Ở mạng xã hội Facebook có rất nhiều fanpage được lập dưới danh nghĩa các trang tin tức & truyền thông, y tế, sức khỏe... Sau đó, các trang này sẽ tổ chức các cuộc thi viết và thi ảnh online để thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Vô tư công bố thông tin cá nhân
Trang của một cửa hàng chuyên bán thuốc tăng trưởng chiều cao đang tổ chức cuộc thi ảnh trẻ em online. Một trang khác dành cho mẹ và bé cũng tổ chức cuộc thi "ảnh nhí"...
Thể lệ tham gia cuộc thi vô cùng đơn giản: phụ huynh gửi ảnh con mình kèm theo các thông tin cá nhân qua tin nhắn Facebook hoặc Zalo. Ảnh và thông tin cá nhân của trẻ được đăng lên, phụ huynh sẽ kêu gọi người thân, bạn bè vào bình luận, like, chia sẻ sao cho có "nhiều like, nhiều lượt chia sẻ nhất" sẽ giành chiến thắng.
Nhìn qua những cuộc thi này có vẻ rất hấp dẫn, phụ huynh được dịp "khoe" con và nếu biết cách kêu gọi, có nhiều lượt like nhất còn nhận được giải thưởng. Nhưng cũng dễ thấy đây là một kiểu lấy thông tin cá nhân rất nhanh, rất dễ và miễn phí.
Các cuộc thi yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân quan trọng như họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email... Thậm chí nhiều trang còn "đòi" các thông tin khác như công việc hiện tại, các mối quan hệ gia đình, bạn bè hoặc kể cả số tài khoản ngân hàng, số CCCD/CMND...
Điều đáng nói, ở mỗi cuộc thi kiểu này luôn quy tụ đông đảo phụ huynh từ mọi miền tham gia. Hiện nay đã xuất hiện nhiều trang thi viết, thi ảnh về đủ mọi đối tượng và lứa tuổi. Cứ thế, người dự thi đang biếu không thông tin cá nhân quan trọng của mình, của gia đình trên mạng xã hội...
Hệ lụy khó lường
Với các cuộc thi này, thông tin người dùng được tập hợp chính xác hơn, miễn phí, do chính người dự thi chủ động cung cấp. Điều này tương tự như trên các clip livestream bán hàng, các diễn đàn mua bán hàng hóa, các hội nhóm thanh lý đồ cũ..., người bán lẫn người mua chủ động công khai rất nhiều thông tin quan trọng như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản...
Việc này sẽ dẫn đến rất nhiều nguy cơ bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo trái phép, ảnh các bé tham gia cuộc thi dễ dàng bị cắt ghép vào quảng bá sản phẩm nào đó. Kẻ gian có thể dựa vào thông tin này để lừa đảo...
Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn đang cấp cứu, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong câu chuyện này, kẻ gian có đủ thông tin cá nhân: họ tên học sinh, họ tên phụ huynh, số điện thoại, địa chỉ, trường học...
Khi tham gia các cuộc thi kiểu như trên, phụ huynh đã chủ động cung cấp những thông tin tương tự! Chưa kể việc like, gắn thẻ hay kêu gọi người thân bạn bè còn giúp kẻ gian nắm rõ hơn thông tin về chính chúng ta.
Ví dụ trong cuộc thi ảnh đẹp của bé, những kẻ lừa đảo dễ dàng biết bé sinh năm bao nhiêu, cân nặng thế nào, thích ăn gì, họ tên bố mẹ, ông bà, địa chỉ... Từ những thông tin này, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh người khác gọi đến nói đúng hết mọi thông tin khiến chúng ta dễ vướng vào bẫy lừa đảo.
Bảo vệ mình, bảo vệ người thân và bạn bè, chúng ta cần bảo vệ thông tin cá nhân của mình trên mạng. Trong đó, bước đầu tiên cần làm là ngừng biếu không hình ảnh, thông tin của con cái, cá nhân, gia đình... cho người lạ.
Tránh bẫy lừa trên mạng
Ngay sau khi đăng ảnh giấy khen và bảng điểm của con lên mạng, bạn tôi nhận "ngay và luôn" những cuộc gọi, tin nhắn, đường link mời chào cho con em tham gia các khóa học hè, lớp ngoại ngữ, thi tuyển người mẫu "nhí" qua ảnh...
Họ nói đúng thông tin cha mẹ, con cái, thành tích của con, khen con hết lời. Và đã có chuyện phụ huynh đăng ký cho con, cháu thi chạy bộ dẫn đến lúc bị sập bẫy lừa mất hàng chục triệu đồng. Cuối năm học lại thấy hình học trò nhận thưởng, có em tự khoe ảnh trên mạng, nhiều em không khoe nhưng cha mẹ làm thay.
Kẻ gian trên mạng sẽ không bỏ qua món quà từ trên trời rơi xuống. Tờ giấy khen nhỏ gọn nhưng có đủ những gì liên quan đến một học sinh, thậm chí xem tên người ký giấy khen còn biết được hiệu trưởng là ai.
Dịp hè còn nở rộ nhiều hình thức trục lợi gian dối khác. Mua vé máy bay giá rẻ, tour du lịch gói ưu đãi, đặt phòng khách sạn ảo với kịch bản và "diễn xuất" y như thật. Sinh viên cũng dễ bị vướng bẫy lừa tìm việc làm thời vụ lương cao...
Nguyên tắc phòng ngừa vẫn không gì khác ngoài những kinh nghiệm: không vội tin, không làm theo, không cung cấp thông tin cá nhân. Thận trọng xác minh những gì tiếp nhận sẽ giúp tránh được bàn thua ở phút bù giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận