Khi xe buýt đưa ra máy bay dừng hơi lâu là họ nháo nhào hỏi dồn nhân viên sân bay “chuyện gì thế?”. Chắc chắn thông tin về chuyến bay MH370 mất tích cùng số phận vô vọng của 227 hành khách cùng 12 người trong phi hành đoàn đã tác động đến tâm lý của họ.
Bầu không khí ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur chiều 9-3 rất yên ắng. Rất nhiều người đứng trầm ngâm trước màn hình điện tử chạy dòng chữ “Xin hãy cầu nguyện cho máy bay MH370” ở đây. “Tôi cầu mong có tin tức tốt lành sớm nhất cho những hành khách đáng thương này” - chị Aabharana từ Indonesia ghé Kuala Lumpur để chuyển tiếp về quê nhà Raipur, nói.
Có khoảng 30 gia đình những hành khách trên chuyến bay mất tích được Hãng Malaysia Airlines đón tiếp tại Sepang, nơi có sân bay quốc tế Kuala Lumpur, để cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ mọi mặt, nhưng họ được cách ly khỏi giới truyền thông. Có một thử thách về đạo đức nghề nghiệp ở đây: liệu các nhà báo sẽ bằng mọi giá săn đuổi thông tin để “truy” ra gia đình các nạn nhân đang đau khổ ngóng chờ tin tức cứu nạn, hay là hãy để họ bình yên trong thời khắc khó khăn dần tuyệt vọng này. Dẫu sao thì vẫn có người chia sẻ, như ông Hamid Ramlan (56 tuổi, cảnh sát ở Kuala Lumpur), người có con gái và con rể mất tích trên chuyến bay MH370, nói với các nhà báo rằng: “Vợ tôi đang khóc, ai cũng buồn đau, nhà tôi trở thành nơi tang tóc”.
Khairul, tài xế lái xe của khách sạn Sama Sama ở Sepang, nơi từ hai ngày qua có trên 200 phóng viên túc trực ngày đêm để đưa tin tức cập nhật về máy bay mất tích, nói đêm nào anh cũng cầu nguyện và “hi vọng”. Đáng tiếc là trong cuộc họp báo muộn đêm qua được điều hành bởi tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, các nhà báo không nhận được thông tin gì nhiều ngoài việc hàng loạt tàu, máy bay đa quốc gia đã nỗ lực tìm kiếm tại vùng biển được cho là MH370 mất dấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận