Sau 7 ngày được phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục và có thể tháo ống dẫn lưu màng phổi.
Ông D.T.L. (55 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều, đau nhiều vùng ngực trái và phía trên rốn.
Theo gia đình ông L., tối 20-2, ông L. có đi tiếp khách và uống bia hơi nhiều, đến rạng sáng thì bị nôn ói dữ dội kèm theo đau ngực, bụng.
Gia đình đưa ông đi cấp cứu ở hai bệnh viện, sau khi siêu âm và X-quang ngực... các bác sĩ đều chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa và cho thuốc uống rồi về.
Đến chiều 21-2, ông L. vẫn còn nôn ói đau ngực không giảm, vào nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y dược, các bác sĩ trực cho truyền dịch, giảm đau và dùng kháng sinh.
Sau đó ông L. đau trở lại, khi hội chẩn và chụp CT-scan thì phát hiện ông L. vỡ thực quản nên phẫu thuật cấp cứu.
Theo bác sĩ Nông, “vỡ thực quản” do ói rất hiếm xảy ra, không có triệu chứng điển hình nên các bác sĩ ít khi nghĩ đến, vì vậy khó khăn trong việc chẩn đoán sớm.
Trường hợp này, bệnh nhân được phát hiện sau 24 giờ từ lúc vỡ nên khả năng bị nhiễm trùng nhiễm độc rất lớn, nguy cơ tử vong khi phẫu thuật trên 50%.
Vỡ thực quản sau nôn ói là do sự gia tăng áp lực đột ngột trong thực quản khi nôn ói, thường gặp ở nam giới từ 50-60 tuổi, nôn ói ồ ạt ở người có chế độ ăn uống nhiều và hay uống rượu bia.
Có 3 triệu chứng thường gặp: nôn ói nhiều, lặp đi lặp lại; đau ngực đột ngột sau nôn (ở ngực dưới và bụng trên); tràn khí dưới da (ít gặp).
Khi bệnh nhân sau các cuộc nhậu thường bị nôn ói, nếu có những triệu chứng này cần đến bệnh viện ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận