Phóng to |
Chiều 4-8, một người dân thuê xe chuyển gỗ ra khỏi rừng Na Lướm để chở về làm nhà - Ảnh: VŨ TOÀN |
Đi được khoảng 30 phút trên đường vào bản Na Lướm thuộc xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, chúng tôi bắt đầu bị “choáng” khi nhìn thấy vô số gỗ tròn, gỗ xẻ nằm la liệt. Lội qua chín khe suối, đi vào sâu trong các ngả rừng vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, lại gặp những gốc cây nham nhở còn hăng mùi nhựa bên cạnh những phiến gỗ lớn được cưa vuông thành, sắc cạnh xếp từng đống. Có đống gỗ phủ bạt cẩn thận. Có đống được tấp bằng lá cọ đã bạc trắng. Có đống giấu dưới hầm hố bên đường. Thấp thoáng phía sau những đống gỗ là những lán nứa tan hoang.
Phá rừng làm nhà
H., người dân địa phương dẫn chúng tôi đi, cho biết: “Từ đầu tháng 8 đến nay, sau khi rừng bị tàn phá mới có tổ kiểm lâm chốt chặn nơi cửa rừng. Từ đó, lâm tặc không còn lai vãng vùng rừng này nữa vì họ biết không thể nào chặt gỗ và đưa gỗ lậu ra được. Khu rừng này bị tàn phá từ tháng 5-2012. Nhưng bây giờ thì chuyển sang việc dân khai thác rừng để làm nhà. Nặng nhất là vùng rừng thuộc bản Na Lướm, xã Thông Thụ”.
Rời khu rừng Na Lướm, chúng tôi lại lạc vào “mê hồn trận” giữa khu tái định cư Nhà máy thủy điện Hủa Na khi những ngôi nhà vừa mới dựng lên đỏ chói, vàng chóe dưới một vùng trời. Tôi rẽ vào một bìa rừng nơi đang ầm ào tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ hỏi chuyện làm nhà của ông Lương Thịnh. Ông Thịnh nói vô tư: “Tuy được tiền đền bù nhưng chúng tôi phải vào rừng đốn gỗ về làm nhà chứ ai làm cho. Chẳng lẽ ở trong rừng mà không có cái nhà cho ra hồn để ở”.
Sẽ luân chuyển toàn bộ Hạt kiểm lâm Quế Phong “Riêng xã Thông Thụ, khi xuất hiện Nhà máy thủy điện Hủa Na thì 1.391 hộ dân phải tái định cư tại năm khu vực. Trong đó có khu vực do huyện quy hoạch, có khu vực do dân tự do tái định cư. Do đưa dân tái định cư vào các khu rừng đặc dụng nên dân vào tới đâu rừng mất tới đó là chuyện khó tránh khỏi. Sau vụ phá rừng tàn khốc ở Quế Phong, chúng tôi đang chỉ đạo chi cục kiểm lâm tiến hành kiểm điểm lãnh đạo Hạt kiểm lâm Quế Phong để xử lý kỷ luật. Tiếp đó, chúng tôi sẽ luân chuyển toàn bộ hạt kiểm lâm đến một địa bàn mới” - ông Hồ Ngọc Sĩ, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An. |
Chủ tịch xã cấp phép khai thác gỗ!
Chiều tối 3-8, ra khỏi rừng Na Lướm chúng tôi gặp 12 người dân đang hì hục chuyển những phiến gỗ táu lên xe tải. Biết là gỗ lậu vừa được kéo xuống từ khu rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Thông Thụ nhưng chúng tôi hỏi thì chủ gỗ Lương Văn Tâm (trú ở thôn Hiệp Phong, xã Thông Thụ) chìa ngay giấy “xin khai thác lâm sản”, nói: “Chúng tôi không có nhà nên xin UBND xã vô rừng chặt gỗ về làm chứ không phải tự ý phá rừng”.
Chúng tôi xem giấy “xin khai thác lâm sản” và thật không ngờ khi thấy chủ tịch UBND xã Thông Thụ ký. Trong giấy phép này không giới hạn thời gian khai thác, không quy định khai thác loại gỗ nào, ở đâu và số lượng bao nhiêu.
Vừa lúc, chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lữ Đình Thi đi từ Na Lướm ra thấy vậy dừng xe lại. Chúng tôi đưa giấy “xin khai thác lâm sản” này cho ông Thi xem. Ông Thi nói: “Xã làm thế này sai rồi. Không có chủ tịch cấp nào cho phép khai thác kiểu phá rừng như thế này được”.
Chúng tôi hỏi: “Với trách nhiệm là chủ rừng, ông nghĩ sao khi rất nhiều trường hợp tương tự thuộc các dự án thủy điện đã xảy ra tại những khu rừng đặc dụng do huyện Quế Phong quản lý?”. Ông Thi nói: “Một mình tôi thì làm sao được. Riêng khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập năm 2001, nhưng đến nay chưa có ban quản lý nên huyện rất khó khăn trong việc bảo vệ rừng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận