáu tháng cả vốn lẫn lãi thành 400 triệu! Những người cho vay ban đầu vui vẻ nói cười tình cảm lắm, khi "con nợ" trễ hạn sẽ thấy ngay trước mắt mình là những tay "giang hồ xăm trổ đầy mình"...

Tôi quen một cô gái phụ bán quán cà phê ở TP.HCM. Sau một lần bị chủ quán la rầy, cô tức giận bỏ về quê ở Long An, vay 40 triệu đồng mở cái quán để mình làm chủ. Vay nhanh gọn nhận tiền sau một tuần, trả góp 4 triệu đồng/tháng, trong 12 tháng. 

Cô đã "sốc" khi số tiền được nhận chỉ có 30 triệu thay vì 40 triệu đồng như thỏa thuận miệng. Giở giấy tờ thì thấy có ghi rõ điều khoản bên vay phải trả trước 10 triệu đồng tiền vốn, và cô đã ký tên mà không đọc.

Trả nợ được 4 tháng, quán ế ẩm, lời không đủ trả nợ, cô chạy mượn tiền người thân, muốn trả nợ trước hạn. Họ tính: còn nợ 8 tháng, tổng tiền phải trả là 32 triệu. Vì bên vay "vi phạm hợp đồng" nên số tiền 10 triệu không được trừ lại. Coi như cầm của họ 30 triệu, trả được 16 triệu, giờ còn nợ 32 triệu! 

Đi hỏi khắp nơi, cô được giải thích là khó có thể kiện thưa vì "giấy tờ vay" chỉ có chữ ký, không có dấu mộc bên cho vay. Chỉ có một người giao tiền và nhắc nợ, thu tiền hằng tháng, khi cần họ gọi điện thoại! Một tuần trước ngày hẹn trả nợ, anh ta đã gọi đòi rát mặt!

Và nỗi khổ "nợ vây"

Những chuyện lỡ vay và bị "nợ vây" kiểu này không còn cá biệt ở địa phương nào. Từ thành thị về nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, ở đâu cũng nghe chuyện "tín dụng đen", "cho vay không cần thế chấp". 

Nhiều nhóm cho vay nặng lãi bị công an bắt khi đang tàng trữ hàng nghìn tờ rơi quảng cáo "dịch vụ nhanh, gọn, dễ dàng, không cần thế chấp", hàng trăm hợp đồng cho vay, rất nhiều giấy tờ tùy thân của con nợ (chứng minh nhân dân, hộ khẩu, sổ đỏ, cà vẹt...). 

Cũng không hiếm chuyện con nợ bị lột hết nữ trang, đồng hồ, điện thoại hoặc bị dọa chặt tay, chặt chân, đập nhà, đập nát mặt... vì chậm trả nợ. Nếu con nợ không có tài sản, nhà cửa cũng không hoặc đã "trốn" thì người thân của họ sẽ "chịu trận", sẽ sống không yên vì bị gọi điện đe dọa, bị chửi bới, xịt sơn, ném đồ hôi hám vào nhà...

Và đã có nhiều câu chuyện người nghèo bị xiết nhà, phải bỏ quê trốn nợ sau khi lỡ vướng vào vay lãi suất cao. Người thân trả nợ thay, con cái không yên ổn học hành... Cuộc sống bất an hơn khi những người cho vay ra tay xiết nợ. 

Nhiều người đã nói về "lãi suất cắt cổ" và "văn hóa đòi nợ" rất đáng sợ của những nhóm người cho vay không cần thế chấp này. Nhưng họ vẫn "làm ăn" được vì rất nhiều người chấp nhận vay kiểu này. 

Không ít người không rành cách tính lãi suất, thậm chí không lường được khả năng chi trả. Nhận tiền rồi, xài tiền rồi mới tá hỏa! Để không vướng vào thảm cảnh nợ chồng nợ, ai cũng cần tính đúng mức lãi suất mình phải "gánh", hiểu đúng những ràng buộc về việc trả nợ trước khi cầm "tiền vay bạc hỏi".

Những nhóm cho vay "chặt chém" vẫn đang tung hoành, cơ quan chức năng dẹp nhóm này sẽ có nhóm khác đến. Họ nhắm đến ai? Có khi là những người không có tài sản thế chấp, không có lương tháng khó có thể vay ngân hàng, vì sao họ không sợ mất vốn? 

Khắp ngõ hẻm, thôn làng không khó thấy dán giấy quảng cáo cho vay thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp. Và người vay sẽ nhận tiền sau vài ngày. Thực tế cho thấy: chỉ có người vay mới "mất" cơ hội được sống bình yên, phờ phạc, hoang mang vì lãi mẹ lãi con và "chủ nợ". 

Hầu hết thỏa thuận, hợp đồng vay (nếu có) đều bất lợi cho bên vay. Để tự bảo vệ mình, những kiểu vay nhanh, lãi "cắt cổ" này, tốt hơn hết là đừng vay!

Cho vay nặng lãi bất chấp, đòi nợ khủng bố

TTO - Vay tín chấp ngân hàng lãi suất mỗi năm chỉ 10-11%, vay từ các công ty tài chính là 40% trong khi các website lãi suất lên đến 300%-470%/năm. Cho vay bất chấp dẫn đến muôn nẻo đòi nợ kiểu khủng bố.

LƯU NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp