Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) từng thừa nhận "thiếu sự sáng tạo là gót chân Achilles của nền kinh tế Trung Quốc" - Ảnh chụp màn hình
"Nhận thức mang tính bản năng của ông Trump về việc cần phải cân bằng lại quan hệ thương mại với Bắc Kinh trước khi Trung Quốc trở nên quá mạnh để có thể thỏa hiệp là chính xác. Và chỉ có người thích đập phá như Trump mới có thể thu hút được sự chú ý của Trung Quốc", cây bút bình luận sắc sảo Friedman bắt đầu lập luận.
Tác giả của cuốn sách "Chiếc Lexus và cây ôliu" có thể đúng khi mượn tên một loạt phim truyền hình là "Human Wrecking Balls" để mô tả tính khí của ông Trump.
Trong phim, các nhân vật chính phá mọi thứ từ nhà cửa đến xe cộ, tàu thuyền chỉ bằng tay không. Còn ngoài đời, 2 năm rưỡi sau khi nhậm chức, ông Trump đã làm chao đảo và "phá nát" nhiều thứ, từ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến cả Liên Hiệp Quốc và các thỏa thuận thương mại hay quân sự song phương giữa Mỹ với các nước.
Thomas Friedman là một nhà bình luận các vấn đề đối ngoại của báo New York Times, người đã giành 3 giải Pulitzer danh tiếng và là tác giả của 7 quyển sách gây tiếng vang. Ông Friedman ủng hộ toàn cầu hóa qua những cuốn sách do chính ông viết như "Chiếc Lexus và cây ôliu" hay "Thế giới phẳng".
Việc để Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, theo ông Friedman, đã giúp Bắc Kinh trở thành một cường quốc thương mại trong khi vẫn hưởng các ưu đãi trên danh nghĩa một nước đang phát triển.
Trong nhiều thập niên, Mỹ và châu Âu đã làm ngơ trước một số gian lận thương mại của Trung Quốc bởi họ tin rằng một khi Bắc Kinh khấm khá hơn nhờ thương mại, nước này sẽ cởi mở hơn về mặt chính trị.
Nhưng "thay vì Trung Quốc giàu có hơn và trở thành bên liên quan có trách nhiệm hơn trong thế giới toàn cầu hóa, họ lại trở nên giàu hơn và quân sự hóa nhiều hơn các đảo ở Biển Đông để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực".
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo bất hợp pháp - Ảnh: CSIS
Những cuộc đàm phán mới giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế ngang cơ nhau, không phải là tranh chấp thương mại thông thường. "Đây là một vụ tranh chấp lớn!", Friedman khẳng định.
Tổng thống Trump đã nhiều lần dọa gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc khi cán cân thương mại giữa hai nước chênh lệch quá lớn nhưng chưa bao giờ thực sự làm điều đó. "Bắc Kinh đã tìm cách xoa dịu Mỹ bằng cách mua thêm nhiều máy bay Boeing, thịt bò và đậu nành".
Nhưng đã có những thay đổi lớn của Trung Quốc dưới thời ông Tập khiến Mỹ phải thật sự chú ý, theo ông Friedman. Đáng kể nhất là việc Bắc Kinh công bố chiến lược "Made in China 2025" hướng tới mục tiêu trở thành nước dẫn đầu về siêu điện toán, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới, công nghệ in 3D hay mạng 5G.
Dù gọi những tham vọng này là "điều tự nhiên" khi Trung Quốc muốn thoát khỏi nhóm các nước thu nhập trung bình và giảm phụ thuộc và phương Tây về công nghệ cao. Friedman lưu ý các ngành mà Trung Quốc hướng tới đều là "sự cạnh tranh trực tiếp với những công ty tốt nhất của Mỹ".
"Nếu Mỹ và châu Âu cho phép Trung Quốc tiếp tục vận hành theo đúng công thức mà họ đã sử dụng để thoát nghèo và cạnh tranh ở tất cả các ngành nghề tương lai, chúng ta hẳn là những kẻ điên. Về điều này thì Trump đã đúng".
Tham vọng dẫn đầu thế giới về mạng 5G của Huawei đang bị chững lại trước hòn đá tảng tên Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo Friedman, Huawei đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ Chính phủ Trung Quốc để trở thành một công ty mạnh hơn, tốt hơn nhưng rẻ hơn trong cuộc đua với các đối thủ phương Tây.
"Để rồi cuối cùng Huawei dùng vị thế chiếm lĩnh thị trường toàn cầu đang lên của mình để ấn định chuẩn viễn thông 5G toàn cầu thế hệ mới dựa trên công nghệ của chính họ chứ không phải công nghệ của Qualcomm của Mỹ hay Ericssion của Thụy Điển".
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi trong một cuộc phỏng vấn ngày 21-5 tự tin tuyên bố các đối thủ sẽ mất từ 2 đến 3 năm nữa mới bắt kịp Huawei trong công nghệ mạng 5G và tập đoàn của ông dư sức tạo ra những con chip tốt như chip của Mỹ.
Năng lực đó đúng tới đâu vẫn còn phải kiểm chứng, nhưng trước mắt Huawei, đúng hơn là giới lãnh đạo Trung Quốc nên nghĩ cách làm thế nào vượt qua bức tường tẩy chay do Mỹ dựng lên và đang ngày càng cao lên xung quanh Huawei.
Làn sóng tẩy chay, quay lưng với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn từ cuối tuần rồi sau khi ông Trump ký một sắc lệnh cấm công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ nếu không có sự cho phép.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới lưỡng dụng, nơi mà 'những gì làm chúng ta giàu có và mạnh hơn cũng có thể làm chúng ta tổn thương' như lời của John Arquilla, một trong những chiến lược gia hàng đầu của Trường Cao học Hải quân.
Hãy nên lo lắng vì nếu bạn sử dụng chatbot của Huawei trong nhà, giống như công cụ Echo của Amazon, thì cũng có nghĩa bạn có thể đang nói chuyện với tình báo quân đội Trung Quốc".
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bên cạnh ông Tập Cận Bình trong một văn phòng mới tại London năm 2015 - Ảnh: REUTERS
"Để vụ tranh chấp này kết thúc có hậu, Trump cần phải dừng trò châm chích Trung Quốc một cách trẻ con trên Twitter (và thôi nói về việc chiến tranh thương mại "dễ ăn" như thế nào). Ông ta phải âm thầm thiết lập một thỏa thuận tái cân bằng tốt nhất mà chúng ta có thể có - dù ta không thể khắc phục mọi thứ cùng một lúc - và chuyển hướng sang chuyện khác, tránh nhảy xổ vào một cuộc chiến thuế quan dai dẳng.
Và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phải nhận thấy rằng Trung Quốc không thể tiếp tục tận hưởng những ưu đãi thương mại mà họ đã có trong 40 năm qua. Ông ta sẽ khôn ngoan nếu thôi gầm gừ điệp khúc dân tộc chủ nghĩa là 'không ai được phép bảo Trung Quốc phải làm gì' và tìm kiếm một thỏa thuận hai bên cùng thắng tốt nhất có thể.
Bởi vì Bắc Kinh sẽ không thể gánh nổi hậu quả của việc Mỹ và các nước khác chuyển dịch hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng của họ sang các nước 'ABC', hay bất kỳ nơi nào khác, trừ Trung Quốc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận